Góp yêu thương từ trang viết của mẹ

14/09/2018 - 08:10

PNO - Từ những lá thư mẹ gửi đến các trang nhật ký bà viết cho người đàn ông của đời mình đều được hai người con cất giữ. Hơn một năm sau ngày mẹ mất, cuốn sách tập hợp những mảnh ký ức yêu thương ấy ra đời.

Hồi ức Những năm tháng không quên là chuyện đời của bà Mai Thị Trình (1926-2017) - nguyên phóng viên, biên tập viên Thông tấn xã Việt Nam những năm 1956-1976, một nhà trí thức, chiến sĩ cộng sản và nhà hoạt động xã hội tích cực. Cuốn sách do hai người con Lan Phương và Thanh Nguyên tập hợp, chọn lọc từ những trang viết của mẹ.

Gop yeu thuong tu trang viet cua me
 

Mở đầu hồi ức, bà Mai Thị Trình viết về tuổi thơ sống tại Rạch Giá, Kiên Giang bên cạnh người thân cho đến ngày quyết định sang Pháp du học, gặp gỡ kỹ sư Trần Thanh Xuân - sau này là chồng của mình. Thời điểm gặp chồng tương lai cũng là lúc bà Mai Thị Trình nhận ra lý tưởng của cuộc đời và cùng ông hoạt động cách mạng. Hồi ức Những năm tháng không quên không chỉ đề cập đến những cột mốc quan trọng của đất nước mà còn kể về cuộc đời riêng, bên cạnh gia đình nhỏ của bà Trình.

Mảnh ký ức về gia đình được kể tỉ mỉ, bắt đầu từ khi đứa con đầu lòng - Lan Phương - ra đời trên đất Pháp. Vợ chồng bà Trình khi đó khó khăn, phải gửi con vào trại mồ côi. Ngày về Việt Nam, niềm vui vỡ oà với đôi vợ chồng trẻ nhưng khó khăn cũng không ít. Gia đình bà Trình không khổ vì tiền mà khổ vì phải sống chia xa. Họ hợp rồi tan rồi lại vui vầy trong những tháng ngày ngắn ngủi.

“Ngày đó, chúng tôi thiếu thốn tình cảm từ bố mẹ. Đó là sự thật không chối cãi, nhưng điều đó là đương nhiên vì bố mẹ hoạt động xã hội nhiều thì khó lòng bên cạnh con cái. Tuy vậy, bố mẹ coi trọng chuyện dạy dỗ con cái. Dù một điều nhỏ nhặt cũng phải học để thành người”, con gái Lan Phương kể. Trong sách, bà Trình và chồng dạy con sống phải có tự trọng, không nói dối, không tham lam, con gái phải đi đứng hiền dịu, con trai phải bộc trực, khảng khái…

Những yêu thương từ vợ chồng bà Trình dành cho con ngày đó không chỉ cụ thể thành những bài học trực tiếp mà còn thành thơ, văn gửi con trong thời điểm gia đình chia cách. “Lan Phương, Nguyên hai con/ Ba gửi ngàn cái hôn/ Hãy vì ba hãnh diện/ Đừng sợ cũng đừng buồn…” - ông Xuân làm thơ động viên con khi bị tạm giam, được bà Trình viết lại. Trong 6 năm học tại Nga, đều đặn mỗi tuần, bà Trình đều gửi cho cô một lá thư hỏi thăm và dặn dò.

Sau này, khi đất nước hòa bình, bà Trình vẫn giữ thói quen viết nhật ký cho đến những năm cuối đời như một cách để trải lòng với chính bản thân. Hồi ức Những năm tháng không quên ra đời không từ di nguyện của bà Mai Thị Trình mà từ mong muốn của hai con: “Cuộc đời của mẹ tôi là câu chuyện riêng tư của bà nhưng chúng tôi tin, mảnh ký ức đó mang thông điệp và có ích với nhiều người”.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI