Góp ý dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng: Phát huy quyền làm chủ của phụ nữ

04/11/2020 - 06:37

PNO - Phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số cả nước, trong đó có hơn 71% phụ nữ tham gia lao động, cao hơn mức trung bình thế giới. Vậy, phụ nữ có những góp ý gì vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII sắp tới để bảo vệ quyền lợi và phát huy vai trò của giới mình vào sự phát triển chung?

Nâng cao năng lực đại diện cho giới

Tại hội thảo trực tuyến góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII vừa được Hội LHPN Việt Nam tổ chức chiều 2/11, gần 7.000 cán bộ Hội, nữ trí thức, nữ doanh nhân và các chuyên gia có mặt tại 387 điểm cầu trên khắp cả nước đã có những thảo luận xoay quanh chủ đề “nâng cao năng lực đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ”, vai trò nòng cốt chính trị của mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân. 

Theo bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - phụ nữ chiếm khoảng 50,2% dân số cả nước, trong đó có hơn 71% tham gia lao động, cao hơn mức trung bình thế giới. Phụ nữ tuy có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước nhưng lại chịu nhiều thiệt thòi, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ di cư, nữ công nhân… do thiếu cơ chế, chính sách hoặc cơ chế, chính sách chưa bắt kịp với thực tiễn.

Hội LHPN TP.HCM với các hoạt động an sinh, chăm lo cho phụ nữ
Hội LHPN TP.HCM với các hoạt động an sinh, chăm lo cho phụ nữ

Tại điểm cầu TP.HCM, bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cho rằng: "Dự thảo báo cáo chính trị nhiều lần khẳng định vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tuy nhiên phương hướng chiến lược còn ít". Theo bà Huyền Thanh, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách nhằm phát huy vai trò nòng cốt chính trị của mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội làm tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội. 

Thực tế tại TP.HCM cho thấy, các cấp Hội Phụ nữ đã vào cuộc, tham gia hầu hết các trường hợp khi phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị bỏ rơi... nhưng công tác phối hợp không phải bao giờ cũng suôn sẻ.

Hội LHPN các tỉnh, thành cũng có nhiều ý kiến đề xuất để các quan điểm của văn kiện đi vào cuộc sống. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn - bà Hà Thị Liễu - quan tâm đến vai trò của phụ nữ trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết. Theo bà, cần củng cố Hội từ cơ sở, tăng cường công tác đối thoại với cấp ủy, chính quyền. Tiếp tục cụ thể hóa quan điểm bình đẳng giới. 

Hội LHPN tỉnh Gia Lai mong muốn có những cơ chế để phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ công cũng như thúc đẩy công tác dân tộc và bình đẳng giới.

Vấn đề an sinh cho lao động di cư 

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thu Giang trăn trở về lao động di cư.  Bà Giang cho biết, Việt Nam là một trong mười quốc gia di cư ra nước ngoài nhiều nhất Thái Bình Dương. Xu hướng di cư hiện nay cũng tăng nhanh, nhất là luồng di cư nông thôn - thành thị, trong đó tỷ lệ nữ tăng dần và có xu hướng trẻ hóa. “Trong nhiều lần tham gia các dự án liên quan đến vấn đề an sinh cho lao động di cư, tôi xót xa khi nhìn thấy chị em bệnh nhưng không dám đi khám vì phải để dành tiền cho con ăn học, lo cho gia đình”, bà Giang nói. 

Nhóm lao động di cư chiếm 13,6% dân số. Phụ nữ trong nhóm này là nhóm yếu thế vì họ xa nhà, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, công việc bấp bênh, thu nhập thấp, khó tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch cũng như không tham gia các tổ chức đoàn thể… Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, quyền làm chủ của nhân dân, bà Giang kiến nghị cần chú trọng đến đào tạo nghề, việc làm, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phù hợp và hiệu quả hơn với lao động nữ di cư. Theo đó, có thể bổ sung các chính sách bảo hiểm như thai sản, ốm đau… vào gói bảo hiểm xã hội tự nguyện. Các chính sách lao động nữ cần tính đến đặc thù của lao động di cư, xóa bỏ rào cản trong tiếp cận dịch vụ xã hội; hỗ trợ, thúc đẩy sự tham gia của lao động di cư trong quá trình góp ý kiến, xây dựng và giám sát chính sách… để tất cả phụ nữ có thể tiếp cận và bình đẳng trên mọi lĩnh vực. 

Nói thêm về những khó khăn mà nữ công nhân đang gặp phải, ông Tăng Quốc Lập - Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai -  cho biết tỉnh này có 32 khu công nghiệp với khoảng 800.000 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 57% và có thêm 200.000 lao động nữ đang làm việc tại khu vực ngoài doanh nghiệp. Theo ông Lập, lao động nữ nhập cư đang chịu nhiều thiệt thòi, phần đông có trình độ chuyên môn thấp, tiền lương không đủ đáp ứng nhu cầu nên phải tăng ca, cắt giảm chi phí và ở các khu nhà trọ thiếu thốn nhiều mặt. Đặc biệt, phụ nữ cũng phải chấp nhận tạm nghỉ việc khi có con nhỏ hoặc gửi con trong các nhóm nhà trẻ tự phát. Lao động nữ lớn tuổi có nguy cơ bị mất việc trong các ngành lao động phổ thông vì sức khỏe. Nhiều doanh nghiệp còn tìm cách đào thải lao động nữ liên quan đến các chế độ thâm niên… Cho nên, dù trước mắt hay lâu dài, vẫn cần hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho lao động nữ, tạo chuyển đổi nghề cho lao động nữ, lao động nữ lớn tuổi, đảm bảo các chính sách về tiền lương đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu cho nữ công nhân nói riêng và phụ nữ nói chung. 

Là một tỉnh thuần nông, Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp gửi gắm ý kiến của phụ nữ mong muốn có thêm các chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển việc làm gắn với giữ gìn bản sắc nền văn hóa nông nghiệp… 

Thiên Ân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI