Phụ huynh trong các gia đình Việt Nam thường vẽ sẵn một vòng tròn an toàn và đặt con cái mình vào trong đó. Bao bọc từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành ra đời gặp những thất bại nên đã có không ít người thực sự không thể đứng dậy, thậm chí tìm cách giải thoát cuộc đời mình bằng việc tự sát.
|
Cha con Giáo sư Trương Nguyện Thành trong một chuyến đạp xe xuyên Việt |
Bài học kháng bại và nước mắt
Cha mẹ thường quên không dạy trẻ những bài học về sự kháng bại, những thất bại nhỏ nhặt ví dụ như khi trẻ đang vui đùa tự té ngã thì thường cha mẹ/ ông bà sẽ chạy lại dỗ dành và tìm cách đổ lỗi cho những đồ vật hoặc người xung quanh làm bé té ngã. Lối hành xử kia đã vô tình gieo vào tiềm thức của đứa trẻ rằng mình té ngã không phải do lỗi của mình và khi mình ngã ắt sẽ có người giúp mình đứng dậy.
Mới đây, trước khi trở về Mỹ, giáo sư Trương Nguyện Thành đã chia sẻ về việc dạy con trai mình đối diện và vượt qua những thất bại cho 500 bạn sinh viên trường đại học quốc tế Hồng Bàng.
|
Giáo sư Trương Nguyện Thành muốn con biết thất bại khi ông còn có thể ở bên hỗ trợ con |
Theo lời kể của Giáo sư Trương Nguyện Thành thì cậu con trai của ông vốn rất tự tin vào lực học. Đến những năm đầu trung học, Giáo sư Thành đã gặp riêng cô hiệu trưởng của trường con trai đang học và bay tỏ mong muốn cô… “đì” cậu con trai, cho bé học những chương trình khó nhất có thể.
Theo lời kể của Giáo sư Trương Nguyện Thành thì vào những năm đầu trung học thầy đã chuyển trường cho cậu con trai của mình vào học một chương trình trung học quốc tế, nơi gom tụ toàn những học sinh giỏi.
Sau đó thầy tìm gặp riêng với cô hiệu trưởng và trình bày ước muốn để nhà trường tìm cách "đì" bé bằng những chương trình học khó nhất, để cho bé "nếm mùi" thất bại.
Thầy nói với cô hiệu trưởng rằng: “Tôi thà để con thất bại trong lúc còn ở trung học vì lúc ấy tôi còn có khả năng can thiệp giúp con vượt qua thất bại chứ để khi trưởng thành rồi mới bị thất bại thì Takara có khả năng không vượt qua được và tôi cũng khó mà giúp con”.
Chính câu nói ấy đã thuyết phục được cô hiệu trưởng, vì từ xưa giờ không có phụ huynh nào lại mong muốn giáo viên gây khó dễ với con mình cả.
Kết quả, cuối học kỳ cậu bé đã bị lãnh bốn điểm C. một cú sốc rất lớn vì trước đó cậu bé vốn là học sinh giỏi. Cậu bé đã năn nỉ cha mình lên xin cô hiệu trưởng cho chuyển chương trình học. Tuy nhiên khi hai cha con đến gặp hiệu trưởng thì người giáo viên này cương quyết không cho chuyển.
|
Giáo sư đã cùng con đạp xe xuyên các tỉnh miền Trung để dạy con bài học ý chí và bồi dưỡng tình yêu thương đất nước, con người |
Về nhà, cậu bé tức giận khóc lóc cho rằng em gặp bất công. Khi ấy thầy chỉ ân cần nói với con trai mình với đại ý rằng mình không bao giờ la rầy hay than phiền về bốn điểm C ấy cả. Điều quan trọng là thầy muốn con trai mình nhận ra bài học thất bại và lên kế hoạch học tập mỗi ngày từng chút một ví dụ như từ hai điểm C, con sẽ cố gắng để được hai điểm B, rồi cứ thế mà đi tiếp.
Kết quả sau “cuộc thí nghiệm” nhỏ ấy cậu bé đã có một bài học về sự kháng bại và khi tốt nghiệp phổ thông, cậu đạt điểm cao nhất. Khi lên đại học, cậu trai ấy đã đi giúp đỡ những bạn sinh viên gặp khó khăn trong học tập.
Hỗ trợ con kỹ năng thất bại
Kỹ năng kháng bại tức là chuẩn bị sẵn tinh thần khi đối diện với những thất bại trong cuộc sống thường bị cha mẹ VN bỏ qua hoặc coi nhẹ. Vì tâm lý bao bọc con cái của người Việt đã ăn sâu vào tư tưởng qua biết bao thế hệ gia đình.
Lớn lên, ra ngoài xã hội đứa trẻ phải đối diện với vô vàn khó khăn thất bại và chúng không hề được trang bị kỹ năng đương đầu với sóng gió cuộc đời, bởi đã quen với sự bao bọc.
Đó là lý do vì sao Giáo sư Trương Nguyện Thành đã cố gắng dạy con trai đối diện với sự thất bại, giúp con nhận ra lý do thất bại và đưa ra những lời khuyên bổ ích để khi gục ngã con sẽ đứng dậy mà đi tiếp.
|
Giáo sư Trương Nguyện Thành đã "sở hữu" một cậu con trai chín chắn và vững vàng. |
Bản thân sự thất bại là một bài học lớn cho những đứa trẻ giàu ý chí vì nó sẽ tôi rèn nghị lực trong chúng. Vậy nên trẻ được cha mẹ dạy tự mình tìm cách đứng lên sau vấp ngã sẽ tìm phương án để giải quyết khó khăn chứ không bao giờ chấp nhận bỏ cuộc hay ngồi gào khóc.
Mong rằng sau khi công bố kết quả thi PTTH và kết quả đậu đại học, chúng ta không phải nghe thêm một vụ tự tử nào của học sinh. Vẫn còn kịp cho cha mẹ nếu biết sát cánh cùng con để dạy con, dẫu vội vàng, về bài học chấp nhận thất bại.
Trần Trà My