Grab “té nước theo mưa” để hưởng lợi là không công bằng

09/12/2020 - 07:03

PNO - Theo một tài xế GrabBike, cơ cấu giá cước của Grab bao gồm thu nhập tài xế, chiết khấu (hoa hồng) của Grab, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng (VAT). Khi mức thuế VAT tăng, giá cước của khách hàng tăng lên, thu nhập của tài xế giảm, trong khi Grab vẫn hưởng hoa hồng 20% đối với GrabBike và gần 25% đối với GrabCar.

Đại diện Grab cho rằng, hãng đã cân nhắc cẩn trọng và mức cước hiện tại là phù hợp. Hãng khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe, do người dùng (khách hàng) chi trả. Mức thuế VAT từ 3% lên 10% theo Nghị định 126, tức tăng thêm 7%, nhưng hãng chỉ tăng từ 5-6% và tính vào việc tăng cước của khách hàng, phần còn lại sẽ khấu trừ vào doanh thu của tài xế. “Nếu không tăng giá cước cơ bản, thu nhập của đối tác (tài xế) sẽ giảm khoảng 7%/năm, còn sau khi điều chỉnh giá cước, thu nhập của tài xế chỉ giảm khoảng 1%” - hãng Grab cho hay.

Không bằng lòng với chính sách của Grab, rất nhiều tài xế đã tập trung phản đối
Không bằng lòng với chính sách của Grab, rất nhiều tài xế đã tập trung phản đối

Thực tế, thu nhập của tài xế giảm rõ rệt từ khi hãng Grab ra chính sách mới về thu hộ thuế. Tài xế GrabBike tên Hậu - khoảng 50 tuổi, thường đậu xe ở trạm xe buýt đường Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM - cho biết ông không rành tính toán nên cứ có khách là chạy, cuối ngày thì nhìn vào con số lớn trên màn hình để nắm tổng doanh thu mỗi ngày. Ông Hậu so sánh: “Trước đây, mỗi ngày, tôi chạy từ 10-15 cuốc xe, kiếm khoảng 400.000-500.000 đồng. Bây giờ, cũng chạy chừng đó cuốc mà chỉ còn trên dưới 250.000 đồng”.

Tài xế GrabBike Việt Dũng chìa cho chúng tôi xem lịch sử chạy xe từ sáng đến gần 15g ngày 7/12. Chuyến xe gần nhất mà anh chạy là từ khu Ba Gia (chợ Tân Bình) đến đường Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình), dài 2,8km, giá cước 20.000 đồng, bị trừ phí nền tảng 1.000 đồng, trừ tiền thuế và phí khác hết 7.000 đồng, tiền thực tế anh nhận được chỉ còn 13.000 đồng. Một cuốc xe khác của anh có lộ trình 8km, cước phí 45.000 đồng nhưng thực nhận cũng chỉ 32.000 đồng.

Một tài xế GrabBike tên Hoàng nói: “Doanh thu của tôi bị sụt giảm gần 30% sau khi Grab áp dụng cách tính cước mới. Grab tăng cước phí để “cấn” vào VAT trong khi hãng ngày một ít khuyến mãi nên người dùng sẽ dần bỏ ứng dụng, tìm tới một ứng dụng khác hoặc thậm chí quay lại đi xe ôm truyền thống với mức giá gần tương đương”. 

Cũng hoạt động tương tự mô hình Grab, Gojek cũng phải chịu mức tăng thuế VAT là 10% nhưng trao đổi với chúng tôi sáng 8/12, đại diện Gojek cho biết đang làm việc với các cơ quan chức năng để hiểu rõ các quy định mới và chưa có lộ trình tăng thuế. 

Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp taxi vừa hoạt động theo mô hình truyền thống, vừa sử dụng ứng dụng gọi xe cho rằng, Nghị định 126 hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh doanh hiện nay, tạo ra sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng xe với nhau. Theo vị này, việc Grab tăng giá cước, tăng mức chiết khấu là “té nước theo mưa”, không vì lợi ích của khách hàng và người hợp tác.

Theo vị này, lâu nay, các hãng vận tải đảm bảo các quyền lợi của người lao động gồm tiền lương, tiền thưởng, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế… Họ cũng thực hiện nghĩa vụ thuế cho người lao động là tài xế. Nhưng các hãng xe “công nghệ” đến nay mới chịu thực hiện trách nhiệm thuế thì rõ ràng các hãng vận tải truyền thống lâu nay bị thiệt thòi rất nhiều trong cạnh tranh.

Nếu các hãng xe “công nghệ” thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế như hãng taxi truyền thống thì giá cước có rẻ hơn không? Ông Hồ Quốc Phi - Tổng thư ký Hiệp hội Taxi TP.Hà Nội - cho rằng khi thuế VAT còn ở mức 3%, cước phí của taxi “công nghệ” cũng chưa hẳn rẻ hơn taxi truyền thống vì lúc trời mưa, giờ cao điểm, đêm khuya, các hãng taxi “công nghệ” tăng giá lên 200-300%. “Nếu có chung một mức thuế, giá taxi “công nghệ” và taxi truyền thống sẽ không chênh lệch nhau quá nhiều” - ông Phi nói.

Theo ông Phi, việc tất cả hãng vận tải có cùng điều kiện kinh doanh, chịu chung một mức thuế là hoàn toàn phù hợp. Hiện tại, các hãng taxi có hàng trăm, thậm chí hàng chục ngàn xe như Vinasun, Mai Linh… đều đã có app. VAT là thuế đánh vào người tiêu dùng; với bất cứ mặt hàng, sản phẩm, dịch vụ nào, người tiêu dùng cũng phải nộp khoản VAT, chủ doanh nghiệp chỉ đứng ra thu rồi đóng lại cho Nhà nước. “Thuế VAT là do người tiêu dùng đóng mà bắt người lao động/đối tác chịu chung hoặc vin vào đó để làm giảm doanh thu của người lao động/đối tác thì có vẻ không hợp lý, không công bằng” - ông Phi nhận xét. 

Quốc Thái

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI