Mùa hè, nhu cầu đi lại của hành khách đến các điểm du lịch hoặc sinh viên về quê tăng cao. Những tuyến đường dài qua các tỉnh miền Trung thực sự là nỗi kinh hoàng của nhiều người.
Nhà xe vội vàng dùng bữa cơm trưa để tiếp tục hành trình ra Nghệ An
Chuyến xe “bão táp”
Gần 22g đêm 16/6, cùng chờ bắt xe khách đi Khánh Hòa với chúng tôi là hai mẹ con chị T. (Q.Thủ Đức). Chiếc xe khách giường nằm của hãng H.L. mang BKS: 79B - 00… đánh xi nhan tấp sát vào Quốc lộ 13 (đoạn giao với ngã tư Bình Triệu). Một lơ xe chạy xuống hỏi: “Đi biển Nha Trang phải không anh trai? Chị cũng đi luôn hả, nhanh lên, giao thông nó bắt bây giờ. Xe bọn em chạy muộn nhất đấy, nhưng đảm bảo ra sớm hơn các xe khác trước hai tiếng đồng hồ”. Chưa thấy chúng tôi phản ứng gì, người lơ xe vơ vội hành lý của mẹ con chị T., bế thốc cháu nhỏ làm tôi cùng chị T. phải lật đật chạy theo, lên xe.
Chiếc xe lăn bánh chậm rãi khi lưu thông trên địa bàn Q.Thủ Đức (TP.HCM) để cố “vớt” thêm những hành khách như tôi và chị T. Với lý do có trẻ em đi cùng, tôi và chị T. được bố trí ngồi ngay gần tài xế. “Chạy như thế này mà bác tài bảo chỉ hơn bảy tiếng ra được Khánh Hòa”, tôi bắt chuyện. Tài xế N. (khoảng 38 tuổi) ngoảnh lại: “Thời điểm này cảnh sát giao thông (CSGT) bắn tốc độ kinh lắm nên chạy chậm chút xíu, qua địa bàn tỉnh Đồng Nai mới tăng tốc”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ TP.HCM ra Khánh Hòa ít nhất cũng phải mất từ 9 - 10 tiếng đồng hồ, nếu xe khách chạy với tốc độ vừa phải. Vì thế, nghe tài xế N. nói chỉ cần bảy tiếng là ra đến nơi, chúng tôi không ai tin.
Bà C. (ngụ Q.Gò Vấp) ngồi kế bên cạnh tôi cho biết, bà ra thăm con gái, tiện thể đi du lịch luôn, do không đặt được vé máy bay nên đành đi ô tô, dù cô con gái phản đối vì sợ xe chạy ẩu, dễ tai nạn. Bà nói: lên xe nằm nhắm mắt, sáng hôm sau đến Nha Trang, còn biết gì mà lo với sợ.
Theo tài xế N., một chuyến xe khách từ TP.HCM ra Khánh Hòa có hai tài xế thay nhau cầm lái, một lơ xe có nhiệm vụ bắt khách. Chạy tuyến đường dài như vậy nhưng tài xế rất ít khi thay ca, chỉ khi xe đỗ xịch tại bến xe phía Nam Nha Trang (Khánh Hòa) thì tài phụ mới quay đầu xe chạy ngược vào TP.HCM. N. nói: “Khi xe vào bến, chúng tôi chỉ được nghỉ ăn uống được chốc lát rồi đi luôn chứ không có thời gian ở lâu. Mất ngủ thì lấy chăn lên xe đánh một giấc từ Khánh Hòa vào TP.HCM là đủ rồi”.
Cảnh “đua” tốc độ trong đêm tối giữa các xe khách
Chiếc xe đang chạy với tốc độ vừa phải, đến địa phận tỉnh Đồng Nai thì bắt đầu “đua” tốc độ. Qua ngã ba Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai) chúng tôi không còn tin là mình đang ngồi trên chiếc xe giường nằm cao cấp, vì tài xế N. liên tục có những màn tăng tốc kinh hoàng làm xe rung lắc dữ dội. Ngồi bên cạnh, lái phụ tên H. nói nhỏ: “Chạy chậm chút đi, chỗ này hay có CSGT bắn tốc độ lắm đấy”. Nghe nhắc, tài xế nhấn phanh cái rụp, làm hành khách trên xe đổ nhào về phía trước. Từ gần 100km/h, lập tức xe đã về mốc an toàn 60 km/h.
Một số hành khách lên tiếng phàn nàn, yêu cầu tài xế chạy nghiêm túc hơn, nhưng đáp lại là thái độ bất cần của bác tài. Đến địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận), dù trời mưa, đường trơn, nhưng tài xế vẫn chạy với vận tốc rất cao, những cú bẻ lái, tăng ga để vượt xe cùng chiều khiến hành khách trên xe nhiều phen “mất vía”. Nguy hiểm nhất là thời điểm khoảng 2-3 giờ sáng, khi đi ngang qua địa bàn huyện Bắc Bình (Bình Thuận), huyện Tuy Phong (Ninh Thuận)… dù đoạn đường này không có một bóng đèn, đường hẹp, khúc cua gấp, nhưng tài xế N. vẫn chạy với vận tốc trên 100km/h. Đặc biệt, khi chạy qua đoạn đường thuộc TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), là nơi mới xảy ra vụ TNGT thảm khốc cướp đi sinh mạng của 12 người chưa lâu, tài xế N. vẫn không ngán, đạp ga liên tục, kim đồng hồ chạm mức 105km/h.
Chiếc xe khách xuất phát lúc 21g40 từ TP.HCM, nhưng đến khoảng 5g20 sáng hôm sau đã có mặt tại bến xe phía Nam Nha Trang (Khánh Hòa). Suốt hành trình chạy ròng rã hơn bảy tiếng đồng hồ, tài xế xe khách không một lần dừng chân nghỉ ngơi. Trong khi, theo quy định, bốn tiếng phải nghỉ ngơi, thay “tài”. Tài xế N. khoe: “Tôi lái gần 10 năm ở tuyến đường này rồi, từng ổ gà, từng trạm CSGT tôi thuộc như lòng bàn tay, biết lúc nào nên chạy nhanh, chạy chậm”. Tuy nhiên, khi đến bến xe phía Nam Nha Trang, tài xế N. tỏ vẻ mệt mỏi, lấy ghế bố sẵn trong xe ra ngủ lấy sức. “Chỉ tranh thủ được đêm khuya không có mấy ông CSGT bắn tốc độ mới chạy nhanh như thế thôi, ban ngày thì đừng có mơ”, lơ xe H.L. tự hào nói.
“Dám giỡn mặt với tao à?”
Trên một chuyến đi khác, chúng tôi bắt xe khách BKS: 37N - 350… từ TP.HCM ra TP. Vinh (Nghệ An). Trời tờ mờ sáng, khi đến địa bàn huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), sau một đêm dài không nghỉ ngơi, tài xế chính chuyển lái cho tài phụ là một thanh niên khoảng gần 30 tuổi. Thời điểm này được cánh tài xế coi là “giờ vàng” cho những cú bứt tốc vì trời bắt đầu sáng, đường vắng, CSGT ít tuần chốt. Nhìn gương chiếu hậu, tài xế phụ của xe phát hiện chiếc xe mang BKS tỉnh Nam Định đang lao từ phía sau lên vùn vụt. Rất nhanh, anh này đạp ga không cho đối thủ vượt mặt.
Không chịu thua kém, chiếc xe Nam Định đã vượt lên ngang hông chiếc xe chúng tôi đang ngồi. Tài phụ của xe 37N - 350… tiếp tục nhấn ga mạnh hơn. Đồng hồ vượt quá 100km/h, hai xe vẫn so kè trong sự hoảng sợ của hành khách. Gần 10 phút so kè chưa phân thắng bại, bất ngờ đến đoạn đường cua, phía đối diện một chiếc xe tải lù lù xuất hiện, tài xế xe Nam Định buộc phải hãm phanh gấp. Đáp lại những tiếng phanh gấp rợn người đó, tài phụ xe 37N buông tiếng chửi thề rồi cười sảng khoái: “Mày dám giỡn mặt với tao à?”.
Tài xế N. tỏ ra mệt mỏi sau hành trình chạy xe từ TP.HCM ra Khánh Hòa
Xe chạy cả mười mấy tiếng đồng hồ mà không chịu dừng để khách ăn trưa, chúng tôi hỏi tài xế: “Anh chạy xe quá 10 tiếng không sợ bị xử phạt hay xe gặp sự cố nào sao?”. Tài xế này nói: “Ôi, chạy xe quá 10 tiếng là chuyện bình thường, có ai kiểm tra đâu mà sợ. Nói thật, tôi chạy xe khi nào cảm thấy mệt thì nghỉ, còn gặp sự cố thì tại xui thôi”. Chạy đến địa bàn Đà Nẵng, chiếc xe khách này mới chịu dừng lại để hành khách ăn cơm trưa. Hàng chục hành khách bước xuống xe với vẻ mặt nhăn nhó vì bị “hành” suốt chặng đường dài, nhiều người không giấu được cảm giác sợ hãi khi nghĩ lại màn “đua” tốc độ của chiếc xe.
Chạy nhanh, vượt ẩu để giành khách
Trong quá trình tìm hiểu về việc tài xế “đua” tốc độ trên Quốc lộ 1A đi qua các tỉnh miền Trung, chúng tôi được nghe nhiều tài xế than vãn do bị áp lực từ các doanh nghiệp nên buộc phải chạy nhanh, vượt ẩu… để tranh giành khách. Tài xế N. (SN 1981, quê Nghệ An) nói: “Khổ lắm anh ơi, nghề nào nghiệp đó. Tài xế như chúng tôi cá cược mạng sống hàng chục người trên xe khách vì chịu quá nhiều áp lực từ doanh nghiệp. Biết là chạy nhanh, vượt ẩu nguy hiểm nhưng cũng phải chấp nhận thôi”.
Theo N., các doanh nghiệp đầu tư hàng chục xe khách đủ loại với mục đích kinh doanh. Vì thế, những ngày ít khách, họ gây áp lực cho tài xế phải chạy nhanh hơn ngày bình thường, phải “đua” tốc độ với các xe khác để “hớt” khách. Chính yêu cầu có phần mạo hiểm đó buộc tài xế phải phóng nhanh, thậm chí không dừng lại ăn uống, nghỉ ngơi và kiểm tra xe cộ cho đàng hoàng. Bên cạnh việc bắt tài xế chạy nhanh, chủ doanh nghiệp còn yêu cầu tài xế phải tiết kiệm nhiên liệu, chẳng hạn như xe trôi dốc thì về số “mo” cho đỡ tốn dầu (đây là nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc vừa qua tại đèo Hòn Giao).
Chiều 18/6, khi ngồi trên xe khách mang BKS: 79B-007… của hãng xe chất lượng cao C.T., thấy tài xế tên S. vừa lái vừa giơ tay ra hiệu, chúng tôi hỏi, S. nói: “Đó là ký hiệu dùng để thông báo cho đồng nghiệp biết, phía trước có CSGT tuần tra, chốt chặn để chạy chậm lại, khỏi bị bắn tốc độ”. Theo S., dù các doanh nghiệp vận tải cạnh tranh nhau bắt khách nhưng cánh tài xế đường trường luôn là những người đồng nghiệp “tốt”, luôn báo hiệu cho nhau để biết đường mà tránh CSGT. Cũng chính vì chiêu này mà nhiều tài xế vô tư phóng xe bạt mạng sau khi được đồng nghiệp báo không có CSGT chốt chặn.
Qua hai ngày đêm đi trên nhiều xe khách khác nhau, chúng tôi luôn cảm thấy bất an, hồi hộp theo từng pha đạp ga, từng cú đánh lái của tài xế. Ngồi cạnh tôi trên chuyến xe khách vào TP.HCM, ông Nguyễn Văn Mạnh (SN 1953, quê Phú Thọ) lắc đầu ngán ngẩm: “Đi xe khách bây giờ coi như giao “mạng” cho tài xế. Biết làm sao được khi các anh tài xế chỉ xem áp lực từ doanh nghiệp là “nặng gánh”, còn hành khách thì bỏ mặc. Lần nào đi xe khách, tôi cũng cầu trời cho tôi và những người trên xe được bình an để về với con cháu. Giờ TNGT xảy ra như cơm bữa, nhiều người đang sống khỏe mạnh bất ngờ ra đi mãi mãi sau một chuyến xe khách định mệnh”.
Hải Dương - Vinh Quốc