Gửi tặng Song Toàn: Tình cô bên chữ em

11/04/2018 - 14:30

PNO - Song Toàn yêu quý. Cùng với nhiều người lớn khác, cô cảm ơn sự chân thành, can đảm của con - một giá trị hiếm quý, bất biến. Tin tưởng và chúc con thành đạt ở môi trường mới.

Song Toàn yêu quý,

Cách đây 15 năm, cô có đăng trên Báo Phụ Nữ TP.HCM bài viết về quyển sách con gái cô - khi đó 12 tuổi - chọn mua trên nước Pháp. Sách tên Những bài thơ cho lễ các bà mẹ. Bìa sách đơn sơ như vở học trò, chứa đựng nội dung… học trò thật: hai mươi hai “bài thơ” của hai mươi hai học sinh lớp Năm thuộc trường Jean Boudin ở ngoại ô Paris.

Đúng hơn, những bài tập làm thơ nhân lễ các bà mẹ với những trang vở mực xanh cùng bút phê đỏ của cô giáo... Với hình thức khác lạ này, nhà xuất bản Casterman đã kích thích tò mò cho cả phụ huynh ngay cái nhìn đầu tiên.

Gui tang Song Toan: Tinh co ben chu em
Nữ sinh Phạm Song Toàn

Vừa về đến nơi bé con cô đã nhào ra đọc, chốc chốc cười ré lên thích thú: “Vui lắm! Ba mẹ đọc thử đi!”. Chiều con, cô cầm sách, nhẩn nha ý nghĩ chắc lại những câu thơ mẫu, những tình yêu có cánh. Nhưng những con chữ cứ cuốn hút cô, làm cô bật cười. Cười nhưng khó vui.

Bỏ qua phần sai chính tả, văn phạm bị cô giáo phê bên góc trang, hai mươi hai bài thơ rất chân thật, và có chung xu hướng: sau dăm câu mến yêu, ca ngợi, các em đều… lạc đề, xin mẹ cái gì đó - quà cáp, đi chơi, món ăn… thay cho lời chúc, tri ân ngày lễ. Thậm chí Amélie Rique còn tuyên bố nghỉ chơi với mẹ vì mẹ “tiết kiệm”, không mua đúng món quà cô ưa thích.

Ngày 9/4, Phạm Song Toàn đã được nhận vào học tại một trường tư thục, thêm học bổng 300 triệu đồng gồm học phí trong suốt thời gian còn lại của bậc THPT (em đang học lớp 11) cùng phí xe buýt đưa đón, bữa ăn bán trú.

Việc trao học bổng cho Phạm Song Toàn, người đã phản ánh vụ cô giáo không giảng bài gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, là một cách giúp em giữ được phẩm chất tốt đẹp, đồng thời không sụp đổ lòng tin vào xã hội.

Gọi là thơ nhưng các em viết rất… thô: Để làm mẹ vui, Jean- Pierre Latache hứa sẽ thôi móc mũi, thôi ngốn ngấu, thôi đánh bạn. Erika Mayeux thì khen mẹ: “Mặc áo hoa mẹ vô cùng đẹp. Con muốn mẹ cho con áo này khi mẹ chết”. Sophie Latrice thì toan tính: “Con sẽ chơi xổ số. Nếu thắng con sẽ tặng mẹ món quà tuyệt nhất”.

Lậm sâu tiền bạc, cô bé Juanita Blo gọi tên hầu hết các danh họa thế giới, rằng muốn mua tranh họ làm quà cho mẹ nhưng không đủ sức, do đó tự vẽ, và viết tặng như một người nổi tiếng!

Dù ngây ngô hay nắn nót, “thơ” của các em đều bộc toạc sự chân thành. Thật sửng sốt những câu căm ghét cha dượng của Jacky Lasmala, chỉ bởi ông không cho cậu trượt patin trong phòng khách, không ăn kẹo trước bữa ăn.

Thật xót xa khi Sandra Lénère cho biết cô sẽ không làm quà cho mẹ nữa, vì nhiều năm nay mẹ đã vứt đi tất cả các quà tặng tự tay cô làm lấy. Hay nhói tim như Mastapha Tigue, sau hàng loạt hứa hẹn quyết tâm điều tốt đẹp: quét dọn, giữ em, ăn ít (?) đã kết thơ với hai câu hờn tủi: “Để ít nhất một lần mẹ không nói ân hận đã sinh con, không ví con là địa ngục!”.

Bài tập của cô giáo Irma Cran tự nhiên, nhưng không tự dưng khi các em “mở lòng” đến thế - điều chỉ xảy ra trong mối quan hệ thân tín. Thật xúc động khi đọc các dòng phê của cô giáo. Với Erika, Cran dí dỏm: “Viết thế cầm như em chờ mẹ chết nhanh ư?”. Với Lasmala, Cran thẳng thắn: “Những gì bố dượng cấm em đều đúng. Bố không thù ghét em, mà chỉ giáo dục”. Với cô bé trách mẹ mình “keo kiệt”: “Theo cô em đã được mẹ chăm sóc rất nhiều: áo quần, cặp sách của em đều mới so với các bạn”.

Gui tang Song Toan: Tinh co ben chu em
Ảnh minh họa

Với Sandra, Cran chia sẻ: “Cô hiểu em có lý khi buồn tủi: không ít cha mẹ chưa đánh giá hết quà tặng làm nên bởi tình yêu và lao động của con. Em có thể đưa bài thơ này cho mẹ để mẹ hiểu em”.

Và nghiêm khắc với cô bé phô trương danh vọng: “Bài thơ của em đúng vần điệu, nhưng cô cảm giác trong em có một điều chưa đúng: em có ông làm việc trong bảo tàng danh tiếng, có ba mẹ, cô chú thành công trong việc bán tranh, và em thích khoe điều đó với mọi người. Tuy nhiên, cô muốn em suy nghĩ điều này: cùng bắt đầu bằng chữ “A” (Amour, Agent, Art) nhưng tình yêu nghệ thuật không thể mua bằng tiền bạc. Hãy yêu mẹ với tình yêu khiêm tốn, chân thành nhất”.

Không chỉ viết cho các em, Cran còn viết thư hoặc tìm đến phụ huynh nếu thấy tình hình nghiêm trọng. Ví như cô đã gặp mẹ Mustapha về vấn đề “địa ngục”. Hoặc hốt hoảng viết cho phụ huynh Yves Erlan: “Tôi viết thư này chỉ vì lo lắng cho Yves. Trong bài tập của em tôi tìm thấy một từ liên quan đến ma túy và tự hỏi em có thể đã sử dụng hay buôn bán? Dù không mong điều đó nhưng tôi muốn ông bà lưu ý”.

Với Yves, ngay trên bài thơ, Cran đã có những dòng phê thống thiết: “Chữ kiffe của em làm cô lo quá: đó là ma túy Yves ạ! Em đã từng thử nó? Phải đó là lý do khiến bài thơ của em rối loạn?”. Tình cô bên chữ em, chỉ qua vài dòng bút phê thấy rõ một tấm lòng, một quan điểm giáo dục nhân văn. 

Đơn giản và mong manh, quyển sách là hình dung của một xã hội thu nhỏ. Ở đó có hạnh phúc, cưng yêu, tổn thương. Ở đó có thờ ơ, sung túc và lam lũ… Đọc hết sách ta hiểu vì sao nhà xuất bản cho ra một ấn bản “dị thường” như vậy. Nó kích thích trẻ con xét đoán, khiến người lớn phải suy tư.

Đọc xong sách, cô cứ lén nhìn con cô mãi, tự hỏi có chăng cái vùng tối thơ ngây nhưng bất trắc trong trí não non nớt? Chắc chắn có nhưng làm sao để trẻ thơ thốt ra? Không phải cha mẹ nào cũng biết tạo nên không khí cho điều đó, không phải nhà sư phạm nào cũng đủ khả năng làm “bật” ra những hồn nhiên như vậy. Và cuối cùng, không phải bất kỳ quan niệm giáo dục nào cũng cổ vũ sự hồn nhiên như thế. 

Song Toàn yêu quý. Cùng với nhiều người lớn khác, cô cảm ơn sự chân thành, can đảm của con - một giá trị hiếm quý, bất biến. Tin tưởng và chúc con thành đạt ở môi trường mới. 

Đạo diễn Việt Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI