Google hỗ trợ xử lý ô nhiễm chất thải nhựa trên sông Mê Kông

28/04/2021 - 20:42

PNO - Với sự hỗ trợ tư vấn kỹ thuật từ Google, Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) sẽ xây dựng và triển khai một mô hình học máy mới, có khả năng đưa ra báo cáo chi tiết và chính xác về tình trạng ô nhiễm do chất thải nhựa gây ra trên sông.

Dự án có tên CounterMEASURE dự kiến sẽ cung cấp nhiều thông tin chi tiết và chính xác hơn về thực trạng ô nhiễm chất thải nhựa trong dòng chảy của sông Mekong qua các nước Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Việc vứt rác bừa bãi khiến sông Mê Kông  trở thành một trong mười con sông ô nhiễm nhất thế giới - Ảnh: Mekong Eye
Việc vứt rác bừa bãi khiến sông Mê Kông trở thành một trong mười con sông ô nhiễm nhất thế giới - Ảnh: Mekong Eye

“Vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa đòi hỏi phải có các giải pháp sáng tạo để xử lý. Dự án CounterMEASURE đã triển khai một loạt các công nghệ hiện đại, giúp lập ra bản đồ ô nhiễm chất thải nhựa trên các con sông. Với sự hỗ trợ của Google, chúng tôi có thể cải thiện chi tiết và độ chính xác của công việc này, từ đó đưa ra những hướng dẫn cần thiết giúp các chính quyền địa phương và quốc gia xử lý hiệu quả tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa trên các con sông”, Dechen Tsering - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNEP chia sẻ. Tsering cũng cho biết thêm, một trong những thách thức lớn nhất trong việc xử lý ô nhiễm chất thải nhựa là xác định chính xác chất thải này xâm nhập hay “rò rỉ” vào các vùng nước theo cách nào.

Tiếp nối những nỗ lực về cải thiện môi trường từ năm 2019 đến năm 2020, dự án CounterMEASURE - với sự hỗ trợ của Trung tâm Địa tin học (GIC) thuộc Viện Công nghệ châu Á - đã phát triển các kỹ thuật phân tích sự rò rỉ của chất thải nhựa vào sông Mekong bằng cách sử dụng các dữ liệu không gian địa lý và hình ảnh của rác thải nhựa do các nhà nghiên cứu và tình nguyện viên cung cấp. Mô hình học máy mới do UNEP, Google và GIC phát triển sẽ bổ sung vào những nỗ lực này, tạo ra một công cụ có khả năng đem lại “một bức tranh chi tiết và chính xác hơn” về tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa trên sông Mê Kông và các sông xa hơn.

Cụ thể, các nhà khoa học sẽ tăng cường sử dụng các thuật toán để phân tích các hình ảnh có chú thích, do cộng đồng cung cấp, kết hợp với mô hình máy học, từ đó lập ra bản đồ những “điểm nóng” có rò rỉ chất thải nhựa. Các chính quyền địa phương và quốc gia có thể sử dụng bản đồ này để xây dựng các chương trình, giải pháp và trang bị các nguồn lực cần thiết nhằm ngăn chất thải nhựa rò rỉ vào nước sông.

“Chúng ta cần phải có những giải pháp có chất lượng cao, có thể triển khai trên diện rộng để xử lý vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, nhất là ở những khu vực có nguy cơ rò rỉ chất thải nhựa ra đại dương cao. Và công nghệ là yếu tố quan trọng hàng đầu để xây dựng các giải pháp này. Chúng tôi rất phấn khởi khi được hỗ trợ UNEP trong việc phát triển một mô hình máy học có khả năng phát hiện ô nhiễm từ chất thải nhựa trên đường phố và dọc theo các bờ sông.

Với sự ảnh hưởng của UNEP, chúng tôi tin rằng các chính quyền địa phương sẽ thực hiện một số hành động nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng rò rỉ chất thải nhựa, và chúng tôi có thể nhân rộng giải pháp này ra toàn cầu”, Phó chủ tịch Google - Emmanuel Sauquet, chia sẻ.

Ước tính, các con sông trên thế giới hiện đang vận chuyển hàng triệu tấn chất thải nhựa vào các đại dương mỗi năm, với khoảng 95% lượng chất thải nhựa này có nguồn gốc từ 10 con sông, trong đó có 8 con sông ở châu Á. Và trong 8 con sông này có Mê Kông và sông Hằng vốn là “nguồn huyết mạch” của hàng trăm triệu dân ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ.

Nhất Nguyên (theo Channel Asia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI