Đàn ông Sao Hoả - đàn bà Sao Kim

Gộp chung thu nhập hay tiền ai nấy giữ?

16/03/2023 - 06:04

PNO - Không thể xem việc gộp chung thu nhập hay giữ tiền riêng là minh chứng gia đình hạnh phúc hay có vấn đề.

Bữa cà phê trà sữa hôm đó bỗng trở nên sôi nổi khi cuộc trò chuyện chuyển sang chủ đề đàn ông giữ tiền. Hà - cô bạn trẻ tuổi nhất nhóm - vô tình tiết lộ chuyện vợ chồng cô mạnh ai nấy giữ thu nhập riêng, cũng không ai biết được thu nhập chính xác của người kia.

Chồng Hà làm 2 “job”. Hà cũng không kém cạnh khi ngoài việc chính ở công ty, cô còn nhận sổ sách kế toán, báo cáo thuế về nhà làm thêm. Ngay từ sau khi cưới, họ thống nhất mỗi tháng 2 người góp chung một khoản để nuôi con và chi tiêu cho những khoản sinh hoạt chung. Họ vẫn dùng khoản thu nhập chung để mua nhà, mua xe, cho con học trường tốt.

Dù vậy, tiết lộ của Hà vẫn khiến các chị U50 trong nhóm nhảy nhổm. 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Với họ, cách quản lý tài chính trong gia đình cô bé 9X đời đầu này có gì đó không ổn. Làm vậy khác gì không tin tưởng nhau, vợ chồng mà tính toán sòng phẳng, rạch ròi như thế khác gì người dưng ở chung nhà.

Hà không phải trường hợp duy nhất tôi biết có thu nhập tách bạch riêng với chồng. Tiên - cô em họ tôi - cũng thế. Tuy nhiên, gia đình Tiên có lý do riêng. Tiên nghe bạn bè rủ rê, tập tành chơi cổ phiếu, bị thua một vố khá nặng. Chồng Tiên giận dữ đòi quản lý hết tiền bạc trong nhà. Lấy lý do lúc cô bán cổ phiếu có lãi thì anh không nói gì nhưng khi cô thua thì chồng làm căng, Tiên chỉ đồng ý tiền ai nấy giữ.

Mỗi tháng, chồng chuyển cho Tiên một khoản cố định tương đương một nửa chi phí sinh hoạt chung trong nhà: tiền chợ, điện nước, internet, học phí cho con, tiền hiếu hỉ 2 bên… Còn thì Tiên không được biết thu nhập thực sự của chồng là bao nhiêu nữa và ngược lại. Họ hài lòng với cách phân chia rạch ròi như vậy, nhưng ba mẹ cũng như bạn bè 2 bên cho cách sống vậy là thiếu tình cảm.

Thành công cùng hưởng, thất bại cùng chia. Cớ gì sau một vài sự cố, vợ chồng bỗng như 2 người xa lạ. Nhiều người cho rằng: trừ mấy ông đàn ông kiểu truyền thống, mấy ông xuề xòa không đặt nặng chuyện tiền nong hoặc mấy ông sự nghiệp làng nhàng, thu nhập trung bình mới có thể giao cho vợ giữ tay hòm chìa khóa trong nhà mà không nghĩ ngợi gì; chứ đàn ông thanh niên thời buổi này tinh vi lắm. Thu nhập trong ngoài, quỹ đen quỹ đỏ đủ kiểu, không dễ quản như thời của bà, của mẹ mình ngày trước. 

Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto

Đàn ông bây giờ đâu đơn giản. Chỉ cần có chút địa vị, tiền bạc trong tay là các ông thành cao thủ. Bà vợ nào có suy nghĩ giữ hết tiền để các ông không có điều kiện léng phéng ở ngoài là sai lầm. Thời nay, phụ nữ làm ra tiền không thiếu, nhiều ông ra ngoài “ăn chả” mà chẳng mất gì nếu gặp phải phụ nữ “yêu anh vì đó là anh” chứ chẳng phải vì cái túi tiền của các anh.

Chưa kể, đàn ông đã “gian” thì chẳng ai kiểm soát được. Một khi các ông đã muốn thì sẽ có trăm phương ngàn kế để luồn lách. Làm chủ được trái tim các ông, mặc nhiên phụ nữ sẽ nắm được túi tiền của họ hay sẽ khiến họ tự nguyện dâng nạp mà chẳng cần phải nhọc nhằn.

Tiền ai nấy giữ cũng có cái lợi đáng kể là ai cũng có thể giúp người thân của mình khi cần mà không sợ ảnh hưởng đến người kia. Họ có thể chủ động tiêu xài theo cách mình muốn. Tình huống xấu nhất, lỡ 2 người có ly hôn thì mỗi bên đều có khả năng tự chủ về tài chính.

Thế nên, không thể xem việc gộp chung thu nhập hay giữ tiền riêng là minh chứng gia đình hạnh phúc hay có vấn đề.

Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto

Biết là vậy, nhưng bên ly trà sữa, nhiều chị em vẫn thở dài, rồi kể cho nhau nghe chuyện một ngàn chín trăm hồi đó, cái hồi mà ông ngoại, ông nội có bao nhiêu tiền đưa hết cho vợ, cái hồi mà ba mình đi làm về là nộp lương cho má. Bây giờ đến hồi của mình, có bà cho biết thu nhập của ông xã hơn 40 triệu đồng mà ổng góp có 15 triệu hà, có bà ngậm ngùi không biết ổng có nhiêu tiền mà nói miết ổng mới chịu đóng góp. 

Nguyễn Yến Nhi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI