Gửi kỳ vọng vào từng lá phiếu trong ngày hội toàn dân

24/05/2021 - 06:51

PNO - Trong số các cử tri TP.HCM tham gia kỳ bầu cử này, có những vị từng bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử năm 1946 bầu đại biểu Quốc hội khóa I, cuộc bầu cử năm 1976 khi đất nước thống nhất và hôm nay, họ tiếp tục đi bỏ phiếu trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cù ng Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dự khai mạ c và bỏ phiếu tại điểm bầu cử số 041, thị trấn Củ Chi, TP.HCM ẢNH: TAM NGUYÊN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dự khai mạc và bỏ phiếu tại điểm bầu cử số 041, thị trấn Củ Chi, TPHCM ẢNH: Tam Nguyên

Những cử tri đặc biệt

Sáng 23/5, thay vì lấy ghe đi làm như mọi hôm, anh Nguyễn Hồng Sơn - 50 tuổi, tạm trú tại P.15, Q.Gò Vấp, TPHCM - ăn mặc tươm tất để đi bỏ phiếu. Đây là lần đầu tiên người đàn ông làm nghề đánh bắt cá trên kênh này đi bầu cử. “Trước đây, tôi chủ yếu sống trên ghe, neo gần cầu Bến Phân (ranh giới Q.Gò Vấp và Q.12) nên không để ý đến những kỳ bầu cử. Gần đây, tôi thuê phòng trọ để ở, có đăng ký tạm trú nên được phát phiếu cử tri để đi bầu. Tôi thấy vui vì lần đầu mình đến một điểm bầu cử, tự tay chọn ra đại biểu” - anh Sơn chia sẻ. 

Tại khu vực bỏ phiếu số 051, P.Cầu Ông Lãnh, Q.1, TPHCM, có hàng trăm cử tri là sinh viên Trường đại học Kinh tế TPHCM và Trường đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, lần đầu tiên thực hiện quyền đi bầu cử của mình. Nữ cử tri Man Trần Ý Nhi - 20 tuổi, sinh viên năm thứ ba Trường đại học Kinh tế TPHCM - nói: “Lần đầu tiên em đi bầu khi cả nước căng mình chống dịch COVID-19. Đây là dịp đặc biệt và sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ trong đời mình”.

Các cử tri là sinh viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM và Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM lần đầu tham gia bỏ phiếu tại điểm bầu cử số 051, P.Cầu Ông Lãnh, Q.1, TP.HCM - ảnh: hoài an
Các cử tri là sinh viên Trường đại học Kinh tế TPHCM và Trường đại học Khoa học tự nhiên TPHCM lần đầu tham gia bỏ phiếu tại điểm bầu cử số 051, P.Cầu Ông Lãnh, Q.1, TPHCM - Ảnh: Hoài An

Có mặt tại điểm bầu cử Trường THCS Đoàn Thị Điểm, P.12, Q.3, TPHCM, cử tri Trần Lâm cho biết, ông đã trải qua “ba kỳ bầu cử đặc biệt”, đó là cuộc tổng tuyển cử năm 1946 bầu đại biểu Quốc hội khóa I, cuộc bầu cử năm 1976 khi hai miền thống nhất và hôm nay là cuộc bầu cử trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới. “Lần bầu cử này diễn ra trong thời điểm có dịch COVID-19 mà đảng bộ, chính quyền thành phố tổ chức bài bản, chu đáo thế này thì quý quá. Tôi chẳng mong gì hơn là các đại biểu đắc cử sẽ đem hết tài đức xây dựng TPHCM và đất nước ngày càng giàu mạnh” - cử tri Trần Lâm bày tỏ. 

Cụ Trần Lâm đã trải qua “ba kỳ bầu cử đặc biệt” - ảnh: Tam Bình
Cụ Trần Lâm đã trải qua “ba kỳ bầu cử đặc biệt” - Ảnh: Tam Bình

Bỏ phiếu ở cùng khu vực với ông Trần Lâm, bà Nguyễn Thị Thủy (85 tuổi) cho biết, kỳ bầu cử này được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất trong các kỳ bầu cử mà bà từng tham gia. Mọi công tác đều quy củ hơn, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin nhiều chứ không thủ công như mọi lần nên mọi thứ diễn ra nhanh gọn, trôi chảy. “Tôi thấy bà con cử tri chấp hành nguyên tắc 5K rất nghiêm túc, ngay từ cổng đi vào đã đảm bảo 5K rồi. Kỳ bầu cử này tiếp tục khẳng định, nếu có sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân thì việc khó nào cũng có thể thực hiện” - bà Nguyễn Thị Thủy nhận xét.

Sự lựa chọn đầy tâm huyết

10g sáng 23/5, sau khi thu thập hơn 50% số phiếu cử tri, tổ bầu cử ở điểm bỏ phiếu số 21, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TPHCM đã mang thùng phiếu phụ đến tận nhà các cử tri cao tuổi, người bị bệnh nặng để họ thực hiện quyền bỏ phiếu. Cụ Trương Thị Minh nhà ở đường Lê Công Phép, P.An Lạc - cho biết, cách đây 45 năm, cụ đã tham gia kỳ bầu cử Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất. Từ đó, khi đến “ngày hội toàn dân”, cụ đều tự mình đi bỏ phiếu để lựa chọn người đại diện cho tiếng nói của người dân.

Cụ Trương Thị Minh lần đầu bỏ phiếu tại nhà - ảnh: sơn vinh
Cụ Trương Thị Minh lần đầu bỏ phiếu tại nhà - Ảnh: Sơn Vinh

“Năm nay, tôi cũng muốn tự mình đến trụ sở khu phố để bỏ phiếu nhưng sức khỏe không cho phép. Đến trưa, thấy các cháu ở khu phố mang thùng phiếu đến, tôi rất xúc động. Tôi mong người trúng cử lần này có đủ tài, đức và luôn phấn đấu để phụng sự người dân” - cụ 
Minh nói.

Trong kỳ bầu cử lần này, ông Huỳnh Kim Sơn - 69 tuổi, ở khu phố 6, P.An Lạc, Q.Bình Tân - bị bệnh nặng nên không thể trực tiếp đi bỏ phiếu. Khi tổ bầu cử mang thùng phiếu đến tận nhà, ông Sơn vội ra hiệu cho cháu ngoại đỡ mình dậy để bỏ phiếu. Người nhà ông Sơn cho biết, nếu còn khỏe, chắc chắn ông sẽ đến điểm bỏ phiếu rất sớm. 

Ông Tô Hoàng Giang - Chủ tịch UBND P.An Lạc - cho biết, trong ngày 23/5, các tổ bầu cử sẽ mang thùng phiếu phụ đến khoảng 10 nhà dân có cử tri lớn tuổi, đến nơi ở của 28 cử tri đang cách ly tại nhà và 31 cử tri đang ở khu cách ly tập trung của quận.

Tại khu vực bầu cử 102, P.Phú Thuận, Q.7, TPHCM, ông Lê Phước Tứ - cán bộ lão thành cách mạng 97 tuổi - được người thân dìu đỡ. Ông cho biết, đây là lần thứ 15 ông cầm lá phiếu cử tri. Theo người thân của ông, hiện sức khỏe của ông đã yếu. Tuần trước, gia đình đưa ông vào bệnh viện nhưng ông bảo phải đợi sau bầu cử. Cuối cùng, gia đình phải thuyết phục, hứa sẽ đưa ông về nhà trước bầu cử một ngày. Và sáng nay, ông phải trở vào bệnh viện. Cô Đào - con ông Tứ - kể, khi cán bộ phường chưa đem tài liệu về các ứng cử viên đến, ông bắt con cái phải lên mạng tìm kiếm thông tin, in ra cho ông đọc và nghiên cứu. Ông Lê Phước Tứ chia sẻ về lựa chọn của mình: “Tôi chọn người có trình độ, bao quát được tình hình chung, không ngại khó, làm tới cùng và nhất là ưu tiên cho giới trẻ bởi họ cần có cơ hội để cọ xát, thể hiện năng lực”.

Tại điểm bầu cử số 59, P.Tân Phong, Q7, bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM - cùng chồng là luật sư Trương Trọng Nghĩa đến thực hiện quyền và nghĩa vụ cử tri của mình. Bà Thế Thanh bày tỏ: “Tôi nghĩ, đất nước ta nhất định phải phát triển hơn nữa và sánh tầm với các quốc gia tiên tiến khác. Để làm được điều này, trước tiên, người đại diện cơ quan quyền lực của Nhà nước phải trung thành với đất nước và có năng lực biến lòng yêu nước thành hành động cụ thể; khi đã vào cơ quan Quốc hội thì phải có trí tuệ và kỹ năng xây dựng luật. Bên cạnh đó, họ cần nắm bắt được tâm tư cũng như truyền tải ý kiến và bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của cử tri, giám sát việc thực thi pháp luật tại địa phương. Để làm được những điều kể trên, rất cần chữ tâm và dũng khí”.

Bà Thế Thanh cho rằng, phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng gia đình và xã hội. Phẩm chất của người phụ nữ ảnh hưởng rất lớn tới thế hệ trẻ của đất nước nên bà sẽ ưu tiên lựa chọn ứng cử viên là phụ nữ có đầy đủ phẩm chất, năng lực và kỹ năng với kỳ vọng rằng có nhiều đại biểu nữ chất lượng hơn. Bà nói: “Khi tôi đặt bút chọn lựa thì nam hay nữ không quan trọng, nhưng khi chất lượng của các ứng cử viên như nhau thì tôi ưu tiên chọn phụ nữ”. 

Nữ cử tri ba thế hệ cùng đi bỏ phiếu

Sáng 23/5, bà Lê Thị Bình - 93 tuổi - đã cùng cháu gái và con dâu là bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - có mặt tại khu vực bầu cử số 051, đường Trần Hưng Đạo, P.Cầu Ông Lãnh, Q.1, TP.HCM. Do tuổi cao, sức yếu, bà được cán bộ tổ bầu cử cho biết sẽ mang thùng phiếu đến tận nhà, nhưng bà quyết định trực tiếp đi bỏ phiếu. “Đây là dịp đặc biệt bởi trong chín cử tri của gia đình chúng tôi, có cháu gái 21 tuổi lần đầu tiên đi bầu cử. Kỳ này, gia đình tôi có đầy đủ nữ cử tri ba thế hệ tham gia bầu cử” - bà Lê Thị Bình tự hào. 

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cùng mẹ chồng là bà Lê Thị Bình thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cùng mẹ chồng là bà Lê Thị Bình thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình

Bà Lê Thị Bình từng tham gia kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 1/1946, kỳ bầu cử năm 1976. Đến nay, bà đã tham gia 15 kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội. Năm 1945, khi còn học ở Trường nữ sinh Gia Long (nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai), bà được bạn học cùng trường là phu nhân của ông Hà Huy Giáp mời tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc. Trong quá trình hoạt động cách mạng, bà từng ba lần bị địch bắt, giam ở nhiều nhà tù, trong đó có nhà tù Côn Đảo. Sau năm 1975, bà tiếp tục làm công tác phụ nữ. Chồng bà hy sinh trong chiến dịch tết Mậu Thân 1968…

Bà nói về tiêu chí chọn đại biểu của mình: “Tôi nghiên cứu kỹ tiểu sử, chọn ra người có tài, có tâm, có nhiều cống hiến cho xã hội để bầu”. 

Tấm thẻ cử tri được lưu giữ ba thế hệ

Đó là tấm thẻ cử tri của kỳ tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội năm 1976, được gia đình anh Nguyễn Phương Nam - Trưởng phòng Kinh tế, UBND Q.3 - lưu giữ 45 năm qua. “Thẻ cử tri đó là của bà nội tôi trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội chung của cả nước vào Chủ nhật ngày 25/4/1976” - anh Nam cho biết.

Theo anh Nam, tấm thẻ cử tri đó được bà nội anh lưu giữ kỹ càng trong một chiếc ví, cùng với nhiều kỷ vật khác. Chiếc ví có đựng tấm thẻ cử tri đó được bà nội anh trao lại cho cha anh. Sau khi bà nội và cha mất, anh Nam là người giữ các kỷ vật này.

 

Những lời gửi gắm của nguyên Phó chủ tịch nước

Từ 6g sáng 23/5, bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó chủ tịch nước - đã có mặt tại điểm bầu cử số 102, P.Phú Thuận, Q.7, TPHCM. Giải thích tại sao mình là cử tri đến sớm nhất, bà nói, ở kỳ bầu cử nào, bà cũng nôn nao, muốn đến sớm để kiểm tra công tác chuẩn bị xem ổn thỏa chưa.

Đây là lần thứ mười, bà cầm lá phiếu đi bầu cử, còn lần đầu là kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VI, nhưng cảm giác thiêng liêng, tự hào vẫn còn nguyên vẹn. Cảm xúc bầu cử của bà hiện tại là niềm vui trong lòng, tự hào về một dân tộc đã vững bước đi lên, phát triển để người dân thực hiện quyền dân chủ của mình. Đại diện cử tri bỏ lá phiếu đầu tiên ở điểm bầu cử 102, bà chia sẻ, mình phải suy nghĩ, nghiên cứu, chọn lựa rất kỹ lưỡng.

Bà mong muốn các đại biểu trúng cử sẽ tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đã có qua 14 nhiệm kỳ Quốc hội, cố gắng làm tốt, phát huy hết trách nhiệm của mình đối với nhân dân để góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển.

“Tôi mong các đại biểu của mình cố gắng gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân và đặc biệt là giữ chữ tín trong lòng nhân dân. Chương trình hành động chỉ mới là “tạm ứng lòng tin của nhân dân”, bởi dân chưa thấy mình làm, chỉ nghe mình nói và đặt lòng tin, gửi gắm cho mình. Sau khi trở thành đại biểu Quốc hội, thật sự trở thành người đại diện cho dân rồi thì phải cố gắng sát dân, gần dân, lắng nghe dân, lấy nhân dân làm trung tâm, thước đo chất lượng hoạt động của mình” - bà Trương Mỹ Hoa gửi gắm. 

Đặc biệt, trong điều kiện đất nước phải vừa làm nhiệm vụ kinh tế xã hội, vừa chống dịch, bà mong các đại biểu phải đổi mới tư duy, tầm nhìn, bản lĩnh, theo dõi sát sao tình hình chung của thế giới để thích ứng, theo kịp xu thế phát triển của thế giới. “Chỉ có những tư duy năng động, sáng tạo, những sự trăn trở, chủ động mới có thể biến khát vọng của dân tộc thành khát vọng của từng cá nhân để cùng vươn lên, góp phần cho đất nước ngày càng phát triển. Tôi tin rằng Quốc hội khóa XV nhất định sẽ kế thừa và phát huy được truyền thống của Quốc hội Việt Nam, sẽ là một Quốc hội đảm bảo chất lượng, đủ lòng tin cậy của nhân dân và tiếp tục đưa sự nghiệp của đất nước đi lên” - bà bày tỏ tin tưởng.

Nhóm phóng viên

Quá trình bầu cử được giám sát nghiêm túc, khách quan, kịp thời

Ông Ngô Thanh Sơn - Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN) TPHCM - đã trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM về công tác giám sát kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ông nói:

- Điều 4 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử HĐND năm 2015 nêu rõ vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ VN trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Một trong sáu nhiệm vụ được quy định tại điều trên là giám sát bầu cử.

Ông Ngô Thanh Sơn

Phóng viên: Ông có thể cho biết đôi nét về công tác chuẩn bị, tổ chức và thực hiện nhiệm vụ giám sát ở kỳ bầu cử này?

Ông Ngô Thanh Sơn: Thực hiện quyền giám sát bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN TP.HCM đã ban hành hai bản kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác bầu cử gồm kế hoạch số 304/KH-MTTQ-BTT ngày 12/3/2021 và kế hoạch số 326/KH-MTTQ-BTT ngày 28/4/2021 nhằm bảo đảm cuộc bầu cử được thực hiện đúng pháp luật, dân chủ, bình đẳng, an toàn, tiết kiệm, thành công.

Nội dung kiểm tra, giám sát gồm công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai các văn bản chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn cấp trên và ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện cuộc bầu cử; kết quả tổ chức nắm bắt dư luận xã hội; việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương, tổ chức quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử, tổ chức các hội nghị lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú.

Ngoài ra, chúng tôi còn giám sát việc tổ chức cho ứng cử viên tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, niêm yết danh sách cử tri, cấp thẻ cử tri, niêm yết danh sách những người ứng cử, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của cấp cơ sở.

Chúng tôi đã tổ chức sáu đoàn kiểm tra, giám sát thực tế tại TP.Thủ Đức, các quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban MTTQ VN TPHCM đã được thực hiện nghiêm túc, khách quan, kịp thời, phù hợp từng thời điểm. Trước ngày 23/5, chúng tôi tập trung kiểm tra, giám sát các điều kiện phục vụ bầu cử tại các địa điểm, khu vực bỏ phiếu, công tác phòng, chống dịch bệnh. 

* Là người làm công tác giám sát, ông đánh giá ra sao về kỳ bầu cử này?

- Có thể nói, hệ thống MTTQ VN của TP.HCM đã thực hiện tốt vai trò, quyền và trách nhiệm trong cuộc bầu cử này. Các hoạt động kiểm tra, giám sát đã kịp thời khắc phục, sửa chữa, chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện các bước của cuộc bầu cử, không để xảy ra việc làm trái quy định pháp luật. Khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch là những yếu tố khẳng định cuộc bầu cử lần này sẽ thành công tốt đẹp.

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI