GS-TS KH Lê Huy Bá:Không nên tùy tiện cấp phép các nhà máy, thiếu cân nhắc tác hại môi trường

01/07/2016 - 11:13

PNO - Thủ phạm gây ra ô nhiễm phải bồi thường thiệt hại là điều bắt buộc. Rõ ràng, hàng triệu ngư dân đã thiệt hại nghiêm trọng sau gần ba tháng xảy ra sự cố cá chết hàng loạt ở miền Trung.

Trao đổi với báo Phụ Nữ chiều 30/6, GSTSKH Lê Huy Bá, chuyên gia độc chất học môi trường nói:

- Thủ phạm gây ra ô nhiễm phải bồi thường thiệt hại là điều bắt buộc. Rõ ràng, hàng triệu ngư dân đã thiệt hại nghiêm trọng sau gần ba tháng xảy ra sự cố cá chết hàng loạt ở miền Trung. Hàng nghìn chiếc tàu đánh cá phải nằm bờ vì chủ tàu cá thua lỗ do không bán được cá hoặc bán với giá quá thấp. Về tài nguyên biển, khó có thể lượng định được bị hủy hoại ở mức nào, số lượng bao nhiêu. Phải mất bao nhiêu năm để khôi phục lại môi trường là điều mà các nhà khoa học cần tính đến. Thêm một điều cực kỳ lo ngại là thảm họa môi trường này ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, từ cấp tính đến mạn tính.

GS-TS KH Le Huy Ba:Khong nen tuy tien cap phep cac nha may, thieu can nhac tac hai moi truong
GSTSKH Lê Huy Bá

* Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này, thưa giáo sư?

Tôi đề nghị, cần phải minh bạch hơn trong việc đánh giá tác động môi trường khi cấp phép cho nhà máy hoạt động. Thêm vào đó, cần có sự tham gia của người dân. Bởi, người dân là đối tượng thụ hưởng, bị ảnh hưởng trực tiếp khi nhà máy xây dựng trong khu vực họ sinh sống.

Tại Nhật Bản, trong suốt thời gian dài từ năm 1932-1958, Công ty công nghiệp hóa học Chisso đã xả thải ra vịnh Minamata thuộc tỉnh Kumamoto một lượng nước thải vô cùng lớn. Nhiều nạn nhân nhiễm hóa chất thải đã có cùng triệu chứng co giật, run; sinh con quái thai, dị dạng… Tại Nhật, người ta còn biết đến một căn bệnh do ô nhiễm gây ra đó là itai itai (tạm dịch là bệnh “đau quá, đau quá”). Đó là căn bệnh khiến nhiều người dân ở tỉnh Toyama mắc phải do nhiễm độc chất cadimi dẫn đến xốp xương và suy thận. Nhắc đến hai căn bệnh này, tôi muốn nhấn mạnh đến việc ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Từ những căn bệnh trầm kha do ô nhiễm đó, các nước, tất nhiên có Nhật Bản ngày càng thận trọng và kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp phép các nhà máy hoạt động.

Phúc Nguyên (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI