Chào Chị Hạnh Dung,
Em là người miền Trung, lấy chồng miền Bắc, nhưng sống ở miền Nam. Tháng 9/2022 gia đình em gặp biến cố lớn: em bị bạn làm ăn chung lừa mất số tiền hơn 3 tỷ. Cú sốc quá lớn làm em mất thăng bằng trong cuộc sống. Do bị áp lực về tiền bạc, kinh tế và công việc làm ăn, nên em mang theo con gái 5 tuổi về Bắc sống một thời gian cho thoải mái.
Em là người kinh doanh. Do tính chất công việc hàng ngày, em vẫn phải điều khiển công việc công ty trên máy tính. Thời gian em về Bắc sống, mẹ chồng em có đến sống cùng. Bà năm nay 74 tuổi có lương hưu. 15 năm làm dâu, nhưng chưa sống chung quá 1 tháng, vì mỗi lần về, em cũng chỉ ở nhà 20 ngày lại đi.
Em biết bà là người vô tư, vô tâm từ trước đến nay rồi. Nhưng giờ về sống chung, em mới biết bà vô tâm vô tư thái quá, lại nhiều chuyện khủng khiếp đến đáng sợ, suốt ngày buôn hàng xóm, đem chuyện hàng xóm về nhà mình và ngược lại.
Em là người làm ăn, nên rất ghét điều đó (phong thủy không tốt). Lúc đầu mới về, em nghĩ chắc do thói quen của bà, với lại chuyện nhỏ nhặt, em cũng không để ý. Nhưng càng ngày em càng thấy phiền, và những chuyện trong gia đình em, hàng xóm ai cũng biết, em cảm thấy rất khó chịu.
Đã nhiều lần em nói chuyện thẳng thắn với bà là không được như vậy, nhưng rồi đâu lại vào đó. Em cảm thấy mệt mỏi vô cùng, lại rất phiền toái, do tính chất công việc của em cần sự yên tĩnh, vì áp lực lớn. Nhưng bà không hiểu vấn đề, suốt ngày có hàng xóm tới ngồi hàng giờ đồng hồ.
Em đã nhiều lần góp ý nhưng không cải thiện, em thật sự rất mệt, mong Chị Hạnh Dung cho em lời khuyên để em có hướng giải quyết tốt nhất ạ. Em chưa từng thấy con người nào lại nhiều chuyện như mẹ chồng em, vô tâm vô tư một cách tàn nhẫn. Em cảm ơn chị Hạnh Dung.
Phan Thị Quyết
|
Ảnh minh họa |
Em Phạm thị Quyết thân mến,
Đọc thư em viết, Hạnh Dung cũng chưa hiểu rằng em về Bắc sống hiện nay là về nhà ai, sống ở đâu. Bởi em nói em là người miền Nam, còn nhà chồng lại là người Bắc. Vậy em sống ở nhà chồng, hay có nhà riêng sống? Chi tiết này không kém phần quan trọng khi phân tích mọi việc.
Khi em ra Bắc với ý định "sống cho thoải mái" thì Hạnh Dung cũng ngầm hiểu là xưa nay gia đình chồng, và đặc biệt là mẹ chồng em, chưa bao giờ tạo áp lực cho em. Đó là một điều vô cùng may mắn với người làm dâu, lại còn làm dâu khác vùng miền, dễ nảy sinh nhiều mâu thuẫn do những khác biệt về lối sống, cách nghĩ...
Không biết bà có phàn nàn, soi xét, làm khó dễ gì em như thường thấy trong các mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu hay không? Ở đây, Hạnh Dung chỉ thấy em phàn nàn về mẹ chồng, rằng bà là người vô tâm, vô tư và những mối quan hệ với hàng xóm bạn bè của bà làm em thấy bực bội, khó chịu.
Em có bao giờ nghĩ rằng chính sự vô tâm, vô tư của bà đã cho em một cuộc sống làm dâu thoải mái, không phải chăm sóc, phục vụ gì bà suốt 15 năm? Bà có lương hưu và tự sống một mình, bà không đòi hỏi, bắt buộc, yêu cầu gì ở cả em lẫn chồng em, đó là điều bao nhiêu người mong muốn, và có lẽ sẽ biết ơn mẹ chồng vì sự vô tư của bà đấy em.
Mẹ chồng em năm nay 74 tuổi, cái tuổi mà tính cách như thế nào không thể thay đổi được nữa, sống thế nào để vui vẻ, nhẹ nhõm là điều quan trọng, và còn giao tiếp xã hội để đầu óc không bị quên nhớ lẩn thẩn, tâm lý không bị stress... là một điều cần thiết và quan trọng.
Bà có bạn bè và thích trò chuyện với họ, bà còn gì để trò chuyện ngoài chuyện nhà cửa con cái? Em có thông cảm với mẹ chồng mình điều này không? Bà còn nơi nào để đi, nếu không phải là đi qua nhà hàng xóm, hay hàng xóm đến nhà mình? Em có thông cảm với điều này hay không?
Chẳng lẽ điều em mong muốn là bà sẽ ru rú suốt ngày ở nhà, ngồi xem ti vi đến mụ mị đầu óc, cấm cảu, rầu rĩ, than vãn khổ sở, đau nhức chỗ này chỗ kia và yêu cầu con trai hay con dâu phải phục vụ? Hạnh Dung nghĩ, cái đó là cảnh khá thông thường trong nhiều gia đình có cha mẹ già, mà họ không chịu giao tiếp xã hội đấy, em ạ.
Bà 74 tuổi rồi, em đừng bắt bà phải thay đổi, sống theo ý em, nhất là khi em đang stress, đang mệt mỏi, đang lo lắng và chắc chắn em đang có những xét nét quá khó chịu, yêu cầu người xung quanh phải nghĩ đến em mà em không chịu nghĩ cho người khác.
Vậy thì, để em được nhẹ nhõm hơn, trước tiên em hãy tự thay đổi mình, hoặc thay đổi những điều kiện sinh hoạt của mình. Hãy tự xem xét mình, xem có phải vì những khó khăn, thất bại mà mình đang trở nên xét nét, khó chịu quá hay không? Hãy tìm cách thay đổi chính tâm trạng của mình. Rộng rãi và bao dung hơn với một người già, lại là mẹ chồng mình, em sẽ thấy nhẹ nhàng hơn.
Sau nữa, đừng để bà biết quá nhiều những vấn đề của gia đình, bà sẽ không có chuyện để kể cho người khác nghe, ngoài những chuyện vui vẻ, bình an mà bà nhìn thấy. Tạo cho mình một góc riêng, không gian riêng làm việc, để không bị ai làm mất tập trung, khó chịu, khi đang làm việc.
Thậm chí, nếu em đã có thể góp ý bà nhiều lần, muốn bà thay đổi - điều mà ít cô con dâu nào dám làm, nhưng bà vẫn không thay đổi, và em cũng không thể thay đổi mình, thì em hãy bàn bạc với chồng, đề nghị bà về sống lại ở nhà bà, như 15 năm qua, nếu nơi này là nhà của em, hoặc em ra ngoài thuê nhà ở, nếu nơi này là nhà của bà.
Bà rất vô tư, vô tâm, chắc sẽ chẳng khó chịu, ràng buộc hay đòi hỏi gì ở em đâu. Và như thế là mỗi người sẽ được sống theo ý của mình như 15 năm qua.
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn