"Group chat” gia đình rộn ràng khi cách ly xã hội

02/04/2020 - 05:47

PNO - Khi thực hiện cách ly xã hội, thay vì gặp nhau mỗi ngày, gia đình tôi kết nối qua "group chat" vừa vui vừa đảm bảo an toàn trong mùa dịch.

Cách đây hơn một năm, chị gái lập một nhóm tên “Nhà” trên Zalo, gồm các thành viên trong gia đình, tổng số 15 người. Lúc đó, mọi người đều bảo chị “dở hơi”, ở gần nhau, ngày nào chẳng gặp mà phải giao tiếp trên mạng.

Những ngày cách ly xã hội, nếu bạn cũng đang "ngồi yên khi Tổ quốc cần" và không ra khỏi nhà, hãy chia sẻ những khoảnh khắc dễ thương trong không gian của bạn. 

Nếu người lớn cuồng chân, bọn trẻ bí bách; bạn có cách gì để đi qua từng ngày vui vẻ, hạnh phúc bên nhau? 

Bài vở, hình ảnh, clip xin gửi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Các bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

Thế là, không ai quan tâm đến cái nhóm đó dù thường xuyên sử dụng mạng để liên lạc với bạn bè đồng nghiệp. Vậy mà, khi chỉ thị thực hiện cách ly xã hội có hiệu lực, “group chat” gia đình bỗng dưng rộn ràng hẳn lên.

Vì nhà nào ở nhà nấy, mọi người ít có cơ hội gặp nhau, không còn dịp tụ tập nấu nướng cùng nhau như trước. Bình thường, một tuần gia đình mấy chị em tôi gặp nhau vài lần, thường xuyên qua lại nhà nhau để chơi. Bây giờ, thay vì gặp trực tiếp, những hình ảnh sinh hoạt thường ngày của mỗi gia đình được cập nhật liên tục trên “group chat”.

Công nghệ hiện đại làm các thành viên trong gia đình xa nhau hay gần gũi hơn tuỳ vào cách dùng. Ảnh minh hoạ
Công nghệ hiện đại làm các thành viên trong gia đình xa nhau hay gần gũi hơn tuỳ vào cách dùng. Ảnh minh hoạ

Bắt đầu buổi ăn sáng, con gái tôi loay hoay chụp ảnh mấy đĩa mì trứng ốp la để kịp đưa lên nhóm khoe với mọi người rồi hào hứng liệt kê: Hôm nay, nhà dì Thanh có món bún giò, nhà cậu Thành nấu hủ tiếu bò kho còn nhà dì Út làm miến trộn.

Nhờ có thế mà hai đứa trẻ lười ăn của nhà tôi chủ động đề xuất: “Sáng mai mẹ nấu bò kho nhé, nhìn ngon quá đi”. Chẳng bù cho mọi ngày, hỏi xem con thích ăn món gì thì đứa nào đứa nấy uể oải trả lời “ăn gì cũng được”.

Đến giữa trưa, chị gái đưa lên nhóm một tấm hình chụp mấy chị em ngày xưa, tự nhiên tôi thấy bùi ngùi, cả một bầu trời kí ức ùa về. Chợt nhớ đã rất lâu rồi chúng tôi chưa chụp thêm một tấm ảnh chung nào. Đề nghị của em út gửi qua nhóm: “Lúc nào hết dịch bệnh, cả nhà làm một bộ ảnh nhé” được mọi người hưởng ứng nhiệt tình.

Cứ nghĩ loanh quanh trong nhà sẽ buồn nhưng nhờ có “group chat” gia đình mà ai nấy đều vui vẻ như đang ở cạnh nhau. Một đứa cháu “thả” một tin nhắn lên nhóm “Bà ơi, cháu thèm chè trôi nước”, chỉ ít phút sau một loạt thành viên hưởng ứng.

Thế là, bà ngoại soạn đồ nấu chè, mợ tường thuật trực tiếp, đứa cháu nào cũng hào hứng theo dõi từng công đoạn. Đến cuối giờ chiều, cậu “ship” cho mỗi nhà mỗi phần theo yêu cầu.

Cứ như vậy, nhà nào có món gì ngon thì “khoe”, các thành viên còn lại muốn ăn thì đăng ký. Có ngày nhà tôi chẳng phải nấu cơm vì trưa chiều đã được cung cấp món ngon tận nhà. Mọi người đùa nhau, ngày trước cùng nấu cùng ăn thì giờ nấu riêng, ăn chung.

Group chat của gia đình tôi rộn ràng từ sáng đến tối làm mọi người ở gần nhau hơn trong khi thực hiện việc cách ly nhà nào ở nhà nấy. Ảnh minh hoạ
"Group chat" của gia đình tôi rộn ràng từ sáng đến tối làm mọi người ở gần nhau hơn trong khi thực hiện việc cách ly "nhà nào ở nhà ấy". Ảnh minh hoạ

Chẳng những thế, có thông tin gì mới về dịch bệnh, mọi người đều nhanh chóng chia sẻ lên nhóm để các thành viên cập nhật. Như ngày có chỉ thị “cách ly xã hội”, chị gái đăng lên nhóm một tấm ảnh ghi cảnh chen chúc mua đồ tích trữ kèm chú thích: “Thấy hoang mang quá”. Ngay lập tức anh trai chia sẻ ngay một bài phân tích cụ thể để hiểu đúng thông báo của cơ quan chức năng làm mọi người yên tâm hơn.

“Group chat” gia đình trong những ngày cách ly rộn ràng từ sáng đến khuya, dù nhà nào ở nhà nấy nhưng thành viên giữ được kết nối với nhau. Hoá ra, công nghệ thông tin phát triển chưa hẳn đã làm gia đình xa nhau khi mỗi người có một thế giới riêng trên mạng. Nếu như biết sử dụng đúng cách sẽ trở thành một công cụ kết nối hiệu quả các thành viên của gia đình, đặc biệt trong tình huống đặc biệt do dịch bệnh như thế này.

                                                                                                    Ngọc Hạnh

( Đông Hà, Quảng Trị)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI