Gửi chồng qua nhà con gái, có phải tôi đang dồn "gánh nặng" sang con?

06/07/2023 - 19:42

PNO - Trong thời gian chồng ở nhà con gái, chị nên nhờ con tác động đến bố, thay đổi được chút gì hay chút ấy.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Tôi năm nay 52 tuổi, chồng tôi hơn tôi 6 tuổi. Trước nay tôi là viên chức nhà nước, chồng tôi làm việc tự do. Năm ngoái, tôi nghỉ hưu sớm, có thời gian ở nhà nhiều hơn nhưng thực tế không được hưởng an nhàn yên ấm như tôi nghĩ.

Chồng tôi có cuộc sống riêng, bao năm nay tôi chỉ ngờ ngợ nhưng bây giờ mới thấy tận mắt. Chồng tôi ham mê tụ bạ với đủ loại người, nhóm này nhóm khác, từ sáng sớm đến tối muộn hầu như lúc nào cũng ở ngoài đường.

Tôi chăm lo nấu ăn hay dọn dẹp nhà cửa cũng không ai để tâm. Mấy lần tôi góp ý, bảo chồng đã lớn tuổi rồi cũng nên bớt chuyện nhậu nhẹt ngoài đường nhưng chẳng những ông ấy không nghe mà còn lớn tiếng chửi mắng.

Tôi bực quá cất chìa khóa xe, ông ấy lồng lộn lên. Tìm không được chìa khóa, ông ấy đập bể kính bàn trà rồi gọi bạn đến chở đi. Bữa nào về ăn cơm nhà, trong bữa ăn, ông ấy cũng đều kiếm chuyện nói móc tôi. Cãi nhau xong, chồng tôi còn tiếp tục chửi vợ cả tuần. Có lần tôi tình cờ thấy ông ấy lưu số tôi trên điện thoại là “con khốn nạn”.

Thực sự từ khi nghỉ hưu, tôi cảm thấy mình bị bạo hành tinh thần. Trước đây đi làm còn có chuyện để khuây khỏa, nay thì không biết tránh vào đâu. Con trai, con gái tôi đều đã lập gia đình, sống ở nước ngoài.

Hôm trước buồn quá, tôi nói chuyện với con. Con gái lớn bảo hay là mẹ gửi bố sang đây với con vài tháng để bố khỏi phải gặp gỡ đàn đúm với bạn bè linh tinh. Tôi thấy đó cũng là một giải pháp. Vợ chồng tôi đã ở riêng từ mấy năm nay rồi. Con gái gọi điện mời bố sang chơi, tôi thấy ông ấy cũng hào hứng.

Con gái nói cứ để bố sang, con sẽ giữ bố lại lâu, coi như đợt “cai nghiện”. Mấy hôm nay tôi nhờ dịch vụ làm hồ sơ cho ông ấy đi nhưng vẫn lo lắng, không biết mình làm như vậy có phải là dồn gánh nặng sang con. Tôi biết tính chồng tôi, dù ở đâu ông ấy cũng gây chuyện mệt mỏi, khó chịu, hành hạ người khác…

Ngọc Hảo (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chị Ngọc Hảo thân mến, 

Giải pháp của con gái chị có lẽ là hợp lý nhất trong hoàn cảnh hiện tại. Đưa bố sang nhà con gái, ở một môi trường hoàn toàn khác, sẽ tách biệt chồng chị với những thói quen cũ, những mối quan hệ cũ. Ít nhất ở một nơi lạ lẫm, chồng chị sẽ tốn một khoảng thời gian để làm quen, tìm hiểu môi trường mới.

Giải pháp này đem đến cho chị một khoảng thời gian để quen dần với những biến động lớn trong đời: về hưu và sắp xếp lại cuộc sống gia đình. Vậy nên chị cứ yên tâm gửi chồng sang nhà con gái. Ở nhà một mình, chị có thể chủ động làm mới không gian sống: sơn lại tường, thay rèm cửa, thậm chí sắp xếp lại phòng ngủ của mình, của chồng cho tiện nghi hơn.

Chị cũng nên tự chăm sóc bản thân. Thời gian ở nhà của chị sẽ được sử dụng tích cực, mang lại nhiều năng lượng mới cho bản thân. 

Tuy vậy, đây không phải là giải pháp lâu dài. Khoảng thời gian chồng đi vắng, chị cần củng cố lại một số nền nếp mà có thể vì thời gian qua bận rộn nên đã để lỏng lẻo.

Chồng chị có khả năng tụ tập bạn bè suốt ngày phần lớn là do có nền tảng tài chính đầy đủ. Chị cần kiểm tra lại. Chị có thể quản lý chặt các nguồn tài chính của gia đình, vừa đỡ lo lắng, vừa hạn chế bớt chuyện ăn nhậu của chồng.

Trong thời gian chồng ở nhà con gái, chị nên nhờ con tác động đến bố, thay đổi được chút gì hay chút ấy. Con gái có thể cho bố đi kiểm tra sức khỏe. Khi biết nghĩ đến sức khỏe, chồng chị sẽ bớt la cà bia rượu. Ở xa nhà, ai cũng có lúc buồn nhớ, nghĩ về gia đình. Con gái chính là cánh tay nối dài của chị, tâm sự, thể hiện tình cảm với bố. Biết đâu qua những điều chồng chị chia sẻ với con, chị sẽ biết cách cứu vãn cuộc hôn nhân của mình. 

Đi xa rồi sẽ có lúc trở về, cuộc hội ngộ chắc chắn nhiều cảm xúc. Chị đang chuẩn bị cho chồng đi, hãy nghĩ tới việc chuẩn bị đón chồng về. Gia đình mình, nhà mình luôn là nơi hạnh phúc nhất, thoải mái nhất. Chị hãy giữ cho cảm xúc ấy bền lâu. Đó mới là giải pháp tiếp theo cho chuyến đi này.

Chúc chị khỏe, vui và làm chủ cuộc sống của mình.

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Bùi Huyền (quận 10, TPHCM): Để chồng đi xa cũng là cách nhìn lại bản thân

Cả chị và chồng chị đều đang ở độ tuổi vẫn còn nhiều năng lượng để yêu thương và nồng nhiệt với cuộc đời nhưng sao có cảm giác cả 2 đều chán chường, mệt mỏi.

Khi đứa con út vừa tốt nghiệp đại học, việc đầu tiên chị Hai của tôi làm là ly hôn. Những năm tháng làm vợ một người đàn ông gia trưởng, chị tôi luôn phải chịu đựng và phục vụ. Điều đó khiến chị kiệt sức. Chồng chị chê bai cơm nước, áo quần, chửi bới nhiếc móc chị mỗi ngày.

Sau khi chia tay, chị sống cùng con gái, vui vầy với cháu; chồng chị lủi thủi, ngày ngày tự lo cơm nước. Tôi vừa thương cảm vừa hả hê vô cùng.

Thế nên, trong tình cảnh của chị, để chồng qua với con cái trong một thời gian dài cũng là cách để chị nhìn lại mình: cần có anh trong đời hay không, không có anh thì sao, chị cần chỉnh sửa gì?

Tôi nhận thấy chính chị cũng cần phải điều chỉnh chứ không hẳn đó là lỗi của riêng chồng chị. Đến tuổi này, tương tác vợ chồng vô cùng quan trọng bởi chúng ta chẳng thể rong ruổi ngoài đường mãi được. Điều đợi mỗi người ở nhà không nên là cằn nhằn nhiếc móc nhau mà cần vui vẻ, tươi mới.

Con gái chị hiện đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chồng chị hiểu và nhìn thấy ảnh hưởng của chị trong gia đình cùng hành trình nuôi con trưởng thành.

Hà An (quận Bình Thạnh, TPHCM): Thực ra cuộc sống còn đầy những điều thú vị 

Tôi mong chị suy nghĩ kỹ rồi quyết định bởi đàn ông như chồng chị chẳng xứng để chị nhọc công sửa đổi. Quãng đời còn lại không dài, chị không cần phải cố gắng cam chịu và giằng co nhau dưới một mái nhà.

Theo tôi, người nên qua ở với con gái là chị chứ không phải chồng chị. Hãy đi và xem đó như một cuộc nghỉ ngơi. Hãy để chồng ở nhà một mình, không người chờ cơm, không người cằn nhằn, mặc sức vui chơi đến khi nào chán. Thử xem sức chơi của chồng chị đến ngưỡng nào và chị có cần sống tiếp với người như vậy.

Khoảng thời gian sống với con gái, chị hãy thư giãn, yoga, ăn ngon mặc đẹp, thăm thú cảnh đẹp, gặp gỡ mọi người… Biết đâu chị sẽ thấy thực ra cuộc sống còn đầy những điều thú vị.

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI