Nhân lên sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc - Bài 2:

Góp sức bằng trí tuệ và trái tim yêu thương

24/09/2024 - 06:06

PNO - Dưới “mái nhà chung” MTTQ, nhiều nữ trí thức đã đóng góp trí tuệ, tâm huyết và tình yêu thương của mình cho mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.

Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam TPHCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ diễn ra vào các ngày 29 và 30/9 tới đây. Đánh giá lại chặng đường 5 năm của nhiệm kỳ 2019-2024, hệ thống MTTQ các cấp TPHCM đã có nhiều công trình, mô hình, cá nhân điển hình tiêu biểu. Ở từng công việc, nội dung đều được MTTQ các cấp chăm chút, nuôi dưỡng, tận tâm thực hiện để mang lại nhiều giá trị thiết thực cho nhân dân, cho cộng đồng.

Bài 1: Dựa vào dân để xây dựng thành phố sạch - xanh

Tiến sĩ Lương Bạch Vân (giữa) đưa đoàn nghiên cứu quốc tế đi khảo sát ảnh hưởng biến đổi khí hậu, môi trường tại huyện Cần Giờ, TPHCM
Tiến sĩ Lương Bạch Vân (giữa) đưa đoàn nghiên cứu quốc tế đi khảo sát ảnh hưởng biến đổi khí hậu, môi trường tại huyện Cần Giờ, TPHCM

Niềm vui khi được về nước phục vụ

Năm 1978, khi đang công tác tại Trung tâm Ứng dụng phát triển bức xạ (Pháp), tiến sĩ Lương Bạch Vân - chuyên ngành hóa cao phân tử - đã quyết định cùng gia đình về nước để góp phần xây dựng quê hương đất nước. Trở về khi đất nước còn nhiều khó khăn và thấy việc cấp bách thời bấy giờ là kế hoạch hóa dân số, bà Bạch Vân đã đến gặp bác sĩ Dương Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế TPHCM lúc bấy giờ - đặt vấn đề: “Tôi có kinh nghiệm nghiên cứu vòng tránh thai cho phụ nữ và mong muốn được triển khai thực hiện tại Việt Nam”.

Đề xuất của bà được trình lên đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư Thành ủy TPHCM khi ấy. Vài ngày sau, bà nhận được thư ông Võ Văn Kiệt chỉ đạo các sở, ngành tạo điều kiện cho bà thực hiện “Chương trình kế hoạch hóa dân số của Nhà nước”. Nhờ đó mà 5 triệu vòng tránh thai đã được sản xuất và đưa vào sử dụng.

Tiếp sau đó, bà triển khai xây dựng Trung tâm Kỹ thuật chất dẻo (dự án do Liên hiệp quốc tài trợ) với nguồn vốn 1,5 triệu USD. Trong gần 20 năm, trung tâm đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, giới thiệu công nghệ mới, sản phẩm mới, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ sự phát triển của ngành nhựa Việt Nam.

Năm 2001, tiến sĩ Lương Bạch Vân đến tuổi nghỉ hưu, được sự trợ giúp của chồng là phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bình, bà thành lập Công ty Công nghệ cao Thái Bình chuyên sản xuất hạt nhựa chủ, hạt màu chủ để nâng cao chất lượng các sản phẩm nhựa. 2 năm sau, cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 24/3/2003 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, tiến sĩ Lương Bạch Vân được Ủy ban MTTQ TPHCM mời về làm công tác mặt trận với lý do đất nước mở cửa, cần sự góp sức của bà trong công tác đối ngoại nhân dân và vận động kiều bào.

“Tôi chưa hiểu lắm về MTTQ nên phân vân. Nhưng nhìn lại, thấy sau bao nhiêu năm chiến tranh, Việt Nam vẫn còn tụt lại khá xa với các quốc gia phát triển, muốn giảm khoảng cách đó thì mọi người cùng phải góp sức. Vả lại, khi về nước, tôi có lời hứa sẽ làm bất cứ việc gì, bất cứ nơi đâu, nên tôi đồng ý” - tiến sĩ Bạch Vân kể.

Đến tháng 6/2003, bà Bạch Vân tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM với cương vị Phó chủ tịch chuyên trách công tác đối ngoại nhân dân và kiều bào. Với suy nghĩ, làm sao để huy động nguồn lực trí thức, doanh nhân kiều bào, bà đề xuất Ủy ban MTTQ TPHCM cho thành lập các ban liên lạc kiều bào tại 24 quận, huyện để tiếp xúc, hỗ trợ khi kiều bào về nước thăm quê hương và gia đình.

Tháng 9/2006, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM được thành lập. Với cương vị Chủ tịch hội, bà đề xuất thành lập Trung tâm Hỗ trợ kiều bào. Đây được xem là “mái nhà chung” của kiều bào, nơi đón tiếp, hỗ trợ khi kiều bào về nước, nơi tiếp nhận những phản ánh, tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của kiều bào cho lãnh đạo MTTQ, đồng thời là nơi hướng dẫn, giúp kiều bào tháo gỡ những khó khăn liên quan đến các thủ tục sở hữu nhà ở, đầu tư, kinh doanh…

Đến nay, nhìn lại quá trình hơn 40 năm về nước phục vụ, tiến sĩ Bạch Vân cho biết bà rất vui mừng và tự hào khi được lãnh đạo thành phố tin tưởng giao nhiệm vụ. Dù ở cương vị nào, bà cũng cố gắng thực hiện với tất cả nhiệt huyết và khả năng của mình.

“Khi nào tổ chức còn cần, tôi còn tham gia”

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng ở tuổi 81 vẫn miệt mài làm việc, đóng góp cho đất nước - ẢNH: NGUYỄN QUANG
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng ở tuổi 81 vẫn miệt mài làm việc, đóng góp cho đất nước - Ảnh: Nguyễn Quang

Ở tuổi 81, Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - vẫn đi làm đều đặn mỗi ngày và có 2 đêm trực bệnh viện như bao bác sĩ khác.

Không chỉ làm công tác chuyên môn, bà còn là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam và là Phó chủ tịch không chuyên trách của cơ quan này. Được hỏi khi nào mới nghỉ ngơi, bà cười giản dị: “Khi nào tổ chức còn thấy mình có ích, còn góp phần được cho khối đoàn kết dân tộc thì mình còn tham gia”.

Trong nhiều năm qua, bác sĩ Ngọc Phượng vẫn thường về các địa phương khám bệnh miễn phí cho nhân dân. Lễ, tết, bà đều đóng góp để hỗ trợ những hoàn cảnh cần giúp đỡ. Hiện nay, hằng tháng, bà vẫn dùng tiền lương của mình để hỗ trợ 2 Mẹ Việt Nam anh hùng và hỗ trợ 10 triệu đồng cho 1 bếp ăn từ thiện.

Bà chia sẻ, là phụ nữ, lại làm việc trong ngành y tế, thường xuyên trò chuyện với bệnh nhân, lắng nghe tâm tư của đồng nghiệp nên bà có cơ hội nghe ngóng, phân tích những vấn đề dư luận quan tâm. Từ những ý kiến chung, bà đối chiếu tình hình thực tế rồi suy nghĩ cách giải quyết sao cho hài hòa lợi ích quốc gia với mong muốn của người dân, từ đó gửi kiến nghị, đề xuất lên MTTQ.

“Cách đây mấy năm, tôi đề xuất TPHCM cần phân tích phổ điểm từng môn học để thấy được mặt mạnh, mặt yếu, làm cơ sở để ngành giáo dục tăng cường ở những mặt còn yếu. Ngành y tế gặp những khó khăn trong việc mua sắm thiết bị, tôi cũng nhiều lần phản ánh với cấp trên. Rất vui là những kiến nghị ấy đã được thực hiện hoặc tiếp thu và tìm cách tháo gỡ” - bác sĩ Ngọc Phượng kể.

Theo bác sĩ Ngọc Phượng, điều cốt lõi cần có ở các cán bộ mặt trận là phải sâu sát, gần gũi với quần chúng để nắm được tâm tư, nguyện vọng của họ mà phản ánh lên trên. Nhưng để có được những ý kiến xác đáng, cán bộ mặt trận phải có tinh thần tự học tập, nghiên cứu để hiểu biết sâu sắc, nhận định chính xác vấn đề nhằm dung hòa những yêu cầu, mong muốn của nhân dân trong bối cảnh, tình hình thực tế của thành phố, đất nước.

Phải gần dân mới được dân tin

Luật sư Trương Thị Hòa xuất hiện thường xuyên  trong các cuộc giám sát, phản biện xã hội
Luật sư Trương Thị Hòa xuất hiện thường xuyên trong các cuộc giám sát, phản biện xã hội

Tại một hội nghị bàn về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 của TPHCM, luật sư Trương Thị Hòa đã nêu vấn đề người dân còn băn khoăn là thủ tục hành chính sau sắp xếp. Bà góp ý cán bộ địa phương cần phải mềm dẻo, thông tin đầy đủ cho người dân, đồng thời xem xét giải quyết kịp thời những phản ánh, góp ý của người dân.

Năm 1975, sau ngày đất nước giải phóng, luật sư Trương Thị Hòa bắt đầu tham gia công tác mặt trận và xuất hiện thường xuyên trong các cuộc giám sát, phản biện. Theo bà, MTTQ là cơ quan giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, để từ đó đánh giá mỗi công trình, phần việc sẽ tác động như thế nào đối với dân, nhằm tạo ra đồng thuận xã hội.

MTTQ phải làm sao cho những người xa nhất, nghèo nhất cũng đều có điều kiện để tất cả cùng tiến, không ai bị bỏ lại phía sau. Để hoạt động của MTTQ ngày càng hiệu quả, người dân ngày càng tin tưởng, thì công tác giám sát, phản biện xã hội phải làm thật tốt. Muốn vậy, mỗi cán bộ mặt trận phải có ý thức nâng cao trình độ, năng lực cũng như quyết tâm cống hiến cho xã hội.

Chia sẻ về những đóng góp của mình đối với MTTQ, luật sư Trương Thị Hòa tự nhận thấy thành quả lớn nhất của bà là gần gũi với mọi người, mọi giới, mọi tôn giáo và được mọi người yêu quý gọi là “luật sư của người nghèo”. Bà coi niềm tin yêu của nhân dân chính là lời nhắc nhở để bà làm tốt hơn, đến gần hơn nữa với mọi tầng lớp nhân dân, để giúp dân hiểu hơn về chính quyền, chính sách của Nhà nước.

Bà trải lòng: “Người dân tin tưởng vào chính quyền, chính quyền tin tưởng vào sức mạnh, những đóng góp của người dân và giúp dân giải quyết những khó khăn, khi đó sẽ hình thành nên khối đoàn kết dân tộc. Nhưng phải gần dân, sát dân thì mới hiểu dân và được dân tin. Điều đó phải thể hiện ở tấm lòng chứ không phải chỉ hình thức. Tâm niệm của tôi là con người bình đẳng, tràn đầy tình thương và có trách nhiệm với nhau”.

Thu Lê

Kỳ cuối: Đại đoàn kết sẽ đưa TPHCM vươn cao

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI