Góp ý sách giáo khoa cần nghiêm túc, trách nhiệm, tránh làm cho có

03/12/2022 - 14:35

PNO - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc lưu ý giáo viên khi góp ý sách giáo khoa cần thực chất, nghiêm túc, trách nhiệm, tránh làm cho có.

 

Việc góp ý, nghiên cứu sách giáo khoa mới cần làm nghiêm túc, trách nhiệm, tránh làm cho có
Việc góp ý, nghiên cứu sách giáo khoa mới cần làm nghiêm túc, trách nhiệm, tránh làm cho có (Ảnh minh họa)

TPHCM đang tổ chức cho giáo viên góp ý sách giáo khoa chương trình mới ở các khối lớp 4, 8, 11. Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các địa phương, nhà trường cử giáo viên có kinh nghiệm để nghiên cứu, góp ý các bản mẫu sách giáo khoa (dạng PDF) trên website của các tổ chức, nhà xuất bản. 

Sở GD-ĐT TPHCM gợi ý, các nội dung góp ý sẽ thực hiện đối chiếu nội dung mỗi bài học trong bản mẫu sách giáo khoa với yêu cầu cần đạt trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để góp ý chỉnh sửa, bảo đảm nội dung không vượt quá yêu cầu của chương trình môn học, hoạt động giáo dục. 

Bên cạnh đó, giáo viên cần xem xét tính chính xác, khoa học và sự phù hợp của các ngữ liệu, hình ảnh trong bản mẫu sách giáo khoa với đối tượng học sinh, đề xuất cách chỉnh sửa cụ thể đối với từng ngữ liệu/hình ảnh chưa phù hợp. Xem xét các câu hỏi, câu lệnh, nhiệm vụ học tập trong các bài học bảo đảm được mục tiêu, yêu cầu cần đạt, kết quả hoạt động (đọc/xem/viết/nghe/nói/làm) của học sinh; bảo đảm cho giáo viên và học sinh khai thác hiệu quả nội dung, hình ảnh, ngữ liệu trong sách giáo khoa để tổ chức hoạt động giảng dạy. 

"Để giáo viên sớm tiếp cận với các bản mẫu sách giáo khoa, phòng giáo dục cần hướng dẫn tất cả giáo viên được phân công dạy các khối lớp theo chương trình mới năm học 2022-2023 cách thức nghiên cứu, góp ý các bản mẫu sách giáo khoa dạng PDF. Đặc biệt, các nhà trường cần đưa việc tìm hiểu nội dung các bản mẫu sách giáo khoa chương trình mới vào sinh hoạt tổ chuyên môn để chuẩn bị đề xuất lựa chọn sách giáo khoa" - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu.

Ngoài ra, ông lưu ý các phòng giáo dục cần có trách nhiệm thông báo cho cán bộ quản lý, giáo viên tìm hiểu, góp ý các bản mẫu sách giáo khoa bản PDF đã được các đơn vị biên soạn sách giáo khoa hoàn thiện sau góp ý, đưa lên website trước khi in và phát hành. Quá trình góp ý cần thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, tránh làm cho có. 

Ông Trần Văn Luyện - Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng (quận 5) - cho biết, nhà trường có cử 4 giáo viên tham gia góp ý sách giáo khoa chương trình mới ở các bộ môn tiếng Anh, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Khoa học tự nhiên và Ngữ văn. Đây đều là các thầy cô có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn cao để làm hết trách nhiệm.

Hiệu trưởng này đánh giá: Các góp ý của giáo viên trong giai đoạn đầu trước khi sách được phát hành có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến việc lựa chọn sách giáo khoa sau này đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Lúc này, thầy cô được toàn quyền để nghiên cứu góp ý về nội dung, hình thức của sách, so với trình độ nhận thức của học sinh có phù hợp hay không, có đúng với định hướng phát triển phẩm chất năng lực của học sinh hay không, khả năng giáo viên khi giảng dạy có phù hợp.

"Trên thực tế giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THCS, rõ ràng nhận thấy đâu đó vẫn còn giáo viên than thở rằng sách chưa phù hợp dù đã được góp ý, được trao quyền lựa chọn. Tôi cho rằng không phải quá trình nghiên cứu, góp ý, đề xuất chỉnh sửa, lựa chọn sách giáo viên chưa làm hết trách nhiệm mà là thực tế giảng dạy và sự nghiên cứu có sự "lệch pha" do nhiều nguyên nhân, từ việc thầy cô chịu quá nhiều áp lực, công việc giảng dạy trên lớp, học tập nâng cao..." - ông Trần Văn Luyện nhận định. 

Quá trình góp ý, nghiên cứu sách giáo khoa sẽ tác động trực tiếp đến việc giảng dạy của giáo viên sau này
Quá trình góp ý, nghiên cứu sách giáo khoa sẽ tác động trực tiếp đến việc giảng dạy của giáo viên sau này

Để hạn chế thấp nhất sự "lệch pha" này, ông Luyện cho biết nhà trường đưa việc nghiên cứu, tìm hiểu các bộ sách giáo khoa đã được phê duyệt vào sinh hoạt chuyên môn, yêu cầu giáo viên thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm. Đồng thời, ông đề xuất khi thực hiện góp ý sách giáo khoa ở các bộ sách, ở từng bộ môn, Sở GD-ĐT TPHCM nên giao về cho từng quận, huyện chịu trách nhiệm nghiên cứu sâu theo từng chương (từng nội dung) để có sự góp ý, đề xuất chuyên sâu, trách nhiệm nhất.

Hiệu trưởng một trường tiểu học thừa nhận, có tình trạng năm trước nhà trường giảng dạy bộ sách nào thì năm nay chỉ tập trung nghiên cứu, góp ý, đề xuất chỉnh sửa ở bộ sách đó. Các bộ sách còn lại chỉ nghiên cứu cho có. Thậm chí, có địa phương còn "tham khảo" các ý kiến góp ý của nhau.

"Nhà trường luôn quán triệt việc nghiên cứu, góp ý, đề xuất sách giáo khoa là trách nhiệm, quyền lợi của giáo viên, tác động đến công tác giảng dạy của thầy cô sau này. Để khuyến khích thầy cô làm hết trách nhiệm, nhà trường đều có các chế độ động viên thầy cô, thậm chí san sẻ bớt công việc để thầy cô có thời gian, điều kiện nghiên cứu sách một cách trọn vẹn nhất"- hiệu trưởng này chia sẻ.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI