Cũng thời gian này, gia đình bà Cao Thị Lộc đã bị nhiều đối tượng hăm dọa, gây áp lực để không dám tiếp tục đấu tranh...
Màn kịch hoàn hảo
Ngày 10/10, chúng tôi trở lại xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng để xác minh quá trình tiến hành việc cho, nhận con nuôi cháu Nguyễn Thiện Nhân, con chị Lê Thị Hào ở Kim Lương, Kinh Môn, Hải Dương. Lúc này, bé Nhân đã có thân phận mới là Trần Mạnh Hùng, con bà Trần Thị Hiếu (tên thật của ni sư Thích Diệu Hữu, trụ trì chùa Sùng Đức) xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Ngày sinh của Trần Mạnh Hùng đã dùng chính ngày cháu “bị” Công an xã Hợp Thành lập hồ sơ trẻ bỏ rơi tại cổng chùa Sùng Đức (29/3/2015), ngày cấp giấy khai sinh là 31/5/2016. Khi bị khai là trẻ bỏ rơi, cháu Hùng được xác định khoảng hơn một tuổi, trùng khớp tuổi của cháu Nhân lúc bà Lộc gửi cháu cho sư Thích Đàm Phúc ở chùa Vân Tiên.
|
Ông Đoàn Văn Tráng (trái) - Chủ tịch xã Hợp Thành và ông Doãn Văn Sáng - cán bộ tư pháp xã: "Chúng tôi bị các sư "lừa" rồi" |
Ông Đoàn Văn Tráng, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành phân bua: “Quá sốc các chị ạ! Không ngờ cả bộ máy chính quyền chúng tôi đều bị nhà sư “lừa”. Chúng tôi đang phải giải trình lên cấp trên về trường hợp này. Thật ra, trước đây khi sư Hữu thúc ép cấp giấy khai sinh và làm thủ tục cho cháu Hùng làm con nuôi sư, chúng tôi đã lấn cấn gần một năm vì nghi ngờ nguồn gốc của cháu bé. Vì sự chậm trễ đó, sư Phúc đã có ý kiến với lãnh đạo huyện, đặt vấn đề chúng tôi có tiêu cực trong việc đảm bảo quyền lợi chính đáng cho trẻ mồ côi. Ông Thọ, lãnh đạo Phòng LĐ-TB-XH đã xuống xã “mắng” chúng tôi gay gắt về chuyện này. Bản thân sư Hữu cũng nhiều lần ra xã gây áp lực để chúng tôi đẩy nhanh thủ tục. Xét về thủ tục, UBND xã đã làm đúng quy trình. Cái sai ở đây chính là do sư Hữu khai báo không đúng sự thật”. Chiều 10/10, PV báo Phụ Nữ đã liên hệ Phòng LĐ- TB-XH huyện Thủy Nguyên để tìm hiểu thêm nhưng lãnh đạo phòng đều… đi vắng.
Ông Doãn Văn Sáng, cán bộ tư pháp xã Hợp Thành cho biết: “Tôi còn nhớ ngày 29/3/2015 là Chủ nhật. Tôi đang ở nhà thì anh Thiện, Trưởng công an xã điện thoại yêu cầu lên ủy ban làm nhân chứng cho việc nhặt được một đứa trẻ ở cổng chùa Sùng Đức.
Khi tôi đến xã, đã thấy sư Hữu và đệ tử là sư Phương bế đứa trẻ khoảng hơn một tuổi đang đứng chờ. Các sư nói đứa trẻ bị bỏ rơi ở cổng chùa, các sư sẽ nhận nuôi, chúng tôi làm chứng để đảm bảo quyền lợi của cháu.
Cùng làm nhân chứng với tôi là ông trưởng làng Kênh. Công an xã lập biên bản trẻ bỏ rơi theo ý sư Hữu trình bày. Một thời gian sau, sư Hữu đề nghị tôi làm giấy khai sinh cho cháu để sư nhận làm con nuôi. Tôi phải chịu nhiều sức ép từ các cơ quan liên quan, thậm chí bị nghi ngờ muốn gây khó dễ cho nhà sư. Dùng dằng mãi đến một năm sau tôi mới làm khai sinh cho cháu Trần Mạnh Hùng.
Ngày sinh của cháu là ngày lập biên bản bỏ rơi (29/3/2015). Tôi đã chủ động khai lùi lại một năm cho vừa với một tuổi mà chúng tôi phỏng đoán lúc gặp cháu bé. Vì thế, cháu mới có ngày sinh là 29/3/2014. Tôi khẳng định, chúng tôi làm đúng trình tự quy định của pháp luật. Nếu có vấn đề khuất tất là ở chỗ nhà sư và gia đình cháu bé...”.
Tiền hậu bất nhất
Trước đó, trong cuộc gặp ngày 26/8/2016, khi chúng tôi cùng công an xã đến làm việc với sư Thích Đàm Hữu tại chùa Sùng Đức, thoạt đầu sư Hữu đã vòng vo bịa chuyện bé trai do một người phụ nữ mang đến bỏ tại cổng. Tuy nhiên, bị chúng tôi vặn hỏi, cuối cùng sư Hữu thừa nhận có trao đổi về việc cho nhận một bé trai với sư Phúc ở chùa Vân Tiên (Kinh Môn).
Việc bịa ra chuyện một phụ nữ bỏ rơi cháu bé cùng túi thuốc là để nhằm hợp thức hóa hồ sơ về nguồn gốc của đứa trẻ sau này. Chúng tôi cũng đã hỏi thẳng sư Hữu: “Thầy có biết nguồn gốc của đứa trẻ trước khi nhận nuôi không?”.
Sư Hữu giải thích: “Tôi có hỏi thì thầy Phúc nói là bố mẹ nó ở xa lắm, thầy cứ nuôi đi, không sao đâu. Tôi nuôi cháu khoảng ba tháng, thì thầy Phúc dẫn mẹ con chị Hào đến chùa tìm tôi. Lúc đó, tôi không có ở chùa, thầy Phúc gọi điện nói với tôi đó là mẹ đẻ của cháu, đến xin con về. Khi họ đòi con, tôi nghĩ họ đón về rồi chắc lại mang cho thầy khác nên không đồng ý. Sau đó, họ đã đưa giấy khai sinh của cháu cho tôi, để tôi nuôi cháu”.
Nghĩ mình đã có thể yên tâm về việc nuôi cháu bé, sư Hữu đã khai man nguồn gốc của cháu bé và hối thúc chính quyền địa phương tiến hành thủ tục để bà chính thức trở thành mẹ của cháu bé. Khi chúng tôi đặt vấn đề: “Giờ mọi việc đã rõ, mẹ cháu bé sẽ kiện đòi con, sư thầy có trả con cho chị ấy không?”, sư Hữu trả lời dứt khoát: “Không thể trả được. Tôi không chấp nhận trả. Tôi sẽ nuôi cháu trưởng thành, cháu lớn lên thì cho họ thăm nom, nhận gia đình”.
Khi vụ việc chưa được đưa ra ánh sáng, sư Hữu đã “đòi” 100 triệu đồng tiền chuộc, đúng như đơn tố cáo của gia đình chị Lê Thị Hào. Tuy nhiên, những ngày này, trả lời công luận, cả sư Phúc và sư Hữu đều phủ nhận việc đòi tiền để né tránh trách nhiệm. Hiện gia đình chị Hào đang chờ đợi từng ngày để chính quyền can thiệp, giúp gia đình nhận lại đứa con đã bị chiếm đoạt một năm qua.
Nhóm PV