Tại hội nghị lần thứ 32 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, diễn ra sáng 2/10, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM - nhận định, hướng đến sự phát triển, bên cạnh nhiều thành tựu đạt được, TP.HCM hiện vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Với truyền thống năng động, sáng tạo, TP.HCM tiếp tục phát huy trí tuệ, sự sáng tạo của nhân dân. Trên tinh thần này, Thành ủy TP.HCM vừa ban hành kế hoạch về khảo sát, tiếp nhận ý kiến của nhân dân góp phần xây dựng TP.HCM sáng tạo, đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước.
Đánh giá cao các giải pháp phát triển của TP.HCM, ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, một trong những người góp phần đặt nền móng xây dựng TP.HCM đổi mới và phát triển - nhắn nhủ: “Đầu tư nguồn lực về con người vẫn luôn là chiến lược bền vững nhất cho mọi sự phát triển.
* Phóng viên: TP.HCM đang chịu nhiều sức ép đối với sự phát triển kinh tế, hướng đến xây dựng đô thị thông minh và trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Theo ông, điều nào là cốt lõi cần giải quyết trong hiện tại để chúng ta đạt được thành tựu trong tương lai?
- Ông Phạm Chánh Trực: Tôi cho rằng, trước mắt, TP.HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước - cần vượt qua được hai sức ép lớn nhất, quyết định nhất sự phát triển của đất nước và thành phố. Đó là, phải góp sức đưa cả nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình và đặc biệt, phải bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nền kinh tế của chúng ta đang tụt hậu và sẽ bị bỏ lại phía sau nếu không giải quyết hai trở lực này. Thử hình dung, đến một lúc nào đó, sản phẩm vật chất từ cuộc cách mạng 4.0 tràn ngập vào Việt Nam (tất nhiên, chất lượng hơn và giá rẻ hơn so với sản phẩm trong nước), chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ khủng hoảng: doanh nghiệp đình đốn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Theo dự đoán của các nhà khoa học, cuộc cách mạng 4.0 sẽ bùng phát trong khoảng 10 năm nữa. Chính sức ép này buộc chúng ta phải nỗ lực và khẩn trương cao độ. TP.HCM và cả nước không thể phát triển kinh tế với tốc độ nào cũng được hoặc… tới đâu hay tới đó.
* Cần những thay đổi tiên quyết nào để bắt kịp cuộc cách mạng này, thưa ông?
- Đó là thay đổi tư duy và phương pháp đào tạo nguồn nhân lực. Nghị quyết của Đảng từng xác định: đào tạo nguồn nhân lực là đột phá chiến lược hàng đầu. Vậy phải đào tạo nguồn nhân lực nào? Đó chính là nguồn nhân lực có tay nghề, có trình độ cao thích hợp theo yêu cầu tham gia cuộc cách mạng 4.0.
|
Giáo dục phải hướng đến “dạy và học để làm người, để làm nghề và biết tư duy sáng tạo” |
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cấp bách. Cả nước hiện chỉ có hơn 20% người lao động được đào tạo là không đáp ứng với tình hình mới. Do đó, cần đẩy mạnh lên khoảng 40-50% trong nhiệm kỳ sắp tới, với những ngành nghề hiện đại, tiên tiến. Nhưng tôi rất băn khoăn về mục tiêu và hiệu quả của nền giáo dục hiện thời.
* Xin ông cho biết cụ thể?
- Không chỉ tồn tại quá nhiều tiêu cực mà xã hội đang đối mặt với sự xuống cấp, nhiễu nhương về đạo đức, lối sống. Tại sao một đất nước phát triển rất đáng khích lệ sau 30 năm đổi mới lại song hành với nhóm lợi ích lũng đoạn nhà nước, chạy chức chạy quyền, tham nhũng trong nhiều cấp nhiều ngành, và tệ nạn ngoài xã hội như lừa đảo, dối trá, cờ bạc, ma túy tràn lan, hết mua bán điểm đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thuốc giả và bạo lực gia đình là đỉnh điểm của nhiều giá trị nhân văn bị đổ gãy. Con người sống trong vô vàn lo lắng, sợ hãi. Đó không phải là “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà là hướng đi đâu, tôi cũng không biết được.
* Vậy, trong những điều kiện cụ thể của hiện trạng này, theo ông, cần phát huy điều gì để không chỉ vượt qua hai sức ép mà ông vừa nói mà còn hướng đến sự phát triển bền vững tại TP.HCM?
- Tôi cho rằng, chúng ta phải thay đổi căn bản và toàn diện nền giáo dục như Đảng đã chỉ đạo, hướng đến “dạy và học để làm người, để làm nghề và biết tư duy sáng tạo”. Trong đó, đào tạo con người sống có lương tâm, tử tế, có quan hệ xã hội tốt đẹp đang là vấn đề rất quan trọng.
Một đất nước có thu nhập bình quân đầu người 15.000-20.000 USD/năm vẫn có thể tổ chức một xã hội sống hạnh phúc, văn minh hơn so với mục tiêu 50.000-60.000 USD/năm của một quốc gia chỉ chăm chăm chạy theo các mục tiêu đồng tiền, chạy theo lợi nhuận tối đa. Yếu tố quyết định để xây dựng xã hội văn minh, hạnh phúc chính là con người được giáo dục làm người trước tiên.
* Tức là ông cho rằng, nền giáo dục hiện tại lại cần thêm một cuộc đổi mới?
- Tôi muốn nói đến nền giáo dục bao gồm ba bộ phận: nhà trường, gia đình và xã hội mà TP.HCM cần đi đầu, thí điểm, tiến tới nhân rộng cho toàn quốc. Lâu nay, chúng ta coi giáo dục là sự kết hợp của ba môi trường (nhà trường - gia đình - xã hội), nhưng tôi nghĩ, nó phải được nâng lên thành ba bộ phận của nền giáo dục Việt Nam thống nhất. Các nhà khoa học, nhà giáo dục, xã hội học… cần nghiên cứu vai trò, vị trí, nội dung, phương pháp... của ba bộ phận cấu thành này.
Việt Nam là một dân tộc rất đặc biệt. Trên thế giới, không có nhiều dân tộc như chúng ta. Trải qua 1.000 năm Bắc thuộc, chúng ta không bị đồng hóa. Rồi, chiến tranh liên miên, cuối cùng, chúng ta chiến thắng, giành được độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Là dân tộc nhỏ bé nhưng chúng ta không khuất phục bất cứ thế lực nào. Tôi muốn nói đến tính chất, truyền thống và bản lĩnh của dân tộc, con người Việt Nam, cần nghiên cứu sâu để mọi thế hệ học tập, gìn giữ, phát huy trên mọi lĩnh vực. Từ đó, chúng ta sẽ hướng tới sự phát triển đất nước theo những đặc điểm lịch sử, văn hóa riêng của dân tộc mình mà không phải phụ thuộc ai. Nhiều nước đã đi trước, nhưng không có nghĩa mình sẽ sao chép nguyên bản của họ để xây dựng, phát triển đất nước. Ông Phạm Chánh Trực |
Tôi đơn cử, nhà trường thì tập trung dạy kiến thức, phương pháp tư duy sáng tạo; gia đình phải chăm lo các giá trị truyền thống, văn hóa, đạo đức, bồi dưỡng tình cảm, tinh thần, xây dựng nhân cách cho thế hệ trẻ từ tấm bé; còn xã hội, thông qua đoàn thể, bồi dưỡng nhận thức chính trị, pháp luật, rèn luyện ý thức, tư tưởng, bồi đắp lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, dạy kỹ năng quan hệ xã hội…
Mỗi bộ phận đều có nội dung giáo trình cụ thể và thống nhất những quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu cơ bản, không thể mạnh ai nấy lo, nấy làm, mỗi đoàn thể dạy mỗi kiểu. Trong dân gian, có nhiều ca dao, tục ngữ, phương ngôn giáo dục gia đình, trên thị trường cũng có một số sách dạy con, nhưng nó chưa đủ và cũng không được xem là giáo trình để giảng dạy phổ biến.
Các nhà khoa học cần soạn ra những cuốn sách giáo dục gia đình, giúp cha, mẹ, ông, bà dạy con cháu theo từng độ tuổi. Những chương trình đó phải được phối hợp chặt chẽ với trường học, với những đơn vị có chức năng liên quan, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, nhân văn, văn hóa nghệ thuật.
* Như vậy theo ông, trong ba bộ phận cấu thành nền “giáo dục đổi mới” này, giáo dục gia đình vẫn là quan trọng nhất trong mục tiêu đào tạo nhân lực cho sự phát triển bền vững?
- Một con người được đào tạo tốt thì dù có đi Mỹ đi Tây cũng nhớ về nguồn cội. Ngày nay, sở dĩ con cái đi học rồi ở luôn bên nước ngoài cũng là vì chưa thiết lập được mối quan hệ gia đình, tổ quốc. Nhiều người đi là đi luôn. Nếu được đào tạo tốt từ gia đình và xã hội, có mối quan hệ chặt chẽ với gia đình, tổ quốc thì dù ở đâu, làm việc cho ai, họ vẫn đem sản phẩm - là trí tuệ, công trình, dự án của mình - về cho đất nước.
Trong thực tế, nhiều vùng nông thôn thiếu việc làm, thiếu cơ sở sản xuất, kinh doanh nên người lao động kéo nhau đổ về thành phố, cũng đi là đi luôn, khiến địa phương thiếu lao động trầm trọng, nhiều nơi ruộng vườn bỏ hoang. Có sự giáo dục của gia đình thì dù có học hành ở đâu, họ vẫn muốn quay về cống hiến cho quê nhà của mình. Học thạc sĩ, tiến sĩ về làm ruộng được không? Hiển nhiên là được. Hơn thế, họ biết áp dụng công nghệ cao, ứng dụng phương pháp mới để thúc đẩy nông nghiệp, làm giàu cho mình và cho chính mảnh đất nơi mình sinh ra. Tuy nhiên, các địa phương cần tạo điều kiện thiết thực mới thu hút được thanh niên trở về làm việc tại quê mình.
* Xin cảm ơn ông!
Tuyết Dân (thực hiện)