Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Cần quy định rõ quyền và nghĩa vụ của Đảng

19/03/2013 - 08:30

PNO - PN - Tại tọa đàm “Góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992” tại TP.HCM vừa qua, nhiều trí thức đã tích cực “mổ xẻ” Điều 4 của Dự thảo: vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo PGS-TS Vũ Văn Phúc, TBT Tạp chí Cộng sản, về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, khoản 1, điều 4 của Dự thảo khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Khẳng định này không phải là mong muốn chủ quan duy ý chí của một cá nhân hay một tổ chức nào, mà được đúc kết: một Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc làm cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công giành chính quyền về tay nhân dân; một Đảng đã lãnh đạo toàn dân chiến thắng các đế quốc xâm lược lớn nhất thế giới; một Đảng đã lãnh đạo công cuộc đổi mới tạo ra những thành tựu ấn tượng về kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội thì Đảng đó đủ tín nhiệm, đủ trí tuệ, bản lĩnh, niềm tin... để lãnh đạo toàn dân tiếp tục tiến bước theo con đường đã chọn. “Lợi dụng việc đóng góp ý kiến cho Dự thảo, có một số tổ chức, cá nhân “kiến nghị” bỏ điều 4 trong Dự thảo. Thực chất, ý đồ sâu xa của các “kiến nghị” này là nhằm phủ nhận, xóa bỏ vai trò, quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, nhằm thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn, nhằm làm thay đổi chế độ chính trị của nước ta, nhằm biến đổi bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi bác bỏ những “kiến nghị” sai lầm về chính trị nêu trên”, PGS-TS Vũ Văn Phúc khẳng định.

Gop y Du thao sua doi Hien phap 1992: Can quy dinh ro quyen va nghia vu cua Dang

PGS-TS Nguyễn Văn Trình - Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐHQG TP.HCM nhất trí với việc bản Dự thảo tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo “Nhà nước và xã hội” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mỗi quốc gia có thể chế chính trị khác nhau, không thể áp dụng rập khuôn thể chế chính trị của quốc gia này vào quốc gia khác. Xét trong lịch sử cũng như hiện nay và trong tương lai, Đảng Cộng sản Việt Nam, chứ không phải một đảng, phái nào khác, hoàn toàn có đủ uy thế để lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu, đẹp hơn. Cho dù hiện nay, khi kiểm điểm đội ngũ đảng viên cho thấy, không ít đảng viên bị suy thoái đạo đức, vi phạm kỷ luật Đảng, không còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng và phải bị loại trừ. Đảng ta đã nghiêm túc tự xem xét lại mình, sửa mình, để thực hiện trọng trách của toàn dân tộc giao phó, trong thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo đất nước đi lên sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.

TS Hoàng Thị Ngọc Loan, Tạp chí Khoa học chính trị, Học viện Chính trị - hành chính khu vực II cho rằng, điều 4 của Dự thảo quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, là khẳng định đúng đắn. Trong nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì nhân dân là chủ thể quyền lực. Vai trò Đảng lãnh đạo Nhà nước về bản chất là do nhân dân ủy thác cho Đảng. Sự ủy thác đó có thể được ghi nhận trong Hiến pháp thông qua thủ tục lập hiến. Vì vậy, không thể đặt ra vấn đề Đảng lãnh đạo đứng trên, hay đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, TS Hoàng Thị Ngọc Loan cho rằng: Đảng lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Tối cao... như thế nào thì cần được xác định bằng một số điều trong Hiến pháp; cần xác định rõ phương thức lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội của Đảng để tránh tình trạng lạm dụng quyền lực. Hiến pháp quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ của nhân dân, của các cơ quan nhà nước, trong khi đó quyền và nghĩa vụ của lực lượng lãnh đạo cả nhân dân và Nhà nước là Đảng Cộng sản Việt Nam lại được quy định khá sơ sài. Đảng lãnh đạo xây dựng Hiến pháp và pháp luật, nhưng một khi đã có Hiến pháp và pháp luật thì Đảng không những phải tôn trọng mà còn phải chịu sự điều chỉnh của Hiến pháp và pháp luật, bình đẳng như mọi chủ thể chính trị khác. Điều lệ Đảng khẳng định “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” chính là sự khẳng định từ phía Đảng tinh thần đó.

Theo TS Hoàng Thị Ngọc Loan, điều 4 cũng ghi rõ Đảng “…chịu sự giám sát của nhân dân”, nhưng cơ chế nào để nhân dân giám sát thì chưa cụ thể. Để nhân dân có thể giám sát thực sự thì cần xây dựng Luật về Đảng và sự lãnh đạo của Đảng. Thực tế, trong hoạt động mấy năm qua của ban lãnh đạo Đảng, của các cơ quan Nhà nước và trong thực hành mối quan hệ giữa các chủ thể đó đã phát sinh không ít tình huống phải xử lý theo “lệ”, thiếu căn cứ luật pháp xác đáng. Điều đó càng chứng tỏ sự cần thiết của luật nói trên.

Quỳnh Mai (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI