90 năm ra đời, biết bao thế hệ đã gắn bó, cống hiến để tổ chức Hội LHPN Việt Nam phát triển như ngày hôm nay, trong đó rất nhiều gia đình với nhiều thế hệ mẹ, con rồi đến cháu nối tiếp nhau phụng sự. Lại có những gia đình, mẹ chồng trên đường công tác kiếm được nàng dâu, để rồi người xa lạ lại cùng chung lẽ sống
|
Chén cơm đầy sớt cho người một nửa
Dì Nguyễn Thị Đông, 61 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 7, P.Tân Hưng Thuận, Q.12, bê chú heo đất đặt lên bàn ăn. Ngày cuối tuần, con, cháu, dâu, rể của dì gần 20 người quay quần về đại gia đình rồi lần lượt bỏ ống heo những tờ 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng. Đã thành nếp, mỗi năm dì Đông lại “nuôi” một con heo đất theo cách ấy, cộng với tiền hỗ trợ công tác và chắt chiu hằng ngày của dì, để mỗi khi có chị em hay học sinh nào khó khăn là dì “rút ống”.
Tới lượt con gái út Nguyễn Thị Quỳnh Như bỏ ống, dì Đông hỏi: “Con coi tuần sau nấu món ngon cho chị Ngân, chị Chính”. Ngẫm nghĩ một hồi, Như gợi ý các món cá lóc kho tiêu, canh chua cá điêu hồng và đậu cô ve xào. Dì Đông nheo mắt cười, gật đầu. Chuyện cơm rau cho mình, để dành cơm thịt cho người, dì Đông làm nhiều năm nay. Mỗi tháng vài ngày, cứ nhà ăn món gì thì dì lại mang cho chị em phụ nữ khuyết tật, người già neo đơn món đó. Dì đi chợ, nấu nướng, bới vô cà mèn rồi bảo Như chở tới từng nhà. Đến giờ, khi đã là Chủ tịch Hội LHPN P.Tân Hưng Thuận, lập gia đình, ra ở riêng nhưng Như vẫn đều đặn về nhà phụ mẹ nấu nướng rồi chở mẹ đi như ngày còn son rỗi.
|
Dì Đông và con gái út Quỳnh Như đang từng ngày lo việc Hội |
“Ba tôi mất sớm, năm ông 35 tuổi, còn mẹ 33, sáu đứa con nheo nhóc, một mình mẹ gánh hết. Mùa nắng mẹ trồng bắp, mùa mưa trồng rau muống chở ra chợ bán, nuôi gà, heo, bò sữa… Nhờ sự nhọc nhằn của mẹ mà chị em tôi được no ấm, được học hành để ngày nay có công việc ổn định. Tôi mới làm công tác Hội từ năm 2016, còn mẹ đã bám cơ sở 20 năm. Mẹ nói, tiếp xúc nhiều với chị em đã khiến mẹ thấy lại mình của những năm tháng chông gai, nên nếu có chén cơm đầy thì mẹ muốn sớt đi một nửa. Đi đâu mẹ cũng quan sát, lắng nghe coi nhà này có dột, có ngập không; nhà kia có phương tiện làm ăn hiệu quả chưa; cô bác ấy có con cháu tới lui thăm nom không; em học sinh nào hoàn cảnh khó quá” - chị Quỳnh Như bộc bạch.
Mẹ ở khu phố, con gái quán xuyến việc Hội của cả phường, gắn kết nhau không chỉ vì tình thân mà còn là tấm lòng kiên định với Hội, với chị em, xóm giềng. Như nhớ, có lần thấy mẹ đăm chiêu cả buổi. Sau đó, bà bàn với chị về chuyện: trên đường DCT2, khu phố 7, P.Tân Hưng Thuận có một bãi rác lớn với đủ thứ vải vụn, chai lọ, hộp xốp. Khu vực thuộc dự án khu dân cư An Sương bỏ hoang đã lâu. Dì Đông rất muốn trao đổi với chủ đất để dọn dẹp và trồng một vườn thuốc nam như sả, trần bì, nha đam, mật gấu lên đó. Con gái chột dạ: “Rác quá chừng, sao mình làm nổi hả mẹ!”. “Đã làm đâu mà biết không nổi” - dì Đông rầy con.
Ý tưởng này đã nhận được sự đồng tình của địa phương và chủ đất nên vào tháng 7/2019, khu vườn thuốc nam hơn 100m2 của Hội LHPN P.Tân Hưng Thuận đã thành hình với sự chung tay của cán bộ, hội viên bảy khu phố. Từ bấy đến nay, mỗi tuần 2-3 ngày, mẹ con dì Đông lại ra khu vườn nhổ cỏ, tưới nước. Bà con, ai nhìn thấy vườn thuốc đều thích thú. “Có một anh bộ đội về hưu, nhà ở gần, đã xung phong trông coi, tưới nước cho khu vườn. Ảnh nói các cô làm được cái này hay thiệt, tôi nghe thấy mát dạ” - dì Đông phấn khởi.
Dì Đông nay đã bước vào tuổi xế chiều, còn Quỳnh Như, 33 tuổi, chuẩn bị sinh bé thứ hai. Hai mẹ con, hai người mẹ và là hai người cán bộ Hội vẫn đang miệt mài cho công tác Hội, góp nhặt từng việc nhỏ để mong thấy được nụ cười của những phụ nữ quanh mình.
Nói được, làm được
Ở tổ 6, khu phố 6, P.Hiệp Phú, Q.9, gia đình dì Phạm Thị Lợi có ba thế hệ nối tiếp nhau đồng hành cùng Hội, bắt đầu là bà ngoại (từ năm 1975), rồi mẹ và nay là con gái. Có lần ghé nhà tôi thấy dì Lợi và con gái út Hồ Thị Kim Ngân, 37 tuổi, đang đi dặn dò các bạn sinh viên, công nhân cẩn thận phòng dịch COVID-19. 30 phòng trọ của gia đình họ sạch sẽ, tinh tươm được cho thuê với giá 1,3 triệu đồng/phòng/tháng. Tết đến họ còn tổ chức tất niên, tặng nhu yếu phẩm, lì xì phong bao cho mọi người. Dịch COVID-19 xảy ra, dì Lợi giảm giá thuê phòng ba tháng liền với mức 100.000 đồng/phòng/tháng trở lên, tùy vào hoàn cảnh của từng gia đình. Dì Lợi chia sẻ: “Trước tôi làm công nhân, sau chuyển qua tổ bảo vệ của Công ty Việt Thắng suốt 30 năm. Làm theo ca, cứ từ công ty về, ăn xong chén cơm là lội xuống ruộng cấy lúa, trồng rau, trồng bắp, nuôi heo, nuôi bò… làm đủ hết. Đoạn trường mình nếm trải rồi nên hiểu tình cảnh các cháu, cái gì chia sẻ được, tôi không tiếc”.
|
Dì Lợi (bìa trái) và cô con gái út Hồ Thị Kim Ngân (thứ hai từ trái qua) dành nhiều quan tâm, hỗ trợ cho người lao động nhập cư |
Trước đây Kim Ngân làm kế toán. Vì dì Lợi là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 6 nên hễ bà tổ chức hoạt động gì vào cuối tuần là Ngân lại đi theo giúp mẹ. Rồi Ngân cảm tình với việc Hội hồi nào không hay. Thế nhưng, khi làm Phó chủ tịch Hội Phụ nữ phường rồi cô mới cảm nhận được sự gian nan, bởi đụng vào cái gì cũng khó khăn, bỡ ngỡ. Để nắm bắt được điều kiện, hoàn cảnh, tâm tư hội viên, Ngân phải đi cơ sở thật nhiều, trong khi con còn nhỏ. Thực tế ấy khiến cô nhiều lúc… thấy nản. Nhưng mỗi khi như thế mẹ cô lại động viên: đã nhận thì nhất quyết phải làm cho được.
Mẹ của dì Lợi - bà ngoại Kim Ngân là cụ Phạm Thị Vinh. Trong hai cuộc kháng chiến, cụ Vinh từng là cơ sở bí mật của cách mạng, giai đoạn từ 1960-1973 hai lần cụ bị dịch bắt, giam cầm. Sau ngày thống nhất đất nước, cụ Vinh làm Hội trưởng Phụ nữ xã Tăng Nhơn Phú, H.Thủ Đức (cũ). Cụ mất năm 1994. Những tháng cuối đời, bệnh tình khiến cụ phải nằm một chỗ, nhưng cụ vẫn lo chuyện Hội và tiếc mình không thể gắn bó lâu hơn để lo được nhiều hơn cho chị em. Thương cụ, dì Lợi hứa sau này sẽ tiếp bước việc cụ đã làm và dì đã tham gia chi hội, rồi làm chi hội trưởng sau khi nghỉ hưu.
Mẫn Nhi