GS-NGND Hoàng Như Mai: Một người thầy giàu tính nghệ sĩ

23/11/2014 - 03:55

PNO - PNO - Ngày 22/11, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), ĐH Sài Gòn, ĐH Văn Hiến, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM đã tổ chức hội thảo “GS-NGND Hoàng Như Mai - Cuộc đời và sự nghiệp”. Nhân dịp giỗ đầu của giáo sư, các thế hệ...

PGS-TS Võ Văn Nhơn nhận định: "GS-NGND Hoàng Như Mai, vị trưởng lão cuối cùng của ngành Văn ở đại học. Giáo sư không chỉ là một nhà nghiên cứu mà còn là một nghệ sĩ tài ba, nhà hoạt động văn hóa lớn. Nhưng trên hết, giáo sư là một người thầy lớn của ĐH Quốc gia TP.HCM và của cả ngành giáo dục nước nhà. Thầy đến với giáo dục như một cái duyên tình cờ, nhưng thầy đã gắn trọn đời với ngành giáo dục bởi một tình yêu vô bờ với học trò, với nghề nghiệp, với văn học nước nhà. Thầy hấp dẫn mọi người ở tác phong nghệ sĩ, ở cách phân tích sắc sảo, tinh thần học thuật tự do rất nghệ sĩ ẩn chứa sự chí tình với học trò".

GS-NGND Hoang Nhu Mai: Mot nguoi thay giau tinh nghe si

GS Hoàng Như Mai đến với nghề giáo như một sự tình cờ đầy ngẫu hứng, nhưng từ sâu xa lại là duyên và nghiệp. Thầy nhận lời một người bạn tạm thời dạy giúp cho trường tư thục Đông Hải (Hải Dương). Và kể từ đó, bục giảng, phấn trắng và thế hệ trẻ đã có sức hấp dẫn quá lớn, đề từ đó thầy thủy chung tận tụy với nghề. Nhìn lại chặng đường dài 7 thập kỷ qua, những thế hệ học trò của thầy giờ đã trở thành những nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực khoa học xã hội và ngữ văn.

NGƯT Nguyễn Ngọc Ký xúc động nhớ về thầy: "Với một người phải dùng chân thay đôi tay bị liệt để thực hiện mọi thao tác học hành, nếu không gặp những người thầy tuyệt vời sẽ không có ngày hôm nay. Thầy Hoàng Như Mai đã thắp ngọn lửa của lòng đam mê, nghệ thuật lên lớp của thầy không chỉ bằng những kiến thức sâu sắc mà bằng cả trái tim cồn cào cảm xúc".

Theo PGS-TS Trần Hữu Tá, dù chỉ “tạt ngang” vào vườn hoa sáng tạo của thơ ca và sân khấu, thầy đã có những đóng góp quý báu. Không chỉ vậy, với các vở kịch như Tiếng trống Hà Hồi, Dòng sông biên giới, Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu, thầy đã có vị trí đáng kể trong lĩnh vực sáng tác kịch bản sân khấu.

Trong 60 năm cầm bút, thầy quan tâm đến nhiều lĩnh vực văn hóa, chính trị, xã hội. Thế nhưng sự đóng góp của thầy về nghiên cứu văn học, đặc biệt là văn học hiện đại là nổi trội hơn cả. PGS-TS Trần Hữu Tá nhận xét: "Những bài bình luận, phân tích của thầy không thiên về lý luận mà nặng về cảm thụ. Cách viết của thầy chân phương mà tinh tế, giúp người đọc nhận biết được quy trình cấu tứ, trình bày ý tưởng của tác giả, đồng thời lĩnh hội được những chi tiết nghệ thuật đắt giá của tác phẩm".

Chính nhờ tinh thần nghiên cứu và say mê với cái nghiệp của mình, thầy đã để lại cho hậu duệ một công trình rất ý nghĩa là chuyên khảo Văn học Việt Nam hiện đại (1945-1960) để phục vụ cho công tác giảng dạy cho khoa Ngữ văn đại học. Theo nhiều chuyên gia, đây là công trình có ý nghĩa thực tiễn cao và không dễ để thực hiện được.

Cho đến những ngày cuối đời, khi nằm trên giường bệnh, thầy vẫn mong mỏi và dặn dò phải đưa Trường ĐH Văn Hiến, ngôi trường thầy đã tâm huyết sáng lập để giảng dạy nhóm ngành khoa học xã hội phát triển mạnh hơn nữa. Thầy đã tặng 2.000 đầu sách cho thư viện của trường để sinh viên tìm hiểu học tập và nghiên cứu.

Tại hội thảo, Gia đình GS-NGDN Hoàng Như Mai đã tặng 10 triệu đồng cho Quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên Ngữ văn do GS-NGDN Hoàng Như Mai sáng lập.

GIA TUỆ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI