Góp ý Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Nhiều điều luật chưa đi đến tận “gốc”

16/05/2022 - 08:17

PNO - Khi nói phòng và chống bạo lực gia đình (BLGĐ) cũng có nghĩa đã thừa nhận BLGĐ như một thực thể tồn tại đương nhiên trong xã hội. Vấn đề căn bản và có ý nghĩa chiến lược lâu dài là phải tìm cách loại bỏ ý tưởng và hành vi bạo lực. Nội hàm của vấn đề căn bản này nằm trong cấu trúc của gia giáo, của xã hội, của mọi chương trình giáo dục và của luật pháp.

Tương tự như vậy, gia đình không phải là một tế bào biệt lập, cho nên đối tượng áp dụng cũng không phải chỉ ở trong các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân có liên quan như điều 2 quy định. Ví dụ: Ông bà A. không thích con em mình chơi với con em gia đình ông bà B. nên đã có hành vi và ngôn từ gây tổn thương cho con em ông bà B. Hành vi này tuy không trực tiếp gây tổn thương cho con em mình nhưng hậu quả cũng không khác gì nhau.

Về hành vi BLGĐ nên thêm: hành vi “ép con cháu và các thành viên khác trong gia đình phải học hay làm những việc do mình chọn lựa mà không theo nguyện vọng, ý muốn của trẻ”.

Tôi rất băn khoăn về điều khoản “cấm tiếp xúc” đối với người có hành vi BLGĐ. Theo tôi cách làm này là không ổn bởi đó chỉ là cách dùng bạo lực chống lại bạo lực, tức là phạm luật. Thay vào đó, hãy cố gắng tìm cách truyền tải những kiến thức về chống bạo lực cho họ. Tôi nghĩ, không ai thích bạo hành. Bạo hành chỉ là biểu hiện bế tắc trong ứng xử của một người. Theo tôi, những cách giải quyết như cấm tiếp xúc, như “cách ly”… chỉ là “ngọn” chứ chưa phải là “gốc”. Gốc chính là giáo dục về giới và giới tính cho trẻ ngay từ tuổi ấu thơ. Khi đã hiểu rõ, các cháu sẽ tự xây dựng được ý thức chống mọi biểu hiện của bạo hành, đặc biệt là bạo hành trong gia đình.

Về nguyên tắc, việc phòng, chống BLGĐ, nên bổ sung “lấy việc quảng bá, hướng dẫn và giáo dục là chính” và bỏ câu “chú trọng công tác thông tin truyền thông, giáo dục, tư vấn, hòa giải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”.

Cuối cùng, việc tuyên dương là tuyên dương người làm tốt công tác phòng, chống BLGĐ trong toàn xã hội, chứ không giới hạn trong phạm vi “cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang” như dự thảo luật. 

Tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nữ trí thức TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI