Có tháp Eco, không lo thiếu rau sạch
Cứ sáng đầu tuần, cô Nguyễn Thị Thu Hà (56 tuổi, ở khu phố 4, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) lại mang một bao lớn đầy vỏ chôm chôm, sầu riêng… lên sân thượng cho vô tháp Eco. Đây là loại tháp trồng rau khá tiện lợi, hoạt động nhờ vào rác hữu cơ - phân hủy bởi trùn quế, được người dân ở P.Đa Kao sử dụng kể từ khi tham gia hội thi “Tháp rau sạch - Nhà thêm xanh” do Hội LHPN phường phối hợp với CHANGE (Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển) tổ chức từ năm 2021.
|
Cô Nguyễn Thị Thu Hà chăm chút tháp rau trên sân thượng |
Cô Hà khoe, từ ngày có tháp Eco, gia đình hiếm khi mua rau chợ. Phân hữu cơ được trùn quế phân hủy chẳng những đủ cung cấp cho rau trồng trong tháp mà còn dư nhiều, nhờ vậy cô có phân bón cho mấy chậu hành, chanh tứ quý. “Sau khi thi xong, ban tổ chức tặng cái tháp cho tụi tôi luôn, giá cũng hơn một triệu ba đó. Mỗi ngày tôi ở trên này chăm sóc, thu hoạch rau trái chừng hai tiếng đồng hồ là ít. Sản phẩm nhà trồng nên cũng tự tin mang cho bà con lối xóm, ai nấy đều vui”, cô Hà bộc bạch.
Cô Hà hiện là nhóm trưởng nhóm Vườn rau dinh dưỡng gia đình P.Đa Kao. Là địa bàn trung tâm thành phố, không có nhiều đất trống làm vườn, các thành viên chủ yếu tự ủ phân hữu cơ rồi trồng rau trên sân thượng trong những hộp xốp nhỏ. Từ ngày được tặng tháp Eco và tham gia lớp học trực tuyến hướng dẫn cách trồng rau, mọi việc trở nên thuận tiện hơn. Tháp của nhà này trồng rau thơm, bắp cải, cải xanh, cải ngọt, tháp nhà kia là ớt, hành ngò, cà chua, dần dần màu xanh trải dài trên những tầng thượng nhỏ hẹp của nhà phố, của chung cư. Cô Hà chia sẻ: “Hầu hết thành viên của nhóm đều có tháp Eco. Vui nhất là hồi xưa nhiều người ở cùng một dãy phố, một chung cư mà chẳng biết nhau, giờ lại thành quen thân thông qua nhóm chat Zalo Tháp rau sạch. Tụi tôi thường chụp hình khoe với nhau từng chồi non mới nhú đến khi thu hoạch, tình cảm cứ vậy mà lớn dần”.
Nói về những tháp rau này, chị Trần Như Ngà - Chủ tịch Hội LHPN P.Đa Kao - kể: “Khi TP.HCM đối mặt làn sóng thứ tư của dịch COVID-19, Hội quyết định phối hợp CHANGE tổ chức hội thi với hình thức trực tuyến. Chúng tôi hy vọng việc này phần nào giúp bà con giải tỏa tinh thần tích cực trong những ngày dịch bệnh căng thẳng. Không ngờ, mô hình này lại được rất nhiều người tham gia. Đến nay, tất cả các nhóm chat vẫn còn hoạt động, bà con chia sẻ từ kinh nghiệm mua đất, gieo hạt giống tới tưới nước, thu hoạch từng loại rau trái tặng nhau”.
Tháp rau sạch - Nhà thêm xanh là một trong ba nội dung đang được áp dụng với mô hình “Khu phố xanh - Hướng tới tương lai” của Hội LHPN P.Đa Kao. Điều đặc biệt là hoạt động này đã phát triển lên quy mô toàn quận. Từ 40 tháp rau của P.Đa Kao hồi năm 2021, đến tháng 3/2022, Hội LHPN Q.1 phối hợp CHANGE tổ chức hội thi “Tháp rau sạch - Nhà thêm xanh” cấp quận với 60 tháp nữa. Hội LHPN Q.1 cũng đang khuyến khích các chi, tổ Hội Phụ nữ chủ động làm tháp rau chung tại các điểm sinh hoạt của xóm, khu phố, vừa tạo cảnh quan, vừa có nguồn rau sạch cho bà con dùng.
Hẻm xanh đẹp, phố thêm vui
Xuất phát từ ý tưởng của anh Nguyễn Chí Minh - Phó Bí thư Đảng ủy và chị Trần Như Ngà - Chủ tịch Hội LHPN P.Đa Kao, mô hình “Khu phố xanh - Hướng tới tương lai” chính thức ra đời vào giữa năm 2021. Hoạt động được triển khai đầu tiên là xây dựng những “Mảng xanh - sạch ngõ”. Hội LHPN phường cho các chi hội khu phố chủ động “đặt hàng” hẻm nào cần chỉnh trang, sau đó cán bộ phường Hội trực tiếp đi khảo sát, lên kế hoạch thực hiện. Bắt đầu bằng việc kêu gọi bà con cùng dọn rác, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và tự phân loại rác tại nhà, Hội tiến thêm một bước nữa khi kêu gọi từng hộ dân trồng cây vô chậu nhỏ treo trên giàn bằng khung sắt tại điểm sinh hoạt chung của khu phố, góp kinh phí xây bồn hoa, lắp ghế đá và đèn năng lượng mặt trời, vẽ tranh bích họa mang thông điệp hãy chung tay bảo vệ môi trường…
|
Bức tường trong hẻm 41 Nguyễn Bỉnh Khiêm được cán bộ, hội viên phụ nữ khu phố 3, P.Đa Kao vẽ bức tranh con đường cây xanh nhìn rất đẹp |
Nếu có dịp đi qua các tuyến hẻm 33B và 75 Mai Thị Lựu, 41 và 59 Nguyễn Bỉnh Khiêm hay chung cư 1A1B Nguyễn Đình Chiểu (thuộc địa bàn P.Đa Kao) hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên trước những giàn cây kiểng được thiết kế công phu với hệ thống tưới nước tự động, những bức tường tranh bích họa đầy màu sắc do chính các em nhỏ cùng bà con địa phương vẽ. Mấy năm trước, hầu hết các tuyến hẻm này rất nhếch nhác, lòng đường bị lấn chiếm buôn bán, những mảng tường bị bôi bẩn, tờ rơi quảng cáo dán chi chít…
|
Bà con P.Đa Kao gom rác đi đổi quà |
Chị Trần Như Ngà thông tin: “Có những mảng xanh này là nhờ bà con địa phương nhiệt tình ủng hộ, người cho đấu nối trực tiếp từ nguồn nước của gia đình giúp duy trì hệ thống tưới, người góp tiền mua chất liệu sơn, vẽ chống thấm, người cần mẫn trồng từng chậu cây. Sắp tới, chúng tôi sẽ còn làm thêm nhiều mảng xanh như vầy nữa”.
Bên cạnh mảng xanh và tháp rau, mô hình “Khu phố xanh - Hướng tới tương lai” còn có hoạt động “Tái chế dễ thế” được người dân cũng như cán bộ, hội viên phụ nữ hưởng ứng. Hội LHPN P.Đa Kao đã làm nhiều clip hướng dẫn người dân cách phân loại rác, mẹo chọn ra những loại rác có thể tái chế được như bìa cát tông, vỏ hộp sữa, que kem, chai lọ nhựa, vải vụn để biến tấu thành hộp đựng bút, chậu trồng cây, kẹp tóc, túi xách. Đồng thời, Hội kết nối Lagom Việt Nam (công ty chuyên thu gom và tái chế các sản phẩm từ vỏ hộp sữa và các loại bao bì) tổ chức triển lãm giới thiệu các sản phẩm tái chế từ rác, mở điểm đổi rác lấy cây xanh và nhu yếu phẩm, hướng dẫn cài đặt ứng dụng VECA - Ve chai công nghệ kết nối người bán với người mua. Từ mô hình điểm của phường, tám chi hội phụ nữ khu phố và chi hội chợ Đa Kao đã chủ động thực hiện tại các trường học, điểm sinh hoạt chung của xóm. Chỉ tính từ tháng 12/2021 đến nay, đã có sáu ngày hội “Tái chế dễ thế” được tổ chức tại P.Đa Kao, mỗi ngày thu gom hơn 200kg rác đã qua phân loại.
Là người tích cực góp sức vào cả ba hoạt động của “Khu phố xanh - Hướng tới tương lai”, cô Nguyễn Thị Khiêm Hương, 61 tuổi - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 3, P.Đa Kao - bày tỏ: “Riêng khu phố tôi đã sở hữu 10 tháp rau rồi. Mảng xanh thì có hai hẻm. Vào những ngày cuối tuần, mọi người rủ nhau đi quét dọn hẻm, gom rác đổi quà, chụp hình bên mấy bức tranh, giàn cây tạo nên không khí rộn ràng, ấm tình làng nghĩa xóm”.
Mẫn Nhi