Grab nói gì khi bị tài xế tập trung phản đối?

08/12/2020 - 06:19

PNO - Dù Grab cho rằng chỉ thực hiện "thu thuế hộ", tuy nhiên rất nhiều tài xế cho rằng, doanh thu của họ những ngày qua sụt giảm mạnh.

Gánh nặng dồn cho tài xế, khách hàng 

Tập trung ở một góc đường Lý Thường Kiệt (Q.10, TPHCM) nhiều tài xế Grabbike cho hay, từ ngày 5/12, Nghị định 126 chính thức có hiệu lực, thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 10% cộng trực tiếp vào giá các cuốc xe. Ban đầu, hầu hết các tài xế chỉ lo sẽ mất khách vì giá cước tăng thêm, tuy nhiên những ngày qua họ đều bị trừ tiền rất nhiều, làm ảnh hưởng đến thu nhập.

Để chứng minh thu nhập bị sụt giảm, anh Việt Dũng, một tài xế Grabbike chìa cho chúng tôi xem lịch sử chạy xe từ sáng đến gần 15g ngày 7/12, cước chuyến xe gần nhất anh chạy từ khu vực Ba Gia (chợ Tân Bình) đến đường Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình) khoảng 2,8km giá 20.000 đồng (trong đó phí nền tảng 1.000 đồng) và tới 7.000 đồng là thuế, phí khác khiến mức tiền thực tế anh nhận được sau cuốc xe chỉ có 13.000 đồng. Một cuốc xe khác của anh có lộ trình 8km, cước phí 45.000 đồng nhưng thực nhận cũng chỉ còn 32.000 đồng.

"Tính ra, mỗi cuốc xe giờ chúng tôi phải trả thuế, phí các loại lên đến gần 30%...", anh Dũng cho hay.

Anh Việt Dũng bức xúc với về chính sách thu thuế mới của Grab làm ảnh hưởng tới doanh thu. Ảnh: Quốc Thái
Anh Việt Dũng bức xúc với về chính sách thu thuế mới của Grab làm ảnh hưởng tới doanh thu. Ảnh: Quốc Thái

Bị trừ tiền nhiều hơn khiến thu nhập của tài xế giảm sút. Theo anh Dũng, từ 7g đến gần 15g anh chạy được 7 cuốc, tổng cước là 250.000 đồng mà trừ phí, thuế hết 100.000, còn 150.000 đồng. Tiền xăng xe từ sáng đổ 50.000 đồng, ăn uống, phí hao hụt... gần như không còn tiền dư. 

Theo một số tài xế công nghệ, vấn đề nằm ở chỗ việc tăng VAT từ 3% lên 10% tính ra chỉ Grab có lợi. Trung bình 1km, khách đi xe phải chịu thêm có 300 đồng, 10km là 3.500 đồng trong khi số tiền phí, thuế trừ vào doanh thu thực nhận của tài xế lại cao hơn rất nhiều.

"Nếu khách đi xe phải trả cước nhiều hơn thì xe công nghệ sẽ không còn rẻ, khi đó khách sẽ không đi. Trong 10% VAT đó Grab không chia sẻ, có thể chia thành 3 (công ty, tài xế, khách hàng mỗi bên hơn 3%) chứ dồn hết cho tài xế, khách hàng như vậy không bức xúc sao được", anh Bình, một tài xế Grabbike trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1 bày tỏ.

Anh Quang – một tài xế Grabbike khác cho rằng, trước đợt thu VAT này, Grab có thông báo tài xế đến họp để phổ biến về việc thu thêm thuế, phí mới. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh hạn chế tập trung đông người nên cuộc họp bị huỷ và cánh tài xế không có cơ hội bày tỏ quan điểm.

Một tài xế Grabcar 7 chỗ có tên Tuấn Khải cho hay, anh nhận cuốc xe từ TPHCM đi Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu) ngày cao điểm cuối tuần, tổng cước đi và về là 220km, giá cước là hơn 1,4 triệu đồng, phí nền tảng là 2.000 đồng. Sau khi Grab trừ phí ứng dụng, thuế 471.925 đồng, trừ thêm 2.000 đồng phí nền tảng, thực tế tổng thu của cước xe anh đi còn 962.075 đồng. Trong đó trừ tiền xăng 300.000 đồng, chi phí khác là 60.000 đồng, còn khoảng 600.000 đồng, chưa tính hao mòn xe, tiền ăn uống, bảo hiểm…

“Nếu Grab không xem xét lại chính sách chứ mức khấu trừ như thế nào thực sự làm ăn sẽ không bền”, anh Khải chia sẻ.

Đến đầu giờ chiều ngày 7/12, nhiều tài xế Grabbike vẫn còn tập trung tại đường Lý Thường Kiệt (quận 10, TPHCM) để phản đối cách tính giá mới của Grab. Ảnh: Quốc Thái
Đến đầu giờ chiều ngày 7/12, nhiều tài xế Grabbike vẫn còn tập trung tại đường Lý Thường Kiệt (quận 10) để phản đối cách tính giá mới của Grab. Ảnh: Quốc Thái

Đại diện Grab nói gì?

Trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, đại diện Grab tại Việt Nam cho hay, khi thực thi theo Nghị định 126, Grab đã cân nhắc cẩn trọng để đề xuất giá cước mới phù hợp, đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi.

Tài xế Grab đồng loạt kéo ra đường đình công phản đối chính sách thuế. Ảnh: Quốc Thái
Tài xế Grab đồng loạt kéo ra đường tập trung phản đối chính sách của nhà cung cấp ứng dụng Grab. Ảnh: Quốc Thái

“Theo NĐ 126, cá nhân hợp tác kinh doanh (trong trường hợp này là đối tác tài xế) không thuộc trường hợp trực tiếp khai thuế, nộp thuế; mà doanh nghiệp có trách nhiệm thu hộ, nộp hộ thuế cho đối tác tài xế. Vì vậy, việc Grab tiến hành khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai, và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định Nghị định này. Toàn bộ phần thuế thu hộ đều được Grab nộp về Kho bạc Nhà nước và đều được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế”, đại diện Grab cho biết.

Ngoài ra, đại diện Grab cũng cho rằng, trước và ngay sau khi Nghị định 126 ban hành, doanh nghiệp cũng đã chủ động tham gia góp ý  về tác động của nghị định với cơ quan quản lý thuế, đồng thời nhiều lần gửi văn bản xin hướng dẫn thực hiện nghị định. Tuy nhiên, tới nay Grab vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ các cơ quan này.

“Chúng tôi đang tích cực làm việc cùng các cơ quan chức năng để cân bằng quyền, lợi ích cho các bên có liên quan”, đại diện Grab thông tin.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI