Trong quá trình xác minh đơn của chị Lê Thị Hào tố cáo hai nhà sư Thích Đàm Phúc và Thích Diệu Hữu đã lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của chị để chiếm đoạt cháu Nguyễn Thiện Nhân (15 tháng tuổi, con ruột chị Hào), chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh gia đình chị Hào bị các nhà sư xua đuổi khỏi chùa. Có lần, thoáng thấy bóng bà Lộc ngoài cổng chùa, các sư đã bế cháu bé chạy đi giấu...
Ngày 11/10, ông Nguyễn Văn Kỳ - Trưởng Công an thị trấn Kinh Môn, Hải Dương, đã thuật lại cho chúng tôi về một cuộc “gây rối” trước cổng chùa Văn Tiên, diễn ra vào khoảng 21-22 giờ ngày 29/5/2016. Lúc đó, công an thị trấn nhận được điện thoại của một Phật tử, trình báo việc chùa Vân Tiên bị một đối tượng đến gây rối trật tự, đánh người thương tích, đề nghị công an đến giúp đỡ nhà chùa.
Lực lượng chức năng đến nơi mới biết, kẻ gây rối hóa ra là một người phụ nữ gầy gò, đang vung vẩy chiếc mũ bảo hiểm trên tay, cố ngăn không cho người khác động đến mình. Sư Phúc - trụ trì chùa Vân Tiên cho biết, bà đã quay lại cảnh cô này ném mũ bảo hiểm làm chảy máu đầu một thanh niên, là người của chùa. Thực tế, chỉ thấy người phụ nữ đó gào khóc đòi nhà chùa trả con lại cho mình.
Tại công an thị trấn, chị này trình bày tên Lê Thị Hào, người xã Kim Lương, Kim Thành, Hải Dương, vốn là cháu họ của sư trụ trì Thích Đàm Phúc. Cuối tháng 2/2015, chị vào bệnh viện chữa bệnh, do tin tưởng sư Phúc nên gửi con trai ở chùa nhờ trông giúp.
Cuối tháng 3/2015, chị xuất viện, đến chùa tìm con thì sư Phúc đã đưa đứa trẻ đi nơi khác. Đòi con không được, tháng 7/2015, chị Hào dọa tố cáo, sư Phúc mới cho biết cháu bé đang ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Từ đó đến nay, chị Hào đã nhiều lần xin nhận lại con, các sư không những không trả mà còn đòi chị phải chuộc con bằng tiền.
Chiều 29/5/2016, gia đình chị Hào được sư Phúc hẹn đến chùa Vân Tiên nhận lại con, nhưng đợi suốt buổi chiều, các sư cũng không thèm ra gặp mặt. Biết rõ sư Phúc đang ở trong chùa, chị Hào đã kiên trì chờ trước cổng chùa. Sư Phúc đã cho hai thanh niên ra hành hung chị, yếu sức chị chỉ biết huơ mũ bảo hiểm để ngăn cản.
Vì sao một thanh niên bị chảy máu trên trán chị hoàn toàn không biết, vì lúc đó quá hỗn loạn. Chị Hào có tiền sử bị động kinh, những người hành hung chị cũng biết điều đó, nên cố tình khiến chị bị kích động để quay phim làm bằng chứng. Phật giáo lấy từ bi làm gốc, chúng tôi cũng không hiểu vì sao nhà chùa lại nhẫn tâm như vậy...
Ông Kỳ kể tiếp: “Sau đó, tôi đã gặp gia đình Hào và thật sự bị ám ảnh. Ông Tích (bố chị Hào), là một nông dân nghèo, chất phác và ngay thẳng. Ông Tích đã hỏi tôi có cháu nội, ngoại chưa. Tôi nói “có rồi”.
Ông Tích phân trần: “Nước mắt chảy xuôi, tôi mong ông hiểu chúng tôi đã đau đớn thế nào khi mất con cháu. Vợ tôi với sư Phúc là con cô, con cậu nên khi gửi cháu gia đình tôi hoàn toàn tin tưởng. Tôi không hề nghĩ sư Phúc lại đem cháu cho sư Hữu. Khi tôi đòi cháu, các sư đều bảo phải có 100 triệu mới được nhận cháu về. Gia đình tôi khốn khổ thế này lấy đâu ra chừng ấy tiền. Chiều nay các sư hẹn trả cháu nhưng chúng tôi đến chùa thì bị xua đuổi, không tiếp. Con gái tôi bức xúc nên quyết tâm phải đòi được con. Con gái tôi từng sống ở chùa này, lại còn là cháu của sư, không ngờ sư lại nhẫn tâm với nó như thế!”.
Sau tối hôm đó, ông Kỳ đã cử cán bộ tìm hiểu sâu hơn sự việc và xác định chùa Vân Tiên đang nuôi 6-7 đứa trẻ mồ côi. Mẹ con chị Hào từng sống ở chùa này mấy năm nhưng chùa không làm thủ tục tạm trú. Những cháu bé ở chùa có hoàn cảnh thật sự thế nào vẫn đang được làm rõ.
Ngày 31/5/2016, tại Công an thị trấn Kinh Môn đã diễn ra cuộc đối chất giữa sư Thích Đàm Phúc và gia đình ông Tích. Ông Kỳ kể: “Tôi lại bị sốc! Sư Phúc bảo là phải đưa 100 triệu mới điều đình được với sư Hữu ở chùa Sùng Đức. Sư còn đòi ông Tích phải đưa ra được giấy tờ đã gửi cháu ngày nào, giờ nào. Sư mồm năm miệng mười, huyên thuyên về giáo lý nhà Phật nhưng cách bà thể hiện thì thật tình…”. Kết thúc buổi làm việc, sư Phúc không ký vào biên bản, cũng không đồng ý giúp gia đình chị Hào đòi lại con từ sư Hữu.
Tối 31/5, ông Kỳ đã liên hệ với Công an huyện Kinh Môn về nghi vấn phải có điều gì mờ ám nên các nhà sư mới nhất định không trả cháu bé lại cho gia đình. Ông Kỳ khẳng định: “Tôi đã làm hết khả năng, cũng đã báo cáo cấp trên, đồng thời khuyên gia đình ông Tích làm đơn gửi các cơ quan bên Thủy Nguyên, Hải Phòng nhờ giải quyết. Tôi không hiểu vì sao họ không điều tra vụ việc”.
Cũng qua ông Kỳ, chúng tôi mới biết, ngày 31/5/2016, khi hai bên đang đối chất tại Công an thị trấn Kinh Môn, thì tại xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, sư Diệu Hữu đã khai sinh thành công cho cháu Trần Mạnh Hùng, biến cháu thành con mình.
Cần làm rõ hành vi "chiếm đoạt trẻ em"
Thông tư 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTCBCA-BQP-BTP hướng dẫn về việc truy cứu trách nhiệm hình sự với người có hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em như sau: “Mua bán trẻ em” là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi trẻ em (người dưới 16 tuổi) như một loại hàng hóa; cụ thể là một trong các hành vi:
Khoản 1. a) Bán trẻ em cho người khác, không phụ thuộc vào mục đích của người mua;
b) Mua trẻ em để bán lại cho người khác, không phân biệt bán lại cho ai và mục đích của người mua sau này như thế nào;
c) Dùng trẻ em làm phương tiện để trao đổi, thanh toán;
d) Mua trẻ em để bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích trái pháp luật khác. ...
Khoản 3. “Chiếm đoạt trẻ em” là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, bắt trộm, lừa đảo, lợi dụng tình trạng khó khăn, sự lệ thuộc của cha mẹ hoặc của người nuôi dưỡng trẻ em nhằm chiếm giữ đứa trẻ hoặc giao cho người khác chiếm giữ đứa trẻ đó.
Khoản 4. Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi được hướng dẫn tại các khoản 1, 2 và 3 điều này bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
Nhóm PV