Gửi cụ bà đeo kính lão

02/10/2014 - 11:10

PNO - PN - Một buổi sáng Chủ nhật mát lành, pha một ly cà phê đem ra hiên căn hộ chung cư ngồi đọc báo. Đã thấy chồng ngồi đấy, cũng đọc báo, loay hoay quẹt quẹt iPad từ lúc nào. Như thói quen, đã từ lâu ít khi chuyện trò, chị ngồi...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ai đã sớm già vậy? Chị choáng váng vì chưa hề nghĩ trông mình già nua đến thế. Cảm giác như một ai đó đã đánh lừa mình. Thời gian chăng? Từ bao giờ chị đã phải quen với đôi kính viễn, không có nó thì không đọc được? Từ bao giờ cầm lên một mảnh giấy là phải đưa xa ra, nheo mắt lại? Và từ bao giờ anh thích quẩn quanh ở nhà, sáng Chủ nhật thôi ngủ nướng, thôi lập kế hoạch đi chơi xa? Những đứa con đều đã đi học xa, đã có đời sống riêng, thỉnh thoảng điện thoại hay email mấy dòng hỏi ba mẹ khỏe không. Chắc khi chúng trở về, thấy mẹ đeo kính lão, thấy cặp vợ chồng già ngồi bên hiên đợi con, chúng sẽ ngạc nhiên chút đỉnh rồi coi như điều đó cũng bình thường thôi. Hình ảnh kinh điển mà! Chỉ có chị, sáng hôm nay lao đao trải qua cảm giác này, khi nhìn đôi giày cao gót màu xanh điệu đàng của mình vẫn còn nằm bên bậc cửa, hôm qua chị vẫn thấy mình trẻ trung năng động lắm, mà sao hôm nay…

Gui cu ba deo kinh lao

Ai sợ già đến thế? Không phải chỉ mình chị đâu. Cô bé kế toán mới ra trường được hai năm, mới về chỗ chị làm được bốn tháng, đã than vãn em già đến nơi rồi, em sợ ế mất thôi. Làm sao mà không sợ: phòng kế toán của chị chỉ toàn là nữ, có mỗi “anh” trưởng phòng đã quá 54, hom hem rị mọ. Cái sự già nua nó toát ra từ những bảng tính, chứng từ, thói quen ngồi yên một chỗ suốt ngày trong phòng máy lạnh, thói quen mỗi sáng đúng giờ đi mỗi chiều đúng giờ về. Cuộc sống chỉ một màu, thì dù màu đỏ hay màu xanh cũng chỉ là chuỗi ngày dài đơn điệu. Cái già nó ngáp dài trước mũi chị, nó thở ra hơi buồn lạnh quanh chị, nó cầm tay chị đi qua những tháng những ngày như nhau như nhau… Nỗi ám ảnh già nua khởi đi từ tuổi hăm mấy, cho tới sau ba lăm thì ngày càng trở nên đáng sợ hơn với phụ nữ. Ở đâu các chị cũng tìm gương, chỉ để thấy những vết chân chim trên đuôi mắt của mình ngày càng sâu, ngày càng rõ. Chị quên mất rằng, trên gương mặt mình những vết chân chim nhỏ hơn đôi mắt, nhỏ hơn nụ cười của chị rất nhiều. Mà trên gương mặt ấy, đâu chỉ có những vết chân chim. Nỗi sợ già là con ma ám, chị như người sợ ma nên có khi ra khỏi bóng tối rồi mà cứ phải tìm xem con ma ấy có còn ẩn nấp chỗ nào nữa không, để rồi cố tìm ra nó cho bằng được để mà… sợ!

Ai cam chịu già đi như thế? Khi sống mãi trong nỗi ám ảnh về cái già, chị tự làm cho mình già đi thật mà không biết đó thôi. Sự cam chịu không phải từ áp chế bên ngoài, mà từ những lo lắng, những trăn trở, những nếp nghĩ cách làm từng ngày một, hình thành tự thân. Trong đầu chị, cơn gió thời gian thổi từng ngày, không đến nỗi quay cuồng, nhưng đủ thổi bay đi những phù phiếm trang trí để làm ra vẻ mình còn trẻ. Chị gửi thư cho Hạnh Dung nói về cảm giác ấy, không thể tự đánh lừa mình mãi, phải chăng mình đã già rồi hả Hạnh Dung ơi…

Hạnh Dung không nhận được tấm ảnh nào chị gửi, để biết cụ bà đeo kính lão trông già trẻ ra sao. Nhưng Hạnh Dung biết, có những cặp vợ chồng đã sống với nhau đến lúc già nua, mà vẫn yêu thương nhau, không cần cố gắng mới yêu thương được, họ yêu thương nhau một cách rất bình thường. Không cứ gì trẻ mới yêu nhau - điều đơn giản này đã nói hàng vạn lần, nhưng hình như mọi người khó tin, vì nó quá đơn giản. Việc họ ngồi bên nhau, đi bên nhau, hay dừng lại tựa vào góc tường thở mệt cạnh nhau thôi, cũng đủ làm người khác xúc động, không phải vì họ già, mà vì họ đã già rồi mà vẫn ở cạnh nhau, gắn bó với nhau.

Vậy thì, cụ bà đeo kính lão ngồi bên hiên đọc báo kia ơi, khi bên cạnh cụ cũng có một cụ ông cùng ngồi, hình ảnh ấy đẹp lắm, không đáng phải lo lắng nhiều đến thế. Hãy cứ ngồi bên cạnh nhau, đừng rời bỏ, cho đến khi nắng lên cao, ông bà cụ sẽ cùng nhau lui vào nhà. Họ vẫn là một gia đình, mà trong gia đình, tuổi tác là một điều phải đợi, phải nhận và phải tận hưởng nữa. Đừng cố nhào mãi ra ngoài phố, đừng cố phấn son trang điểm che giấu tuổi già, để rồi khi trở về nhà, đối diện với tuổi già lại thấy bất an. Hãy ở nhiều hơn trong ngôi nhà của mình, để làm quen với cái tuổi của mình và tuổi của người đang cùng mình sẻ chia cuộc sống.

HẠNH DUNG (hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, ba, Tư, năm, Sáu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI