Góp ý Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung: Đầu tư ngân sách cho bậc học 'nền móng'

13/12/2017 - 11:34

PNO - Ngành phải cải cách giáo dục, đổi mới dạy học, bản thân các nhà giáo cũng phải thay đổi để phù hợp.

Hôm qua, 12/12, tại TPHCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia giáo dục (GD), các trường đại học và các sở GD-ĐT phía Nam đóng góp cho dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật GD. “Tăng lương cho giáo viên (GV)” là “từ khóa” chính được rất nhiều đại biểu quan tâm. 

Gop y Du thao Luat Giao duc sua doi, bo sung: Dau tu ngan sach cho bac hoc 'nen mong'

Nhiều ý kiến đề xuất chuyển đầu tư giáo dục bậc cao sang giáo dục bậc thấp bởi tính nền móng quan trọng của nó - Ảnh: Phùng Huy

Lương, vị trí nghề nghiệp và môi trường làm việc dân chủ 

Nếu lương cho ngành GD được tăng lên thì không chỉ GV mà cả cán bộ quản lý cũng mừng, vì như thế GV sẽ toàn tâm toàn ý làm nghề, không còn phải thậm thụt dạy thêm, làm chui… mới đủ sống. Tuy nhiên, nhiều nhà giáo vẫn nghi ngại tính khả thi của vấn đề. Ông Phan Sĩ Quang, Sở GD-ĐT Đắk Nông cho rằng, thay vì xếp lương GV ở thang bậc cao nhất thì nên tăng lương sao cho đảm bảo đời sống tối thiểu của GV.

“Chúng ta nói lương GV được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc hành chính sự nghiệp nhưng liệu có đáp ứng được cuộc sống hằng ngày không? Hiện nay, lương của GV còn không đáp ứng được mức sống tối thiểu. Đã vậy, tiền chưa đến túi thì giá cả đã tăng vọt. Nhiều GV đi dạy vài chục năm nhưng thu nhập vẫn rất thấp. Vì vậy, nên tăng lương thế nào để đảm bảo đời sống tối thiểu cho GV hơn là xếp ở bậc cao nhất”, ông Quang nói. 

Cũng băn khoăn về lương GV, câu chuyện “không dám… lên chức” của ông Bùi Văn Hòa - hiệu trưởng một trường THCS ở Đồng Nai, chia sẻ đã khiến các đại biểu ngỡ ngàng. Ông Hòa cho rằng, Luật GD sửa đổi, bổ sung nên sửa lại định nghĩa nhà giáo. Đó là: nhà giáo không chỉ là người trực tiếp giảng dạy mà cả những người làm quản lý ở các cơ quan quản lý GD. Ông Hòa cho biết, sau 20 năm công tác ở trường THCS, vừa rồi lãnh đạo có ý điều ông về phòng GD-ĐT, nhưng ông đã từ chối khéo vì nếu chuyển về phòng, ông sẽ mất một nửa thu nhập, lại còn mất cả thâm niên làm việc.

“Khi một GV giỏi được điều lên làm quản lý thì phụ cấp ưu đãi bị cắt là đúng; nhưng phụ cấp thâm niên cũng bị cắt luôn thì chẳng khác nào phủ nhận thời gian cống hiến trước đó của họ. Như vậy, họ không chỉ mất tiền mà còn mất cả thời gian công tác. Chưa kể, làm quản lý thì không được nghỉ hai tháng hè như GV mà chỉ được nghỉ mỗi năm hơn 10 ngày phép”, ông Hòa nêu sự thật phũ phàng.

Ngoài lương, điều các nhà giáo mong mỏi không kém là vị thế nghề nghiệp của họ phải được tôn trọng, nghề dạy học phải được trả về đúng vị trí là “một nghề cao quý”. Ông Trần Ngọc Long, Trường THPT Long Thành, Đồng Nai, nhận định: “Tăng lương là mong mỏi của hàng triệu GV. Tăng lương sẽ tạo động lực cho GV làm việc, nhưng quan trọng hơn, các thầy cô giáo đang cần một môi trường làm việc công minh, dân chủ, cởi mở".

Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung - Trưởng bộ môn Luật hành chính, Trường Đại học (ĐH) Luật TP.HCM, thành viên nhóm nghiên cứu độc lập với Ban soạn thảo Luật GD, nhấn mạnh: đề xuất xếp lương GV ở thang bậc cao nhất không phải ngẫu nhiên mà là chính sách rất hợp lý. Còn vấn đề tiền đâu để tăng và tăng như thế nào hiện nhóm đang tiến hành thực hiện.

Chuyển đầu tư cho bậc học “nền móng”, trả lương theo vị trí việc làm

Theo tiến sĩ Dung, đề xuất tăng lương cho GV được đưa ra là có cơ sở vì: thứ nhất, sắp tới các cơ sở GD ĐH công lập sẽ tự chủ tài chính, nhân sự trong các đơn vị này sẽ không hưởng ngân sách nhà nước, nguồn ngân sách đó sẽ chuyển về cho bậc học phổ thông và mầm non. Thứ nhì, cách mạng 4.0 sẽ làm cho số lượng GV trong các cơ sở GD giảm, kéo theo giảm biên chế và tiết kiệm được nhân sự. Thứ ba, Bộ GD-ĐT phải tái cấu trúc ngân sách cho GD. Trong bối cảnh khó khăn của đất nước, ngoài việc để người giàu tự lo, Nhà nước lo cho người nghèo bằng cách đẩy mạnh xã hội hóa thì việc tinh gọn bộ máy là điều cần thiết phải làm. 

Gop y Du thao Luat Giao duc sua doi, bo sung: Dau tu ngan sach cho bac hoc 'nen mong'

Phó giáo sư - tiến sĩ Hoàng Thị Thúy Nguyệt, Học viện Tài chính, cho rằng: cần phải chuyển đầu tư từ GD bậc cao sang GD bậc thấp vì bậc học thấp mới là nền móng. Theo đó, tiền dành cho GD ĐH sẽ chuyển sang đầu tư cho GD cơ sở. Nhà nước sẽ vẫn chi cho GD ĐH nhưng phải thay đổi cách cấp tiền. Vị trí nào thu nhập đó nhưng không đặt ra vấn đề phụ cấp nữa. Để làm được hiệu trưởng phải có năng lực và năng lực đó cần được trả tiền công xứng đáng. Lương sẽ thay đổi theo vị trí việc làm chứ không theo bằng cấp.

Cũng theo bà Thúy Nguyệt, 20% ngân sách mà Nhà nước dành cho GD-ĐT là không ít, vì vậy ngành GD phải tiếp tục giữ “1/5 miếng bánh” ngân sách này bằng cách chứng minh cho xã hội thấy ngân sách dành cho mình là xứng đáng. Cụ thể là ngành phải cải cách GD, đổi mới dạy học, bản thân các nhà giáo cũng phải thay đổi để phù hợp.  

Kìm hãm việc phát triển trường tư

Buổi hội thảo “nóng” lên khi các nhà đầu tư trong lĩnh vực GD ĐH tỏ ra lo lắng với quy định trong hội đồng quản trị (HĐQT) trường ĐH tư có hiệu trưởng (HT), vì sợ chủ trường sẽ bị HT lấn quyền. Ông Võ Khắc Thường - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Thiết, cho rằng: “HĐQT là tổ chức đại diện cho chủ sở hữu của trường, nhưng theo dự thảo mới phải có cả HT và đại diện đoàn thể là không hợp lý. Ví dụ, một mình tôi là chủ sở hữu một trường, nhưng HĐQT sẽ có từ ba người trở lên. Trong việc đưa ra các quyết sách, chúng ta tính đối vốn hay đối nhân? Nếu lấy biểu quyết theo người (đối nhân) thì rất có thể tôi là chủ trường nhưng không có quyền quyết định.

Tôi nghĩ, các thành phần không góp vốn có thể nằm ở các hội đồng khác để góp ý và giám sát nhưng không nên nằm trong thành phần HĐQT. Bầu HĐQT cần theo nguyên tắc đối vốn, vì họ bỏ tiền ra làm trường thì chính họ buộc phải có trách nhiệm với xã hội, với thương hiệu của trường. Trường tư thục cũng cần được xem như doanh nghiệp. Luật nên bổ sung thêm việc chủ tịch HĐQT phải được điều phối nhân sự và cơ cấu hoạt động của trường, chứ không phải HT. Tôi đề xuất dự thảo Luật GD ĐH nên có riêng phần nói về trường tư thục, nói rõ từng phần”.

Cùng suy nghĩ, ông Nguyễn Phước Quý Quang - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Công nghệ Miền Đông - khẳng định: HĐQT là tổ chức đại diện cho chủ sở hữu. Những người không tham gia góp vốn thì không nên tham gia vào HĐQT. Người đại diện pháp luật của ĐH tư phải là chủ tịch HĐQT chứ không thể là HT. HT chỉ là người đề xuất nhân sự, quyết định theo biểu quyết và công nhận của chủ tịch HĐQT.

Cũng theo ông Quang, tại khoản 5, điều 66 quy định: “Giá trị tài sản tích luỹ được trong quá trình hoạt động của cơ sở GD ĐH tư thục và giá trị của các tài sản được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng cho cơ sở GD ĐH tư thục là tài sản chung không chia” cũng đã vô hình kìm hãm việc đầu tư thêm vốn phát triển trường tư. 

Đề xuất “loại” hiệu trưởng ra khỏi hội đồng trường

Theo dự thảo Luật GD ĐH, trường ĐH công lập sẽ có hội đồng trường (HĐT), HĐ này có quyền quyết định các phương hướng hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, cơ cấu tổ chức… Vấn đề này đã gây nhiều tranh cãi, vì nếu HĐT có nhiều thành viên của ban giám hiệu thì liệu có đảm bảo được sự độc lập khi đề ra các quyết sách cũng như trong việc giám sát sự thực hiện của lãnh đạo trường?

Dù đang là HT Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) nhưng phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng vẫn thẳng thắn đề xuất loại HT ra khỏi HĐT. Ông nhấn mạnh: “Vai trò của HĐT có vị thế đối trọng với điều hành của ban giám hiệu. Vì vậy, theo tôi, HT không nên là thành viên HĐT. Sinh viên cũng không nên có trong HĐT vì việc đó chỉ mang tính hình thức và thực tế ý kiến của sinh viên cũng rất hạn chế”.

Giáo sư Nguyễn Lộc - Phó HT Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng e ngại sự độc lập tự chủ thông qua HĐT không tăng lên được bao nhiêu nếu HĐT có tỷ trọng người của trường quá nhiều. Ông đề nghị tăng tỷ lệ ngoài trường lên trong thành phần HĐT. Chủ tịch HĐT có thể là những nhà chính trị hoặc đại diện doanh nghiệp… Làm được như vậy là giúp năng lực quản lý lan tỏa từ ngành này sang ngành khác, sự phản biện sẽ khách quan hơn. 


Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI