Grab liên tục gặp rắc rối sau thương vụ mua Uber, tài xế 'treo niêu' vì sập ứng dụng

04/04/2018 - 10:12

PNO - Grab mua lại Uber khu vực ĐNÁ có vẻ không diễn ra suôn sẻ khi cơ quan quản lý cạnh tranh tại một số quốc gia đã đưa thương vụ này vào tầm ngắm; đồng thời yêu cầu Grab phải cáo báo về hoạt động mua bán này.

Grab đang phải đối mặt với nhiều vấn đề sau khi công bố đã mua lại hoạt động của Uber tại khu vực Đông Nam Á và đang trong giai đoạn sáp nhập hoạt động của Uber về chung nhà.

Vụ việc thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi loại hình taxi công nghệ đang trở thành phương tiện di chuyển quen thuộc của người dùng tại các quốc gia Đông Nam Á. Trước khi bán mình cho Grab, Uber là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của hãng này tại thị trường Đông Nam Á đầy tiềm năng phát triển.

Theo Ủy ban Cạnh tranh Singapore (CCS), cơ quan này đang điều tra vụ Uber - Grab thực hiện "giao dịch mà không báo trước", coi đó là quyết định có liên quan việc bán hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á cho Grab.

Grab lien tuc gap rac roi sau thuong vu mua Uber, tai xe 'treo nieu' vi sap ung dung
Thương vụ mua lại Uber của Grab có vẻ đã không được suôn sẻ.

CCS đã đề xuất biện pháp tạm thời (IMD) đối với việc sáp nhập của hai công ty này, đồng thời buộc phải "duy trì hoặc khôi phục cạnh tranh và đảm bảo các điều kiện thị trường".

CCS cho biết, hai công ty Uber - Grab phải duy trì các mức giá, chính sách, các lựa chọn sản phẩm đối với các dịch vụ đặt xe và vận tải hành khách từ trước khi có giao dịch sáp nhập tại Singapore.

Ủy ban này cho rằng có cơ sở nghi ngờ thỏa thuận giữa hai hãng đặt xe qua điện thoại nhằm giảm đáng kể cạnh tranh liên quan tới các tài xế vận tải khách từ điểm này tới điểm khác và thị trường dịch vụ đặt xe tại Singapore.

Trước Singapore, Malaysia cũng thông báo chính phủ sẽ theo dõi và xử phạt công ty Grab theo luật cạnh tranh nếu bị phát hiện tăng giá.

Tại Việt Nam, Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng đưa thương vụ này vào tầm ngắm về mức độ tập trung kinh tế. Cơ quan này cũng đã có văn bản gửi Grab Taxi yêu cầu cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.

Theo quy định của Bộ Công thương, trước ngày 3/4, Grab phải phối hợp cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến việc mua lại Uber của Grab và Hợp đồng Grab mua lại Uber Đông Nam Á.

Tuy nhiên, trưa ngày 3/4, trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng xác nhận cơ quan này vẫn chưa nhận được báo cáo về thương vụ này.

Ông Tuấn cho biết, Bộ Công thương đang tiếp tục làm văn bản nhắc nhở phía Grab nghiêm túc chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý Việt Nam.

Grab lien tuc gap rac roi sau thuong vu mua Uber, tai xe 'treo nieu' vi sap ung dung
Tối qua (3/4), ứng dụng Grab đã bị "sập" tại nhiều nước khiến người dùng không thể kết nối đặt xe.

Trong lúc hãng Grab còn đang chịu sự theo dõi sát sao của cơ quan quản lý cạnh tranh các nước thì chiều tối qua (3/4), ứng dụng gọi xe Grab bất ngờ gặp phải một số vấn đề "không thể kết nối với máy chủ", ảnh hưởng đến khách hàng của Grab ở Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Myanmar và Philippines.

Theo trang Channel NewsAsia của Singapore, khi cố truy cập vào ứng dụng Grab lúc 8 giờ tối qua, thông báo lỗi đã hiện ra: “Looks like we weren't able to connect to our server. Please try again in a few minutes” (Có vẻ như chúng tôi không thể kết nối được với máy chủ. Vui lòng thử lại trong vài phút nữa”).

Ngay sau đó, khoảng 9h30 tối, trang Twitter của Grab Singapore cũng đã cập nhật trạng thái với nội dung Grab đang “gặp vấn đề mất kết nối dịch vụ”.

"Chúng tôi đang nỗ lực để khắc phục điều này, chúng tôi đang tận dụng mọi thời khắc để giải quyết vấn đề đó", Grab Singapore nói trên Twitter.

Tại Việt Nam, khách hàng khu vực Hà Nội lẫn TP.HCM đã không thể đặt được xe Grab trong suốt 4 tiếng đồng hồ tối ngày 3/4. Tài xế Uber tranh thủ thời điểm ứng dụng Grab gặp trục trặc đã bỏ túi không ít doanh thu khiến ai nấy đều rất vui mừng.

Nhiều người dùng lâu nay vẫn quen đi với ứng dụng Grab đành phải chuyển qua sử dụng Uber hoặc taxi truyền thống vì “bó tay” với Grab. Cũng trong thời gian này, các tài xế Grab khá bức xúc vì mất doanh thu trong nhiều giờ liền mà không hề nhận được bất kỳ thông báo rõ ràng nào từ hãng.

Xem ra “mối lương duyên” Grab và Uber vẫn còn nhiều trắc trở.

Đông Nam Á là thị trường mới nổi, việc cạnh tranh giữa Uber và Grab là không thể tránh khỏi khi tại khu vực này, số lượng người dùng di động tăng cao và tốc độ phát triển của Internet cũng như vũ bão.

Trong cuộc chiến này, Uber đã chi ra 200 triệu USD mỗi năm để cạnh tranh với Grab và các dịch vụ tương tự mới nổi khác. Dù vậy, hãng đã không có được thành công phát triển thị trường như đối thủ Grab đã làm được. Năm 2017, Uber đã công bố lỗ 4,46 tỷ USD.

Trong thời gian qua, Uber cắt giảm những tổn thất tại các thị trường nơi mà công ty đang phải vật lộn để duy trì thị phần. Vào năm ngoái, công ty đã đạt được một thoả thuận hợp nhất các hoạt động của mình tại Nga với công ty Yandex Taxi, thành lập liên doanh với công ty mẹ Yandex để đổi lấy 37% cổ phần.

Và vào năm 2016, Uber cũng đã bán các hoạt động kinh doanh của mình tại Trung Quốc cho Didi Chuxing Technology, và đổi lấy được 20% cổ phần của Didi theo thoả thuận.

Mới đây nhất, Uber đã chính thức bán lại hoạt động kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á cho đối thủ Grab. Theo thỏa thuận giữa hai bên, Uber sáp nhập vào Grab tại khu vực Đông Nam Á, nhận giữ 27,5% cổ phần trong Grab, tương ứng với thị phần của mỗi công ty. Đồng thời với thảo thuận này, CEO của Uber, ông Dara Khosrowshahi, sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab.

Minh Khánh (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI