Góp ý Dự thảo luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Cần bỏ những quy định không khả thi

26/05/2022 - 06:42

PNO - Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) hiện nay có những điều khoản không thể thực thi, nhưng trong dự thảo luật lần này vẫn thấy được đưa vào. Theo tôi, cần mạnh dạn bỏ những điều khoản không khả thi này ra.

 

Cụ thể:

Cần bỏ toàn bộ quy định về hòa giải ở mục 2, từ điều 17 đến điều 22, vì: Ai là người hòa giải? Tổ chức hòa giải nhưng người bạo hành không đến thì có biện pháp nào cưỡng chế không? Hòa giải như thế nào và có công bằng không khi một bên là người vi phạm pháp luật, một bên là người bị vi phạm? Thay vào đó, cần quy định bắt buộc đối với các biện pháp kiểm điểm, phê bình người vi phạm trước tổ dân phố nơi cư trú và trước cơ quan, đơn vị, tổ chức, nơi làm việc; làm bản kiểm điểm, bản cam kết không tái phạm trước cơ quan công an xã, phường. 

Đối với cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên vi phạm Luật Phòng, chống BLGĐ, ngoài việc bị xử lý ở địa phương, còn bị thông báo đến thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức nơi người đó làm việc và phải bị đưa ra xem xét xử lý kỷ luật theo Luật Công chức, viên chức, Điều lệ Đảng và điều lệ của các tổ chức chính trị xã hội.

Cần bỏ điểm c, khoản 1, điều 30 quy định về “cấm tiếp xúc”, vì biện pháp này không khả thi, UBND, công an xã, phường không thể cắt cử người giám sát người vi phạm trong suốt thời gian cấm tiếp xúc được. Và trong trường hợp người bạo hành vẫn cứ tiếp xúc với người bị bạo hành thì sẽ xử lý như thế nào?

Cần bỏ khoản 2, điều 3 quy định “Bạo lực trên cơ sở giới trong gia đình là BLGĐ dựa trên giới tính của người đó”, vì nội dung này tối nghĩa, khó hiểu và cũng không cần phải giải thích từ ngữ này. 

Cuối cùng, thiết nghĩ, các biện pháp phòng, chống phải được cơ quan có trách nhiệm chủ động thực hiện, đặc biệt là phải hành động tức thời khi tiếp nhận thông tin BLGĐ đang xảy ra. Vì vậy, đề nghị bỏ quy định: Người bị bạo hành “có đơn yêu cầu”. Bởi để ngăn chặn tức khắc hành vi BLGĐ, bảo vệ kịp thời người bị bạo hành, phải là các biện pháp mạnh, có hiệu lực tức khắc và cơ quan thực hiện phải là công an xã, phường. Công an xã, phường là cơ quan bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, thường là nơi đầu tiên tiếp nhận thông tin về BLGĐ đang xảy ra, đồng thời là nơi gần nhất, nhanh nhất có thể tiếp cận hiện trường. Vì vậy, luật cần quy định đầy đủ về thẩm quyền, trách nhiệm xử lý là công an xã, phường; quy định cụ thể và đầy đủ các biện pháp mà công an xã, phường phải thực hiện khi tiếp nhận vụ việc.

Khi nhận được tin báo, công an xã, phường phải đến ngay hiện trường, nếu hành vi bạo lực vẫn đang diễn ra thì yêu cầu chấm dứt ngay và yêu cầu đương sự đến trụ sở công an làm tường trình, làm bản kiểm điểm và cam kết không tái phạm. Trường hợp hành vi bạo lực đã chấm dứt thì vẫn yêu cầu người vi phạm đến ngay trụ sở công an xã, phường để tạm thời cách ly với nạn nhân, đồng thời phải làm bản tường trình sự việc, cam kết không tái phạm; hoặc công an lập biên bản, ra thông báo cảnh cáo. Nếu không chấp hành sẽ bị còng tay, áp giải đưa về trụ sở công an. Nếu có hành vi chống đối bằng vũ lực, chửi bới, la lối làm náo loạn khu dân cư thì lập biên bản, chuyển công an quận, huyện điều tra, xác minh, đủ yếu tố thì khởi tố về tội chống người thi hành công vụ hoặc gây rối trật tự công cộng… Đây là căn cứ để áp dụng các biện pháp mạnh hơn nếu tái phạm, như phạt tiền, tạm giữ hành chính 24 giờ, hoặc lập hồ sơ chuyển công an quận, huyện xem xét xử lý hình sự nếu hành vi đủ yếu tố cấu thành tội tương ứng quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, như: tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích… 

Luật sư Lê Thị Hằng - Chủ tịch Hội Luật gia Quận 4

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI