Chúng ta đang sống những ngày rất lạ - vừa lo lắng nguy cơ bệnh dịch, vừa chộn rộn niềm tin khi chứng kiến những ngọn lửa lung linh của tình yêu thương và trách nhiệm.
Vào thời điểm Chính phủ khuyến cáo người dân cố gắng ở yên trong nhà để phòng dịch COVID-19, bạn bè tôi đa số chuyển sang làm việc online nên số giờ lướt mạng xã hội và đọc báo cũng tăng vọt. Những con số đếm ca nhiễm mới làm họ mỏi mệt. Nhiều cảm xúc hỗn độn từ thông tin dịch bệnh khiến họ rơi vào tâm lý hốt hoảng.
Rồi ai đó đã tìm ra giải pháp. Cũng là đếm nhưng với mỗi con số, mỗi dòng tin là một dòng năng lượng tích cực. Niềm vui cứ thế tăng theo các con số.
|
Những chiếc bánh mì dinh dưỡng chứa nhiều thực phẩm tốt cho sức khỏe như hạt óc chó, nho khô, phô mai, khoai lang Nhật, sấu dẻo và mè đen được ông Kao Siêu Lực dành tặng riêng cho các y tá, bác sĩ ở tuyến đầu |
Đinh Nga - một mẹ bỉm sữa ở Q.Tân Bình, TP.HCM đã ba ngày liên tiếp “đăng đàn” kêu gọi mọi người tặng khẩu trang y tế cho bác sĩ. Cô sẽ gom và chuyển tới các bệnh viện.
Bà mẹ này cũng dùng các con số trong lời hiệu triệu giản đơn: "Các bạn cứ thử nghĩ xem, chỉ riêng các khu cách ly mỗi ngày một người được phát hai cái; tình nguyện viên, bác sĩ, nhân viên y tế tại đây cũng hai cái… tạo thành số tiêu thụ khẩu trang khổng lồ. Nhưng họ không thể dùng khẩu trang vải và giặt mỗi ngày. Họ không thể nhưng chúng ta có thể. Xà phòng và ánh nắng mặt trời tiêu chết 8.000 đời vi-rút đó; khẩu trang vải thì rẻ, thích dày có dày, thích màu nào có màu đó, siêu đẹp, mỗi ngày hai cái về thay ra giặt vò 30 giây phơi lên là được".
Đinh Nga không đơn độc. Hàng loạt bà mẹ bỉm sữa cả nước đang hòa trong trào lưu tiết kiệm khẩu trang, trước cả thời điểm Bộ Y tế kêu gọi dành khẩu trang cho lực lượng y tế vào ngày 24/3.
Tôi nghĩ, muốn tiết kiệm khẩu trang y tế, muốn huy động khẩu trang trong toàn dân, phải vận động từ những người phụ nữ vì chính họ là những người xuất tiền để sắm khẩu trang. Họ chính là người hướng dẫn và điều tiết việc sử dụng khẩu trang trong gia đình. Hy vọng sẽ có một lượng thật lớn khẩu trang y tế được tiết kiệm để chuyển cho nhân viên y tế.
|
“Hãy chiến đấu mạnh mẽ, về nhà an toàn các anh chị nhé” là một trong 300 lời nhắn mỗi ngày được chuyển đến các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương qua những ly cà phê |
Một tuần nay, cứ mỗi sáng, các nhân viên y tế và bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh, Hà Nội) lại nhận những ly cà phê đặc biệt. Sau một đêm trực dài, cầm ly cà phê nóng với dòng chữ động viên từ khắp các miền Tổ quốc trên tay, nhiều bác sĩ nghẹn ngào. Đây là món quà từ chị Kiều Oanh, một doanh nhân kinh doanh chuỗi quán cà phê. Chị dự tính tặng cà phê cho các bác sĩ suốt một tháng với tổng số 10.000 ly. Mỗi tối, nhân viên của chị sẽ chép lời nhắn gửi của khách hàng cả nước lên thân 300 ly cà phê và mỗi sáng sẽ pha thật sớm, để kịp mang tới bệnh viện.
Một người nội trợ, chị Nguyễn Trang, chăm chút 26 cái bánh kem mang tới tận nơi gửi cho các bác sĩ bệnh viện này. Trong năm ngày liên tiếp, một tiểu thương khác mỗi ngày nấu 120 suất cơm dinh dưỡng rồi tự tay mang tặng các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương…
Cũng không thể không nhắc tới một người đàn ông chu đáo khác: ông Kao Siêu Lực, doanh nhân Sài Gòn, từng ra lò món bánh mì thanh long để giải cứu nông sản. Ông Lực đã tính toán để làm sao chỉ một ổ bánh mì là đủ cung cấp dinh dưỡng của cả một bữa ăn cho bác sĩ khi họ không có nhiều thời gian để ăn uống. Ông Kao Siêu Lực sẽ tặng 3.000 ổ bánh mì dinh dưỡng (mỗi ổ trị giá 75.000 đồng) cho các bác sĩ tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM và kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay góp sức để ông có thể làm nhiều bánh mì hơn nữa tặng ngành y tế
|
Số rau cải ngọt ước tính khoảng 2 tấn, được anh Sơn đóng vào các túi bóng, tự tay lái ô tô chở ra bến xe |
Nếu nhìn sang Vũ Hán hay Italia, nơi các bác sĩ kiệt sức vì sự quá tải và phải làm việc, ăn ngủ trong điều kiện thiếu thốn, sự chăm sóc cụ thể và chu đáo như thế này cần được nhân lên nhiều nữa.
Sau khi biết bộ đội Biên phòng Đồng Hới phải trải chiếu nằm đất, nhường giường cho người cách ly về từ Lào, Thái Lan… chị Nguyễn Thị Thu Liễu tại TP.HCM đã lên mạng kêu gọi và chỉ trong thời gian ngắn đã quyên góp được hơn 50 triệu đồng mua 200 tấm nệm tặng cho bộ đội. Vợ chồng anh Đào Ngọc Sơn - chủ trang trại rau sạch ở Lai Châu - tự tay thu hoạch 2 tấn rau, nhờ chở về Hà Nội giao cho người dân các khu cách ly Hà Nội với suy nghĩ “tôi không có tiền thì tôi ủng hộ rau sạch”.
Góp gió thành bão, làn sóng tiếp sức tuyến đầu chống dịch mỗi lúc thêm lớn rộng. Tinh thần thiện nguyện ở khắp nơi, ấm lòng không chỉ những người đang bận rộn trong cuộc chiến chống dịch mà cứu rỗi cả những người “ngồi yên” và theo dõi như tôi.
Những chia sẻ, đồng hành, đồng lòng của người người nhà nhà khiến những cơn sợ hãi hoang mang trong mùa dịch loãng dần, loãng dần…
T. Minh