GS-TS Trần Văn Khê: 'Hết lòng cứu thoát kẻ trầm luân'

27/06/2015 - 09:43

PNO - PN - Một mình làm chúa giữa dòng sông / Bát cạy ngược xuôi tiếng đập đùng / Quyết chí dắt người qua bể khổ / Hết lòng cứu thoát kẻ trầm luân.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đó là những câu thơ của GS-TS Trần Văn Khê, người vừa từ biệt “cõi tạm” ngày 24/6. “Bát” là vừa chèo, vừa lái cho thuyền quẹo tay mặt; “cạy” là ngược lại. Có điều bài thơ này, tác giả sáng tác lúc tóc còn để chỏm, năm 12 tuổi, khi đang học lớp sơ học. Đọc xong, thầy Thượng Tân Thị kinh ngạc, gọi lại hỏi: “Có ai gà cho trò không?”. “Thưa thầy không, em làm một mình”.

GS-TS Tran Van Khe: 'Het long cuu thoat ke tram luan'

Trần Văn Khê chèo đò trên dòng Sầm giang - nguồn cơn để ông viết bài thơ Vịnh cái chèo kể trên

Ngay từ lúc nhỏ, Trần Văn Khê đã được thọ giáo với ông thầy hay chữ, yêu thơ và rất nổi tiếng với bài thơ “thập thủ liên hoàn” Khuê phụ thán. Những năm tháng êm đềm đó ghi sâu vào ký ức của ông cho đến cuối đời.

Thêm một may mắn nữa, Trần Văn Khê đã được tiếp cận âm nhạc ngay từ lúc còn trong bụng mẹ. “Tôi may mắn được cậu Năm đề nghị và má tôi chấp nhận một sự “thai giáo” rất đặc biệt là giáo dục âm nhạc từ trong bụng mẹ. Hàng ngày, trong lúc có thai tôi, má tôi được cậu Năm tôi đờn cò, đờn tranh, thổi sáo cho nghe”.

Rồi đêm rằm rạng ngày 16/6 năm Tân Dậu (1921), Trần Văn Khê chào đời. Sinh ra trong dòng tộc bốn đời nhạc sĩ, từ đây suốt một đời, Trần Văn Khê có sứ mệnh truyền bá về cái hay, cái đẹp của âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Do công việc làm báo, tôi có cơ duyên được diện kiến GS-TS Trần Văn Khê vào lúc 6g chiều thứ Sáu ngày 6/1/2006. Đó là ngày UBND TP.HCM quyết định trao căn nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, Q.Bình Thạnh cho ông.

Nơi ở, làm việc của ông được biết sẽ là Nhà lưu niệm Trần Văn Khê với 2.000 cuốn sách, tạp chí, trong đó có 100 từ điển bách khoa của nhiều nước trên thế giới; các báo cáo tham luận tại 200 hội nghị khoa học tại 68 nước; các tài liệu ghi chép điền dã tại Việt Nam, Nhật, Ba Tư, Ấn Độ…

Thậm chí còn có cả tài liệu độc nhất vô nhị như cuộc trò chuyện với các nghệ nhân NSND Quách Thị Hồ nói về ca trù; NSND Năm Đồ, cô Ba Út về nghệ thuật hát bội miền Nam; nhạc sư Vĩnh Bảo về lịch sử của nhạc tài tử… Chắc chắn, đây sẽ là một địa chỉ văn hóa thu hút bất kỳ ai quan tâm đến âm nhạc dân tộc.

Có những con người, thật lạ, dù chỉ gặp một lần nhưng lại khó quên. GS-TS Trần Văn Khê là một người như vậy, tự ông đã có một sức hút thân thiện và gần gũi dù ai mới chỉ tri ngộ lần đầu. Ngày đó, được diện kiến và trò chuyện cùng ông, trong lòng tôi đã dạt dào một niềm ngưỡng mộ.

Tôi được nhìn tận mắt một con người đã từng viết bền bỉ trên tạp chí Bách Khoa với chuyên mục “Lá thư hải ngoại” mà tôi say mê đọc từ thời bé. Những bài viết đó khiến độc giả thích thú vì tác giả đã đi qua nhiều lãnh thổ khác nhau và kể lại bằng văn phong thân mật, dí dỏm mà uyên bác. Ông đi nhiều lắm.

Gần 30 năm được cử làm thành viên cá nhân, có quyền bỏ phiếu trong các Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO, ông cho biết: “Không thể tính nổi trong suốt cuộc đời mình, tôi đã đi bao nhiêu cây số trên các chuyến bay - riêng trong năm 1987 tôi đã vượt trên 80 ngàn cây số”.

GS-TS Tran Van Khe: 'Het long cuu thoat ke tram luan'

Dù tuổi cao, đau ốm liên miên, GS.TS. Trần Văn Khê vẫn tiếp tục quảng bá văn hóa dân tộc Việt

Những chuyến đi đó không ngoài mục đích truyền bá âm nhạc cổ truyền Việt Nam - một đề tài mà luận văn năm 1958 đã đưa ông trở thành người Việt đầu tiên đậu tiến sĩ Âm nhạc học tại Pháp.

Năm 1974, Trần văn Khê có trở về nước sau 25 năm xa cách, các nghệ sĩ Phùng Há, Kim Cương, Năm Châu, Vĩnh Bảo, Phạm Duy, Nguyễn Hữu Ba… đón tiếp tại sân bay rất nồng nhiệt. Tạp chí Văn tại Sài Gòn có thực hiện bài phỏng vấn “Nói chuyện với nhà Âm nhạc học Trần Văn Khê”, trong đó có nhiều chi tiết thú vị.

Chẳng hạn, với cây đàn nguyệt, ông cho biết từ đường kính của thùng đàn, bề dài sợi dây từ “con dơi” đến “con cóc”, trục đàn, đầu đàn… đều lấy con số 36 làm căn bản, “do đó hình dáng đàn đẹp, và kích thước cây đàn đã được chú ý một cách đặc biệt”. Và lúc đó, ông đã có ý kiến phải đưa âm nhạc cổ truyền vào nhà trường. Về vấn đề này, cho đến lúc cuối đời ông vẫn giữ nguyên ý kiến, không thay đổi.

“Hết lòng cứu thoát kẻ trầm luân”, câu thơ của GS-TS Trần Văn Khê viết năm 12 tuổi, thuộc loại “ngôn chí”, nói lên cái chí của mình. Tôi hiểu rằng, chí nguyện ấy rất gần với triết lý nhà Phật. Có điều, ông “hành pháp” theo sứ mệnh đã chọn là vận dụng, phát huy, truyền bá âm nhạc dân tộc Việt Nam mà sức sống của loại hình âm nhạc ấy còn giúp ta tìm được niềm vui sống ở trên đời…

LÊ MINH QUỐC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI