Graffiti âm thầm bước vào thế giới nghệ thuật

05/11/2024 - 19:28

PNO - Dù vẫn gây tranh cãi nhưng đã có những bức vẽ graffiti được bán với giá hàng triệu USD ở các sàn đấu giá nổi tiếng.

Xuất hiện vào khoảng thập niên 1960 tại Mỹ và phát triển mạnh trong thập niên sau đó, nhiều ý kiến cho rằng graffiti là một hình thức phá hoại hơn là biểu hiện vẻ đẹp nghệ thuật, vì nó làm vấy bẩn không gian công cộng.

Thập niên 1980, một nhóm nghệ sĩ graffiti - trong đó nhân vật được nhắc nhiều nhất là Keith Haring - đã thay đổi nhận thức của công chúng về graffiti bằng cách truyền vào đó thông điệp tích cực. Những bức vẽ của Haring truyền tải thông điệp về tình yêu, sự đoàn kết và nhận thức về vấn đề quan trọng thời gian ấy là HIV/AIDS. Sự thay đổi này đã giúp nâng tầm graffiti thành một hình thức biểu đạt nghệ thuật có ý nghĩa, được công nhận.

Bức tranh Game Changer của Banksy được bán với giá 23 triệu USD, gây quỹ cho các tổ chức từ thiện về sức khỏe của Anh - Nguồn ảnh: Street Art Utopia
Bức tranh Game Changer của Banksy được bán với giá 23 triệu USD, gây quỹ cho các tổ chức từ thiện về sức khỏe của Anh - Nguồn ảnh: Street Art Utopia

Banksy là một trong những nghệ sĩ graffiti nổi tiếng nhất thế giới, với những tác phẩm đã được đấu giá hàng triệu USD. Năm 2021, một bức vẽ của nghệ sĩ này bị cắt đôi trong cuộc bán đấu giá cách đó 3 năm đã được mua với giá 18,6 triệu bảng Anh (khoảng 580 tỉ đồng). Tại Bảo tàng Nghệ thuật đương đại ở Los Angeles (Mỹ), cuộc triển lãm chủ đề Art in the Streets vào năm 2011, trưng bày các tác phẩm graffiti của Banksy đã thu hút số người xem kỷ lục: hơn 200.000 người.

Cuối tháng Mười vừa qua, Barcelona’s Prohibited Art Museum đã tổ chức một cuộc thảo luận về nguồn gốc của graffiti và con đường trở thành một trong những loại hình nghệ thuật quan trọng nhất thế giới. Đại diện cho các họa sĩ graffiti, nghệ sĩ người Canada Louis Pierre Boivin cho rằng, graffiti đã âm thầm “xâm nhập” và tác động vào thế giới nghệ thuật. Boivin nhận định graffiti và các nghệ sĩ như Banksy đã có rất nhiều ảnh hưởng đối với hội họa đương đại.
Dù nhiều người trong giới hội họa cho rằng graffiti là phong trào nghệ thuật lớn nhất kể từ thời Phục hưng, thu hút nhiều người tham gia cùng một lúc và là một phần văn hóa của thời đại; thái độ tiêu cực đối với graffiti vẫn còn tồn tại và graffiti vẫn bị xem là một loại “nghệ thuật hạng thấp”.

Boivin khẳng định, graffiti đã có tác động rất lớn đến thế giới thời trang, nghệ thuật và thiết kế. Nó cũng là một phần của cảnh quan thành phố. Đơn cử, đó có thể là những sản phẩm thời trang mang phong cách graffiti của thương hiệu thời trang nổi tiếng Louis Vuitton hoặc sức hút của các thành phố du lịch - nơi nghệ thuật graffiti phát triển - như Bacelona (Tây Ban Nha), quận Wynwood, TP Miami (Mỹ)… Một nghiên cứu của Đại học Warwick (Anh) năm 2016 cho thấy, giá bất động sản ở những khu vực có nhiều hình ảnh graffiti cao hơn mặt bằng chung. Graffiti cũng được sử dụng trong thiết kế kiến trúc và nội thất hiện đại, tạo điểm nhấn, sự tương phản trong không gian và dấu ấn cá nhân.

Nhà nhân chủng học và tác giả người Anh Rafael Schacter gần đây cũng đã đề cập đến tác động của graffiti. Ông đặt câu hỏi tại sao chỉ những hình ảnh có giá trị “tài chính - nghệ thuật” hoặc hình ảnh quảng cáo mới được xem là một phần diện mạo của các thành phố, còn những bức vẽ graffiti thì không?

“Graffiti có ảnh hưởng nhất định đối với thế giới của chúng ta. Nó có cả xấu và tốt. Điều quan trọng là cách mọi người nhìn về loại hình này và hiểu đúng tầm quan trọng của nó trong xã hội hiện đại. Graffiti là hình thức văn hóa đã tồn tại trong 50 năm và sẽ không biến mất” - Boivin nói.

Nhật Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI