GS-BS Nguyễn Thiện Thành: Một cuộc đời dấn thân

10/10/2013 - 17:00

PNO - PNO - Là một nhà khoa học, thầy thuốc đầy tâm huyết với ngành Y, với người bệnh, cuộc đời Anh hùng lao động, GS-BS Nguyễn Thiện Thành đã cho thấy lý tưởng sống ngời sáng sự cống hiến.

edf40wrjww2tblPage:Content

Từ chối học bổng đi Pháp, dấn thân cho cách mạng

Thầy thuốc nhân dân, GS-BS Nguyễn Thiện Thành (bí danh Nguyễn Minh Nhân, Nguyễn Trà Vinh) sinh năm 1919 tại làng Phương Trà, tổng Bình Hóa, nay là xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Cha ông là cụ Nguyễn Văn Thọ, một thầy giáo tiểu học trường tỉnh, người rất có tâm huyết với vấn đề phát triển sức khỏe giống nòi. Mẹ ông, cụ bà Nguyễn Thị Thàng, một phụ nữ nông dân đảm đang, suốt đời tảo tần, vất vả chăm lo nuôi chín người con ăn học nên người.

GS-BS Nguyen Thien Thanh: Mot cuoc doi dan than

Lễ mừng GS-BS Nguyễn Thiện Thành thượng thọ

Lên sáu tuổi, cậu bé Nguyễn Thiện Thành được cha mẹ cho vào học ở trường Tiểu học Trà Vinh, nhiệm sở của cha. Hết tiểu học, cậu được gởi lên Colègge de Mỹ Tho để học ban thành chung, rồi vào Lycée Pétrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong TP.HCM) để hoàn tất chương trình tú tài, thuộc lứa học sinh đầu tiên ở Đông Dương nhận bằng Tú tài tây loại ưu. Được cơ quan điều hành giáo dục Đông Dương chọn cấp học bổng sang Pháp du học trong các ngành quân sự, chính trị, ngân hàng nhằm đào tạo thế hệ mới, bổ sung cho bộ máy cai trị của thực dân Pháp nhưng Nguyễn Thiện Thành và gia đình đã khảng khái từ chối. Cậu khăn gói đáp xe lửa lên đường ra Hà Nội thi vào Trường Đại học Y khoa (cùng niên khóa này trường Thuốc Hà Nội thuộc bậc cao đẳng, chuyên đào tạo các y sĩ Đông Dương được nâng cấp thành trường Đại học Y khoa chuyên đào tạo bác sĩ). Tại đây, sinh viên Nguyễn Thiện Thành trúng tuyển vào chế độ ngoại trú rồi nội trú bệnh viện.

Những năm học cuối cùng tại Đại học Y khoa Hà Nội, sinh viên Nguyễn Thiện Thành chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng của những diễn biến chính trị, xã hội có ảnh hưởng lớn lao đến vận mệnh của đất nước và tiến trình cách mạng. Nhật nhảy vào Đông Dương, Đảng ta chủ trương tích cực chuẩn bị giành chính quyền, các chiến khu được bí mật thành lập ở vùng rừng núi Việt Bắc, Mặt trận Việt Minh ra đời kêu gọi toàn dân đoàn kết, Tổng hội sinh viên tại Hà Nội ra lời kêu gọi sinh viên Miền Nam “hướng về Nam”… Không khí ấy tác động mạnh mẽ đến sinh viên Nguyễn Thiện Thành. Anh tập trung hoàn thành việc học, đồng thời bắt liên lạc với cán bộ Việt Minh, giúp cách mạng mua và hướng dẫn cách sử dụng các loại thuốc men cũng như sẵn sàng lên chiến khu khi có yêu cầu.

Ngày 19/8/1945, BS trẻ Nguyễn Thiện Thành tích cực tham gia biểu tình giành chính quyền. Sau đó, anh được bầu vào Hội đồng nhân dân Bệnh viện Bạch Mai, nơi anh đang công tác. Khi tiếng súng Nam bộ kháng chiến nổ ra, BS Nguyễn Thiện Thành vận động một số sinh viên dự lớp quân sự sẵn sàng lên đường về Nam chiến đấu. Tháng 10/1945, BS Nguyễn Thiện Thành gia nhập chi đội Nam Tiến Vi Dân, chính thức đứng vào hàng ngũ bộ đội cụ Hồ.

Lên đường Nam tiến, ước nguyện của BS trẻ Nguyễn Thiện Thành là được trở về quê hương để đem tài năng, sở học phục vụ cuộc chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ruột thịt. Nhưng khi đến khu V, trước yêu cầu cấp thiết của chiến trường, BS Nguyễn Thiện Thành được quyết định ở lại phụ trách quân y khu V. Tại đây, anh xây dựng đội phẫu thuật phục vụ Mặt trận Bô Keo. Sau đó là Đội trưởng Đội phẫu thuật A bảo đảm quân y phía Bắc mặt trận Thừa Thiên. Mãi đến cuối năm 1947, BS Nguyễn Hữu Nghiệp, tổng Thanh tra Cục Quân y quyết định điều BS Nguyễn Thiện Thành vào chiến trường Nam bộ. BS Thành được cử làm Vụ Trưởng Quân y khu IX rồi sau đó trở thành Trưởng phòng Quân y Phân Liên khu miền tây Nam Bộ.

Thời gian trong nhà tù thực dân, tận mắt chứng kiến nhiều tấm gương kiên trung cũng như tấm lòng tận tụy hy sinh vì đồng chí, đồng bào của các đảng viên cộng sản đã khiến người trí thức trẻ Nguyễn Thiện Thành cảm phục. Ra tù, ông nỗ lực phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đến năm 1952, ước nguyện ấy đã trở thành hiện thực - anh đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản ngay trên chiến trường vùng sông nước quê hương.

Duyên nợ đặc biệt với nghề Y

BS Nguyễn Thiện Thành không thể nào quên ngày nhận quyết định vào chiến trường miền Nam phục vụ, chiến đấu. Thế nhưng chuyến hành trình theo đường Trường Sơn năm đó, mới chỉ đến nửa đường cấp trên đã có quyết định cho ông ở lại phụ trách quân y mặt trận Bắc Thừa Thiên. Năm 1947, BS Thành được điều vào chiến trường miền Nam giữ chức Vụ trưởng Phòng Quân y liên khu miền Tây Nam bộ. Ông dành hết công sức, thời gian cho việc chữa trị bệnh, trị thương cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân trong vùng căn cứ. Khoảng đầu năm 1950, trong một lần đi công tác về Trà Vinh BS Thành không may bị địch bắt. Chúng tra tấn đủ mọi cực hình và chuyển ông lần lượt qua các nhà tù ở Trà Vinh, Cần Thơ, Vĩnh Long.

GS-BS Nguyen Thien Thanh: Mot cuoc doi dan than

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận gắn huy hiệu và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục cho GS-BS Nguyễn Thiện Thành

Chuyện kể lại, những ngày trong khám Virgile, BS quân y Nguyễn Thiện Thành làm quen với một người lính Pháp từng là sinh viên y khoa. Nhờ vốn tiếng Pháp rất giỏi của ông trước đây, nên chiếm được cảm tình của lính canh ngục. Ông nhờ người lính Pháp mua các tài liệu mới về y khoa để nghiên cứu, tìm hiểu trong những năm tháng bị giam cầm. Bất ngờ, BS Thành đọc được bài báo của H.Vachon đề cập tính hiệu quả khi áp dụng thực tế phương pháp Filatov. Phương pháp này được áp dụng trên nguyên lý biện chứng: Khi các tế bào bị cắt lìa khỏi cơ thể và đem đặt vào một môi trường kìm hãm sự sống như bỏ vào tủ lạnh từ 0 đến 40C, tế bào này phải đấu tranh với nghịch cảnh để tồn tại. Trong khi đấu tranh để sống còn, tế bào ấy tiết ra một chất gọi là biostimuline giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Với BS Nguyễn Thiện Thành, đây là một thành tựu mới của y học, có nhiều triển vọng khi áp dụng vào điều kiện thực tiễn của chiến trường miền Nam.

Không lâu sau, BS Thành được phóng thích sau khi phía cách mạng thả đại tá, BS quân y Pháp Duris, bị bắt trong chiến dịch Biên Giới 1950. BS Thành bắt đầu áp dụng phương pháp Filatov trong thực tế điều trị. Vào ngày 07/11/1951, phương pháp Filatov chính thức được sử dụng và điều trị tại chiến trường miền Tây Nam bộ, đem lại những kết quả hết sức khả quan. Năm 1954, BS Nguyễn Thiện Thành tập kết ra Bắc, được Chính phủ Việt Nam cử đi nghiên cứu sinh về đề tài Học thuyết Pavlov tại Viện hoạt động thần kinh cao cấp của Liên Xô. Năm 1960, BS Nguyễn Thiện Thành bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Y khoa, được đánh giá cao và tiếp tục ở lại Liên Xô nghiên cứu thêm về hoạt động thần kinh cao cấp.

Khi được đề nghị tiếp tục làm luận án Tiến sĩ, BS Thành từ chối, xin về nước. Ông có câu nói để đời: “Đời tôi còn một luận án lớn, đó là sức khỏe của thương bệnh binh, đồng bào, đồng chí ở miền Nam ruột thịt còn chìm trong khói lửa chiến tranh”. Cũng thời gian này, người bạn đời của ông là cô y tá chiến trường Dương Thị Minh cùng quê An Trường, Càng Long, Trà Vinh vừa nuôi con nhỏ, vừa theo học trung cấp y và đại học y khoa.

Năm 1964, cuộc chiến đấu chống Mỹ của quân dân miền Nam ngày một ác liệt, Phó Tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành xung phong vào Nam chiến đấu và phục vụ chiến sĩ. Đến năm 1967, BS Dương Thị Minh cũng vào Nam tham gia chiến đấu và đoàn tụ với chồng.

Bà Dương Thị Minh kể, có lần ông bị sốt rét nặng, đang nằm điều trị dưới hầm trú ẩn thì có liên lạc đến thông báo mời GS Thành đi cấp cứu cho một đồng chí lãnh đạo. Mặc dù bị sốt cao nhưng ông vẫn cố ngồi dậy. Lúc ấy, bà Minh hỏi ông có đi được không, ông khẳng định: “Chỉ cần bỏ chân xuống đất là đi”. Rồi ông cùng mọi người băng rừng vào căn cứ. Sau khi làm xong nhiệm vụ, ông bị ngất và được các BS ở đó cấp cứu. Bản thân là Viện trưởng, nhưng ông đã 11 lần hiến máu cứu các nhân viên của mình thoát cơn bệnh sốt rét, đái huyết sắc tố…bằng phương pháp truyền máu trực tiếp. Là một GS, BS nhưng ông cũng phải 10 lần lên bàn mổ vì bệnh dạ dày, túi mật, gãy xương đùi…

Đại tá, GS-BS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thiện Thành là một tấm gương sáng trong ngành y khoa Việt Nam, thuộc thế hệ vàng của dân tộc, trọn đời tâm huyết và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, công việc cứu người. Ông là một trong những ngôi sao sáng y học như Đặng Văn Ngữ, Hồ Văn Huê, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Ngô Gia Hy, Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Văn Hưởng…


TIẾN NGUYỄN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI