GrabBike và xe ôm truyền thống – Kiếp nào có yêu nhau?

23/06/2017 - 00:10

PNO - Vụ hỗn chiến tại bến xe miền Tây cách đây vài ngày chỉ là một trong rất nhiều vụ xô xát giữa GrabBike và xe ôm truyền thống. Từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 100 vụ, và không có dấu hiệu dừng lại, hay hòa hoãn.

Nếu tôi là một tài xế GrabBike, trên con đường kiếm tiền một cách chân chính, chở khách vào những nơi có đông xe ôm truyền thống như là bến xe chẳng hạn, có lẽ tôi sẽ chỉ muốn lẩm nhẩm câu hát: “đừng nhìn nhau nữa anh ơi, đừng nhìn nhau nữa anh ơi, xa nhau đã xa rồi, quên nhau đã quên rồi” trong bài Kiếp nào có yêu nhau của Phạm Duy. Và sẽ tự hỏi, bao giờ ta yêu nhau, bao giờ ta thôi làm khổ nhau?

Từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 100 vụ xô xát, thậm chí là hỗn chiến đẫm máu và không có dấu hiệu dừng lại, không có dấu hiệu hòa hoãn. Sự va đập của công nghệ và truyền thống, sự va chạm của hiện đại và xưa cũ, tất cả tạo nên một dấu hỏi, vì đâu nên nỗi?

GrabBike va xe om truyen thong – Kiep nao co yeu nhau?
Tài xế GrabBike bị chém trong một vụ xô xát.

Gần đây, tôi luôn nghe nhắc đến câu slogan của một tập đoàn lớn, “Khi công nghệ tiến lên phía trước, sẽ không ai bị bỏ lại phía sau”. Câu nói nghe rất hay, nghe rất lãng mạn, nhưng đó chỉ là ảo vọng xa vời không bao giờ trở thành hiện thực.

Trong bánh xe của lịch sử, trong bước tiến của những nền văn minh, luôn có những con người bị bỏ lại phía sau, có thể do không theo kịp hoặc tự tách biệt đứng ra bên lề của tiến trình phát triển. Nhìn GrabBike và xe ôm truyền thống, ta có thể nhận thấy rõ những người nào đang bị công nghệ bỏ lại phía sau.

Bản năng sinh tồn luôn là bản năng cơ bản của con người, từ khi mới bắt đầu có ý thức và tiến hóa, bản năng này luôn hiện hữu và không bao giờ phai nhạt. Chính vì lẽ đó nên chuyện phản kháng khi người khác động đến miếng ăn là đương nhiên, chính vì lẽ đó mà tài xế GrabBike và xe ôm truyền thống lao vào nhau trong một trận đấu buồn bã về những miếng ăn để tồn tại, để sinh sống, để nuôi bản thân và gia đình.

Xe ôm truyền thống bắt buộc phải phản kháng, ở vị thế của họ, họ không thể làm khác. Còn tài xế GrabBike khi đối đầu với những thách thức, họ cũng phải phản kháng. Câu chuyện không chỉ đơn thuần là công nghệ mới hay cũ, bao trùm lên tất cả là sự phản ứng của những con người trên hành trình mưu sinh, một bên đang mất đi tất cả và một bên phản kháng lại bạo lực áp lên họ.

GrabBike va xe om truyen thong – Kiep nao co yeu nhau?
Từ chỗ bị cánh xe ôm truyền thống thường xuyên tấn công, các tài xế GrabBike cũng đã phản kháng đẫn đến những cuộc hỗn chiến đẫm máu. Nguồn ảnh: Internet.

Thật khó nói giữa xe ôm truyền thống và GrabBike, bên nào có lỗi, bên nào đáng thương, bên nào đáng trách. Cũng chưa có giải pháp thỏa đáng nào cho cả hai với tình cảnh hiện nay.

Khi mà hệ thống hành pháp còn chưa thể bao quát hết được những sự vụ kiểu thế trong thời gian qua, khi mà hệ thống luật, quy định cho cả hai đối tượng và quy tắc ứng xử chưa có, chưa được tôn trọng thì chẳng có gì có thể ngăn họ tiếp tục lao vào nhau, những con người ở giữa cối xay của tiến trình vùng vẫy trong vô vọng.

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã từng nói: “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”, sau tất cả, chúng ta vẫn là người với người, vẫn là tình với tình, đâu thể vô tình tàn nhẫn với nhau mãi được.

Triết gia Karl Marx cũng có nói: “Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình”, rốt lại, ai đau khổ hơn ai, chắc chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Ở mọi cuộc đào thải, luôn có những người phải gánh chịu, và đó là điều phải chấp nhận.

Nhưng lùi lại một bước và mở rộng lòng mình ra có lẽ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Một sợi dây mảnh mà ai cũng kéo thì bao giờ cũng đứt.

Bùi An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI