PNO - Ý thức về tiếng nói góp phần bảo vệ môi trường và muôn loài ngày càng được chú trọng trong trang viết của nhiều người cầm bút. Đó cũng là cách truyền tải những thông điệp giá trị, có ý nghĩa về hệ sinh thái nhân văn bằng văn chương.
Trong tháng Tám này, nhà văn Võ Diệu Thanh dự kiến tổ chức buổi ra mắt tác phẩm mới Thiên thần Ốc Tiêu (Nhà xuất bản Kim Đồng); đồng thời mở cuộc trò chuyện kết nối và trao gửi thông điệp về “tổ của loài chim, tổ của loài người”. Nhân vật chính trong Thiên thần Ốc Tiêu là một chú chim dồng dộc - loài chim từng xuất hiện trong truyện ngắn Con chim dồng dộc của chị nhiều năm trước.
Ngày càng có nhiều tác phẩm góp tiếng nói bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn các loài động vật hoang dã/quý hiếm
“Trên tán bần, ở những nhánh thật cao, ve ra kênh, đong đưa mấy cái tổ chim dồng dộc nho nhỏ màu cau khô, giống những chiếc giỏ cua đan bằng những sợi tre thật mảnh” - miêu tả của nhà văn Võ Diệu Thanh về tổ chim dồng dộc. Chị nói, từ thuở nhỏ đã ấn tượng với những chiếc tổ chim nhỏ bé nhưng công phu của dồng dộc - loài chim được gọi là “thợ dệt tổ đẳng cấp”. Trong truyện ngắn, chị lấy hình ảnh chim dồng dộc để ví von tính cách của con người, còn trong Thiên thần Ốc Tiêu (tác phẩm dành cho thiếu nhi độ tuổi từ 6-11 tuổi), dồng dộc cùng các loài khác mở ra một câu chuyện thú vị về “tổ của loài chim” và sinh thái nhân văn.
Kể chuyện về tổ của loài chim để hàm ý đến “tổ của loài người” là thông điệp sâu sắc của nhà văn về môi trường, sự kết nối giữa con người và tự nhiên. “Thế giới của các loài động vật rất kỳ diệu. Tôi còn muốn viết về các loài côn trùng, mỗi loài đều trở thành một mắt xích quan trọng, góp phần cho nông nghiệp xanh, sinh thái bền vững. Không có loài nào xuất hiện mà không có vai trò của riêng nó. Mỗi loài tồn tại, sinh sôi và đều có những mối liên hệ ý nghĩa trong tự nhiên” - nhà văn Võ Diệu Thanh chia sẻ.
Viết về các loài vật với tập tính của mỗi loài, từ đó tạo trường liên tưởng, ẩn dụ về con người lâu nay nổi bật có các tác phẩm của nhà văn Trần Bảo Định. Trong nhiều tác phẩm, ông viết về các loài vật dân dã trong tự nhiên của miền Tây Nam Bộ: ba khía, lìm kìm, bọ hung… hay các loài tôm, cua, cá đồng… Một thế giới sinh vật đa dạng xuất hiện trong những trang viết của Trần Bảo Định, qua các tác phẩm: Đời bọ hung, Kiếp ba khía, Phận lìm kìm… Tất cả đều cho thấy sự quan sát, thấu hiểu và tràn đầy tình yêu thương, chia sẻ của người cầm bút dành cho muôn loài, cho vùng đất và con người.
Nhà văn Võ Diệu Thanh bày tỏ, viết về các loài không đơn giản chỉ là biết, quan sát mà cần phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng. Câu chuyện về loài chim dồng dộc chị đưa vào trang sách là kết quả của nhiều chuyến đi thực tế, lồng ghép cả ký ức tuổi thơ về loài chim nhỏ bé, đặc biệt này. Viết về các loài luôn không dễ dàng, nhưng nếu khai thác thành công, tác phẩm của nhà văn sẽ để lại giá trị, ý nghĩa lớn cho những thông điệp về bảo vệ môi trường, thiên nhiên và muôn loài. Một số tác phẩm hay viết về muôn loài đã được xuất bản trước đó: Chuyện lạ Thảo Cầm Viên, Voi không ngà, Hồng hạc màu cam (Phan Việt Lâm); bộ sách của nhà văn Vũ Hùng (đã được trao giải Vàng, Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2016): Chú ngựa đồng cỏ, Giữ lấy bầu mật, Sao Sao, Bầy voi đen, Vườn chim, Sống giữa bầy voi…
Nâng cao nhận thức cho trẻ thơ
Một trong những bài viết cảm động của cuộc thi Hào khí miền Đông (do Báo Thanh Niên tổ chức, đang diễn ra) là của tác giả Võ Công Hậu (nguyên Giám đốc Ban quản lý rừng cấm Côn Đảo): Chuyện về những người đầu tiên bảo tồn rùa biển ở Côn Đảo. Ông viết về chuyện bảo tồn rùa biển từ những năm giữa thập niên 1980. Trước đó, rùa biển và vích vẫn còn bị đánh bắt, ăn thịt hoặc làm đồ thủ công mỹ nghệ.
Chuyện bảo tồn rùa biển cũng như san hô và các sinh vật biển khác cũng được kể trong bộ sách Bật mí tí ti - Thế giới diệu kỳ (tác giả Huyền Machi - tình nguyện viên của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - IUCN, Lionbooks và Nhà xuất bản Hà Nội). Bộ sách gồm 2 tập: San hô và Rùa biển với những câu chuyện về đại dương và các sinh vật biển, đồng thời chuyển tải đến bạn nhỏ thông điệp ý nghĩa về bảo tồn.
“Thiên nhiên kỳ thú” là dự án sách (gồm 12 tập) đang được Nhà xuất bản Trẻ thực hiện, với các tựa: Trĩ sao thi tài, Bác Sóc đã hết buồn, Cừu đen không giống ai, Vũ công đầm lầy, Cuộc bôn tẩu của anh rái cá, Ước mơ của sếu… Những câu chuyện như: chú rái cá được cứu từ chợ buôn bán động vật hoang dã trái phép, chuyện về cô sói xám cuối cùng của vườn thú hay sự ra đời của em bé gấu chó, tiếng hót kỳ diệu của loài trĩ sao… đều mở ra thế giới muôn loài với những điều tuyệt diệu, hài hước và không kém phần ý nghĩa. Bộ sách dành cho lứa tuổi mầm non, mẫu giáo thông qua hình thức sách tranh. Sách kể những câu chuyện thú vị về các loài, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục cho trẻ nhỏ về ý thức bảo vệ các loài động vật hoang dã/quý hiếm.
Khi câu chuyện về bảo vệ môi trường, bảo tồn các loài động vật hoang dã/quý hiếm ngày càng được cộng đồng quan tâm thì người cầm bút không thể đứng ngoài cuộc. Tác phẩm văn học/những câu chuyện kể trong sách tranh có thể chưa tạo thành những “slogan” (khẩu hiệu) hay phong trào trong một sớm một chiều, nhưng đó sẽ là tiếng nói của giá trị bền vững, lan tỏa qua các thế hệ, gieo mầm trong nhận thức của trẻ nhỏ và cả người trưởng thành về ý thức bảo vệ/bảo tồn tự nhiên.