Gót sen ba tấc

29/06/2015 - 15:55

PNO - PN - “Gót sen ba tấc” hay “kim liên tam thốn” là câu khen của Hán Thành Đế dành cho nàng Triệu Phi Yến. Hán Thành Đế bật ra lời khen này khi chứng kiến giai nhân họ Triệu quấn lụa vào chân và múa theo điệu nhạc.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tôi hậu sinh, dám đâu học đòi theo người xưa mà luận giai nhân. Chỉ viết một vài điều vụn vặt từ tư duy cá nhân. 

1. Phụ nữ Trung Hoa đã từng trải qua hàng nghìn năm sống trong đau đớn để có một bàn chân đẹp. Bàn chân theo tiêu chí đó là nhỏ, nhọn, thơm, mềm, đứng. Bé gái năm tuổi đã phải ngâm chân trong nước thuốc, tiếp đến dùng lụa bó thật chặt bàn chân (nghe bảo là phải bẻ gẫy xương chân trước khi quấn lụa). Bàn chân bị đóng khuôn nhiều ngày tháng, khiến cấu trúc xương thay đổi, cứ như một mũi xiên luôn chĩa về phía trước. Đó là một đôi bàn chân đầy khiếm khuyết ở thời đại này, nhưng từng là chuẩn mực của cái đẹp.

Bàn chân càng nhỏ, càng được tán tụng. Điển tích từng loan truyền bàn chân của giai nhân Triệu Phi Yến, nhỏ đến độ có thể đứng trên lòng bàn tay của nam nhân mà múa. Điều này, rất khó tin.

Sau này đọc sách, vô tình đọc được sở dĩ ngày trước phụ nữ Trung Hoa phải bó chân thì ngoài việc đáp ứng tiêu chí cái đẹp thì còn nhằm để dáng đi trở nên uyển chuyển, duyên dáng trong mắt đàn ông. Đúng là, phụ nữ rất ít khi sống cho mình, toàn sống vì những lời tán tụng của phái mạnh.

Lắm lúc tôi hay mường tượng, nếu bây giờ còn tục bó chân thì bàn chân phụ nữ sẽ ra sao? Chỉ mường tượng đã thấy mỏi mệt. Phụ nữ bao giờ cũng khổ và thiệt thòi. May mà quan điểm về cái đẹp từ đôi chân dị dạng đã biến mất từ lâu.

Got sen ba tac

Khoảng hơn 15 năm trước, khi tôi từ quê lên Sài Gòn trọ học đại học, nhìn gì cũng xa lạ, nhìn gì cũng thú vị, nhìn gì cũng mới mẻ. Khoa của tôi ngày đó có nhiều nữ sinh viên, ai cũng xinh tươi. Tôi ít lên giảng đường, chủ yếu là nằm ở nhà trọ đọc sách hay lang thang viết báo cộng tác. Mỗi lần nằm trên gác trọ, nghĩ vớ vẩn thì thế nào cũng nhớ đến gót chân đỏ au của cô bạn học cùng lớp. Cô gái nhỏ nhắn, da trắng, mang sandal đen.

Một gót chân đỏ au luôn để trong tôi nhiều lưu luyến. Trong sự lưu luyến ấy, ẩn chứa cả những hình dung. Một hình dung về mái tóc thơm đen, một hình dung về môi hồng, một hình dung về hàm răng tít tắp đều như hạt ngô căng sữa, một hình dung về dáng đi khoan thai, một hình dung về tiếng nói cười nhỏ nhẹ. Nhìn đôi gót chân son, đều không thể kiềm được ý nghĩ về sự hạnh phúc của người phụ nữ đang được thụ hưởng. Phụ nữ, luôn xứng đáng được thụ hưởng hạnh phúc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đừng như câu ca dao, “Còn cha gót đỏ như son/ Đến khi cha mất gót con lấm bùn”.

Hẳn là đừng bao giờ cãi nhau với hình dung, nhất là hình dung ấy được gợi lên từ một thứ có vẻ không mấy liên quan. 

2. Tết năm nào tôi cũng đưa cả gia đình về quê đón Tết, thói quen ngóng đêm giao thừa mãi vẫn không bỏ được. Nhà tôi là dân phố thị, về quê ngày hôm trước, hôm sau là gót chân nứt. Ở quê mùa cuối năm lắm gió, bụi mù tung. Đêm nằm xoa gót chân nứt của nhà tôi, vừa thương vừa xót. Nhà tôi thì xem chuyện đó như không, cứ an ủi: “Mấy hôm nữa em lên lại Sài Gòn, thoa kem là hết ngay”.

Tất nhiên là với bản chất một kẻ mãi mãi quê mùa, tôi luôn thương những đôi gót chân nứt nẻ, những đôi gót chân chai sần. Bởi mỗi đôi chân có đẹp hay không còn phụ thuộc vào ký ức của từng người, như khi thấy má ngồi xoa gót chân đau vậy. Tôi chỉ đang bàn về sự quyến rũ của phụ nữ theo quan điểm cá nhân.

Mùa hè năm ngoái, cả nhà đi biển Mũi Né chơi. Nhà tắm của khu resort được cẩn thận đặt một viên đá nhỏ, viên đá để miết da chân. Điều này lại khiến tôi nhớ đến một vài hình ảnh cũ. Ngày còn bé thơ, tôi đã thấy những chị lớn tuổi sau một ngày làm đồng luôn ra ngõ sau lấy viên đá sần sùi để mài vào gót chân. Gót chân phụ nữ ở quê thương lắm, thường nứt nẻ. Họ nghĩ ra cách miết đi miết lại viên đá vào những vết sần để gót chân trở nên mềm mại hơn. Sau này đọc báo, tôi thấy có nhiều cách hướng dẫn giữ gót chân như đắp gạo cám pha với mật ong, chuối hay giấm pha sữa tươi, kem chống nứt gót chân.

Đời sống càng tiện lợi, gót chân càng đáng được nâng niu. Như khi cố nhạc sĩ Bảo Phúc viết: “Gót hồng! Nhẹ nhàng xoay theo điệu múa, cùng dáng em cùng bước chân thần tiên”. 

3. Đáng tiếc, không phải lúc nào tôi cũng may mắn nhìn thấy gót chân của phụ nữ, chỉ có điều mỗi lần may mắn thì mỗi lần vui.

Một gót chân đỏ au luôn để trong tôi nhiều lưu luyến. Trong sự lưu luyến ấy, ẩn chứa cả những hình dung. Một hình dung về mái tóc thơm đen, một hình dung về môi hồng, một hình dung về hàm răng tít tắp đều như hạt ngô căng sữa, một hình dung về dáng đi khoan thai, một hình dung về tiếng nói cười nhỏ nhẹ.

 NGÔ NGUYỆT HỮU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI