Mầm xanh sẽ nảy
Không khí oi bức đã dịu đi khi chúng tôi đặt chân đến khu du lịch sinh thái Vàm Sát. Bác tài xế xe điện hối chúng tôi nhanh chân lên xe để di chuyển sâu vào rừng, vì mặt trời càng lên cao thì không khí sẽ càng khó chịu. Những cây đước, cây vẹt và quần thể thực vật 2 bên đường vẫn còn vàng úa sau mùa nắng hạn kéo dài. Nghe mọi người xì xào “tưởng xuống với rừng sẽ mát hơn trên thành phố…”, bác tài xế phân trần: “May là sáng nay có cơn mưa nhẹ nên trời bớt oi”.
Xe điện dừng lại ở tiểu khu 15A, vị trí sẽ trồng cây. Mọi người cởi giày dép, xắn quần, sẵn sàng lội xuống bùn… Anh Lê Xuân Hùng - Phó giám đốc khu du lịch - giới thiệu về quả đước và hướng dẫn mọi người cách trồng: “Chúng ta sẽ cắm khoảng 1/3 quả đước xuống đất và đưa cái đọt của nó hướng lên. Khoảng cách giữa cây này và cây kia là 6 tấc, 4 cây là 16 tấc vuông”.
Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh Hùng với lấy nhành đước đang đong đưa trên đầu rồi giải thích: “Đây là trái đước còn nhỏ. Còn trái đước mọi người đang cầm trên tay là trái đã chín và rụng xuống. Để có những trái đước này, khi đước rụng, chúng tôi đã thu lượm và bảo quản ở nơi ẩm ướt để chúng không bị khô, khi trồng mới nảy mầm được”.
Chúng tôi theo anh Hùng trên những con đường mòn bùn nhão để đến nơi có thể bắt đầu góp thêm màu xanh cho “lá phổi” của thành phố. Dưới cái nắng chói chang, bùn đất kết chặt khiến việc cắm những trái đước xuống trở nên không dễ dàng.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất mũi cực nam Tổ quốc, chị Bùi Thị Trang Thư - đoàn viên Chi đoàn Báo Phụ nữ TPHCM - không lạ gì cây đước, loại cây của rừng ngập mặn. Nhưng đây là lần đầu tiên Thư lội xuống sình, tự tay cắm trái đước xuống đất với hy vọng, ngày bạn trở lại, những mầm xanh sẽ vươn lên.
Chị Thư tâm sự: “Trên đường vào đây, tôi đã thấy vài mảng xanh có dấu hiệu héo úa, có lẽ vì trải qua mùa khô quá dài. Nhưng đi sâu vào rừng, chúng ta có thể cảm nhận rõ cái mát lạnh của gió rừng và bóng cây. Điều này khiến tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình đến đây để góp một phần công sức phủ xanh rừng. Hy vọng việc làm nhỏ nhặt này sẽ lan tỏa rộng rãi hơn, để mọi người cùng chung tay gây rừng, giữ gìn và khôi phục thiên nhiên xanh”.
|
Hơn 1.200 cây đước được trồng tại rừng sinh thái Cần Giờ nhằm kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 49 năm ngày Báo Phụ nữ TPHCM ra số đầu tiên - ẢNH: PHÙNG HUY |
Cùng cảm nhận đó của chị Trang Thư, anh Nguyễn Thành Lâm - Phó bí thư Chi đoàn Báo Phụ nữ TPHCM - chia sẻ, trước nay, anh đã được nghe, biết về nhiều dự án trồng rừng thông qua báo, đài, mạng xã hội. Nhưng đây là lần đầu tiên anh tham gia trồng rừng, cũng là lần đầu tiên biết về kỹ thuật trồng đước và trực tiếp trồng chúng.
Theo anh Lâm, các công đoạn trồng đước khá đơn giản. Nhưng để từ những quả đước trở thành rừng, hẳn mất nhiều thời gian. Chính điều đó khiến nhiều người mặc định trồng rừng là việc gì đó to tát, đôi khi khó thực hiện ở phạm vi cá nhân. Nhưng anh tin rằng, những gì to lớn đều xuất phát từ những hành động nhỏ bé. Việc dành một chút thời gian rảnh rỗi trong dịp cuối tuần, cộng với nhiều người cùng hưởng ứng, sẽ tạo ra những điều có giá trị lớn lao.
“Đước được mệnh danh là “dũng sĩ bảo vệ bờ biển”. Vì thế, khi số lượng “dũng sĩ” càng nhiều, chắc chắn cuộc sống của chúng ta được bảo vệ tốt hơn. Không khí trong lành, hệ động thực vật phong phú dưới những tán rừng mang lại cảm giác yên bình. Tôi hy vọng không riêng đước mà nhiều cánh rừng khác cũng được gầy dựng trên khắp đất nước và những dự án trồng rừng sẽ phát triển nhiều hơn nữa trong tương lai, đặc biệt tạo điều kiện cho người trẻ, thanh niên tham gia vì đây là thế hệ nối tiếp trong việc bảo vệ, phát triển rừng” - anh Lâm bộc bạch.
Đông tay sẽ vỗ nên kêu
Cách đây 65 năm, ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo kêu gọi toàn dân hưởng ứng tháng trồng cây. Người chỉ rõ, “việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”, làm cho “nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn, góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Theo Bác, đó cũng là “một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão đến các cháu nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”.
Năm nay, để kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), cũng là kỷ niệm 49 năm ngày thành lập Báo Phụ nữ TPHCM (19/5/1975 - 19/5/2024), Báo Phụ nữ TPHCM không tổ chức lễ họp mặt tại cơ quan như thường lệ mà tổ chức chương trình “Chung tay vì thành phố xanh” để tất cả cán bộ, phóng viên, nhân viên cùng tham gia trồng rừng. Hơn 1.200 trái đước đã được tập thể Báo Phụ nữ TPHCM cắm xuống rừng ngập mặn Cần Giờ trong ngày cuối tuần.
|
Tập thể Báo Phụ nữ TPHCM cùng các đại biểu khách mời chụp ảnh lưu niệm ở khu đất vừa cắm hơn 1.200 trái đước - ẢNH: PHÙNG HUY |
Chia sẻ về ý tưởng này, bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - cho biết, trước đây, biết tới rừng Sác, bà cứ nghĩ đây là rừng tự nhiên. Rừng có rồi thì cứ thế mà sinh sôi, phát triển. Sau này, đọc nhiều bài báo, bà biết rằng để có những cánh rừng xanh hôm nay, đội ngũ cán bộ nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ ngoài việc giữ rừng còn phải thực hiện những dự án trồng rừng, cải tạo, tái sinh, theo dõi diễn biến rừng…
Bà Lý Việt Trung nói: “Hiểu được rừng không phải tự nhiên phát triển mà phải có bàn tay con người, nên nhân dịp đặc biệt này, anh chị em Báo Phụ nữ TPHCM cùng nhau tham gia hoạt động trồng rừng. Trải nghiệm hoạt động này, tôi thấy xúc động và cảm nhận được ý nghĩa khi vừa góp phần bảo vệ mảng xanh của thành phố, vừa chung tay cùng với thành phố thực hiện chương trình “Trồng cây đời đời nhớ ơn Bác”.
Tham gia hoạt động với Báo Phụ nữ TPHCM, bà Hàng Thị Thu Nga - Phó bí thư Đảng ủy khối Dân - Chính - Đảng TPHCM - chia sẻ, khi cảm nhận rõ thời tiết đã thay đổi như thế nào ở TPHCM cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, mới thấy việc trồng cây, gây rừng càng trở nên ý nghĩa. “Chúng ta không dám nói điều gì quá lớn lao nhưng chắc chắn “đông tay sẽ vỗ nên kêu”. Tôi tin rằng, với tinh thần ấy, Báo Phụ nữ TPHCM đang xây dựng một tập thể đoàn kết, gắn bó cùng nhau, phát triển tờ báo ngày càng lớn mạnh để kỷ niệm 49 năm ra số báo đầu tiên và hướng đến kỷ niệm 50 năm thành lập báo diễn ra vào năm 2025. Tôi cũng hy vọng rằng những hoạt động ý nghĩa như thế này sẽ tiếp tục phát huy không chỉ ở Báo Phụ nữ TPHCM mà còn lan tỏa đến những đơn vị khác trong Đảng bộ khối Dân - Chính - Đảng của chúng ta” - bà Hàng Thị Thu Nga gửi gắm.
Thu Lê