Góp nhặt thương yêu - Tóc mai sợi vắn sợi dài

10/10/2021 - 07:06

PNO - Câu hát cũ “Tóc mai sợi vắn sợi dài/ Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm” tôi hay ngâm nga, ai mà biết được, có lúc lấy nhau đặng rồi mà tóc mai cũng sợi vắn sợi dài.

Bớt giãn cách, lác đác tiệm hớt tóc đã mở nhưng cánh đàn ông Sài Gòn đang dần thành “nghệ sĩ”. Không phải ông nào cũng “xăm mình” ra tiệm vì nguy cơ dịch bệnh vẫn còn. Tiếp tục làm “nghệ sĩ” cũng hay nhưng hơi ngứa với những ai quen cắt tóc ngắn, nhất là các bà vợ luôn thấy “ngứa mắt” khi chồng cứ đi ra đi vô hất tóc, thở dài, ngắm mây, soi gió. 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock SHUTTESTOCK
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock 

Những ông không để tâm lắm đến dáng vẻ thì còn đỡ; với những ông chỉn chu ăn mặc, tóc tai phải có tiệm quen, có người hiểu rành chăm sóc mới khổ thật sự khi thấy mình trong gương mỗi ngày sao mỗi khác. Các ông thấy mình già đi, đầu bờm xờm, mất hết phong độ, hào hoa vốn là niềm tự hào lâu nay.

Dáng vẻ này mà cô nhân viên hay đối tác thấy thì chắc xỉu mất. Nỗi khổ thầm kín ấy cũng không dễ tỏ bày, khi đời sống ngổn ngang bao việc phải lo, ai cũng có đầy bất an. Vậy nên nỗi khổ cứ rêm rêm, ngang ngang trong dạ.

Đó là ông bạn tôi nói vậy thì tôi biết vậy. Phần tôi, tóc tai sao cũng được, miễn đừng phủ mắt không thấy đường, đừng đâm vào tai ngứa ngáy. Tóc mai sợi vắn sợi dài đã sao; đời có biết bao chuyện éo le còn hơn vài cọng tóc, vậy mà đời vẫn cứ trôi.

Thế nhưng vợ tôi không nghĩ vậy. Tóc mai vắn dài không đâm tai tôi mà “đâm” vào mắt nàng. Một buổi sáng, nàng dịu dàng: “Anh, ngồi xuống đây”. Nắng xiên sân nhà, mấy dây leo cũng xanh lắm nhưng thời dịch giã mà nàng còn có hứng thú rủ tôi trà sáng ngắm nắng sao?

Không phải, nàng rút ra chiếc tông đơ cầm tay nàng đặt trên mạng lúc nào tôi chẳng biết. “Ủa, cắt tóc hả? Tóc anh chưa dài lắm mà, đợi hết giãn cách đi”, thấy mặt nàng nghiêm trọng, tôi rụt rè hỏi: “Mà em có biết hớt không?”. Nàng thở dài: “Tóc anh dài lắm rồi, em nhìn thấy khó chịu lắm”. Thôi thì nhắm mắt đưa chân, à, đưa đầu.

Nàng lấy tông đơ lắp đầu ngắn, đầu dài, cũng quét tóc, lấy lược này nọ… Sân nhà không có gương soi, tôi không biết nàng thi triển năng lực tới đâu. Rồi cũng đến lúc… không xong. Nàng la lên: “Sao em hớt hoài mà nó không đều? Đầu anh… bị gì rồi. Thôi, em chơi cách cuối đây”.

Bạn biết đấy, giải pháp cuối luôn là cái gì đó sát rạt, tới bến, một mất một còn. Nàng không cần đầu tông đơ gì nữa. Nàng để lưỡi cắt đi sát da đầu, vài phút là xong.

“Xong rồi đó, gọn gàng hẳn”, nàng nói. Tôi phóng vào nhà tắm để xem thành quả. Đúng là vậy, không còn tóc mai sợi vắn sợi dài nữa vì tôi… không còn tóc mai, thậm chí không còn tóc nói chung. Đầu tôi như một con virus Corona khổng lồ, chỉ là các gai hơi ngắn.

Tôi bước ra sân, gió thổi bay mấy lọn tóc dưới chân, gió miết lên da đầu mát mát. Tôi nói: “Tóc em cũng dài rồi đấy, để anh…”. “Không. Em đợi hết giãn cách, phải có cái gì để hy vọng điều đẹp đẽ chứ. Anh đụng vô là hết hy vọng” - nàng la thảng thốt. Rồi nàng nhìn tôi cười nắc nẻ, có vẻ nàng vui với thành quả của mình. Cũng xong một buổi sáng rộn ràng mùa im vắng.

Khi bình tâm hơn, tôi chợt nghĩ ra điều thú vị. Tôi hỏi: “Cái tông đơ em để đâu? Cho anh mượn ít ngày nhé”. Nàng ngạc nhiên hỏi để làm gì. Tôi cười bí mật. Tôi sẽ chuyển cái tông đơ ấy cho vợ mấy người bạn thân của mình, nhất là anh chàng đỏm dáng, ưa chải chuốt đầu tóc nhưng vẫn chưa dám ra tiệm.

Tôi hình dung một bữa gặp nhau, tất cả đều có chung một kiểu tóc vì bà vợ nào cũng hay “ngứa mắt” và thích sự gọn gàng. Hạnh phúc không phải là nhìn nhau mà là nhìn đầu tóc của mấy thằng bạn cũng y chang như mình, tất cả cùng cười. 

Phan Thành

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI