Gồng mình duy trì những quán cơm 0 đồng thời “bão giá”

14/06/2022 - 06:24

PNO - “Quán cơm 0 đồng là cứu tinh của người nghèo tụi tui trong thời bão giá” - tài xế xe ôm Nguyễn Đình Uy nói. Hiện ở TPHCM, vật giá tăng cao khiến lượng người tìm đến các quán cơm 0 đồng ngày một đông hơn và cũng khiến việc duy trì hoạt động của các quán cơm này càng khó khăn hơn.

Nơi người nghèo bám víu

10g, chiếc bàn sắt nhỏ đặt trước cửa căn nhà số 207 Nguyễn Văn Đậu, Q.Bình Thạnh đã chất đầy những hộp cơm. Người đàn ông trung niên chạy chiếc Honda Vision tấp vào, đứng xếp hàng chờ tới lượt nhận cơm. Mấy tháng qua, lượng người tìm đến nhà số 207 Nguyễn Văn Đậu để nhận cơm miễn phí ngày càng đông hơn. 

Một người đàn ông đến nhận cơm tại địa chỉ 207 Nguyễn Văn Đậu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Một người đàn ông đến nhận cơm tại địa chỉ 207 Nguyễn Văn Đậu, Q.Bình Thạnh, TPHCM

Tiệm cơm miễn phí của vợ chồng ông bà Trần Văn Hồng (87 tuổi) và Nguyễn Thị My (71 tuổi) bắt đầu hoạt động từ đợt cao điểm dịch COVID-19 năm ngoái và duy trì cho đến tận bây giờ. Mỗi ngày, tiệm phục vụ khoảng 500 suất ăn miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn qua đường và người lao động nghèo. Ai có nhu cầu thì ghé vào lấy các hộp cơm đã được chuẩn bị sẵn, đặt ngăn nắp trên bàn để ăn trưa.

Đón lấy hộp cơm chay miễn phí từ tay cụ Hồng, người đàn ông trung niên hớn hở chạy tới một chỗ có bóng mát gần đó, mở ra ăn ngay. Ông cho biết, mình là Nguyễn Đình Uy, 49 tuổi, làm nghề xe ôm. Hai tháng qua, cứ đến giờ cơm trưa, thay vì ghé quán ăn như trước, ông thường đến đây xếp hàng để nhận cơm chay miễn phí. Ông nói, cực chẳng đã mới đến đây xin cơm để tiết kiệm thêm được chút tiền lo cho con ăn học.

Ông Uy kể: “Ban đầu, thấy tôi còn trẻ, chạy xe tay ga đến xin cơm của hai cụ già, một số người nhìn tôi với ánh mắt rất khinh khi. Nhưng khi biết tôi khó khăn thật sự, ai cũng cảm thông. Vợ chồng cụ Hồng rất tốt bụng, luôn niềm nở mỗi khi tôi đến. Nói thật, chiếc xe máy này là của chị chủ nhà. Chị ấy đổi xe mới nên bán rẻ lại xe này cho vợ chồng tôi với giá 4 triệu đồng, cho trả góp”.

Hiện tại, vợ chồng ông Uy cùng hai con nhỏ thuê phòng trọ trên đường Bình Lợi với giá gần 2 triệu đồng/tháng. Vợ ông Uy làm nghề bán trái cây dạo, còn ông chạy xe ôm truyền thống hơn mười năm qua. Theo ông Uy, nghề xe ôm chưa bao giờ “thảm” như đợt này. Giá xăng liên tục tăng trong khi khách ngày càng ít.

Có hôm, ra đường từ sáng sớm, về nhà lúc tối mịt nhưng sau khi trừ đi chi phí xăng xe, ăn uống, thu nhập của ông Uy chỉ còn hơn 100.000 đồng. Do vậy, ông quyết định đi xin cơm từ thiện để ăn trưa nhằm tiết kiệm thêm tiền lo cho hai con ăn học. “Quán cơm 0 đồng là cứu tinh cho người nghèo tụi tui trong thời bão giá” - ông Uy nói.

9g, dòng người đã xếp hàng chật kín phía trước “Trạm cơm nghĩa tình” ở số 175 Trần Bình Trọng, Q.5 để nhận những suất ăn 0 đồng. Hơn một năm qua, mỗi ngày, trạm cơm này đều đặn phát khoảng 600 phần cơm miễn phí cho người nghèo, bệnh nhân và thân nhân gặp khó khăn ở các bệnh viện. Trong thời buổi vật giá leo thang, lượng người tìm đến trạm cơm đông hơn nên số suất cơm miễn phí không đáp ứng đủ nhu cầu.

Sau gần 15 phút xếp hàng, bà Tạ Thị Xuyến - 52 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi - rạng rỡ khi nhận được hộp cơm có thịt từ Trạm cơm nghĩa tình. Bà Xuyến vừa trở lại TPHCM bán vé số từ đầu năm nay sau một thời gian dài ở quê do dịch COVID-19. Thời gian qua, việc buôn bán của bà không mấy suôn sẻ mà vật giá ngày một tăng cao nên cuộc sống của những người thuê nhà trọ, bán vé số như bà càng chật vật hơn. 

Bà Xuyến kể: “Trước đây, bốn chị em thuê chung phòng chỉ cần góp mỗi người 20.000 đồng là đủ nấu ăn cho hai bữa. Bây giờ, chừng đó tiền chỉ đủ nấu một bữa sơ sài. Trưa nào tôi cũng ra đây xếp hàng xin cơm miễn phí, buổi tối mới góp tiền nấu ăn chung”.

Ngoài số người lao động nghèo đến trạm này ăn cơm miễn phí, hằng ngày, còn có các nhân viên văn phòng đến ăn cơm với giá 10.000 đồng/phần. Linh Hoa - nhân viên một công ty trên đường Trần Bình Trọng, Q.5 - bộc bạch: “Thu nhập của tụi em chưa tới 7 triệu đồng/tháng. Hiện giờ, xung quanh đây người ta bán một phần ăn trưa rẻ nhất cũng 40.000 đồng. Nếu tụi em ăn cơm ở mấy chỗ đó thì tiền lương không còn nhiều để trang trải các chi phí khác”.

Gồng mình để duy trì quán cơm 0 đồng

Người dân xếp hàng trước Trạm cơm nghĩa tình để nhận miễn phí các phần cơm có thịt
Người dân xếp hàng trước Trạm cơm nghĩa tình để nhận miễn phí các phần cơm có thịt

Chị Đỗ Thị Tưởng - Quản lý Trạm cơm nghĩa tình - cho biết, trạm cơm đi vào hoạt động cách đây hơn một năm. Ban đầu, mỗi ngày, trạm cơm dự kiến chỉ phục vụ 200 - 300 phần cơm miễn phí cho các bệnh nhân, thân nhân và người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Dần dà, người tìm đến trạm cơm ngày một đông hơn nên trạm phải mở rộng quy mô phục vụ. Hiện giờ, có ngày, trạm cung cấp đến 1.000 phần ăn, bao gồm phục vụ tại chỗ và chuyển đến các điểm phát cơm trước bệnh viện.

Theo chị, đối với những tiệm cơm thông thường, giữ được giá trong “bão giá” đã là một việc khó. Do đó, việc trạm duy trì được từ vài trăm đến hàng ngàn phần ăn miễn phí mỗi ngày là không hề đơn giản. Chị so sánh: “Từ lúc xăng tăng giá thì cái gì cũng tăng giá theo. Trước đây, để nấu 100 suất cơm, chỉ cần khoảng 1,2 triệu đồng tiền mua nguyên vật liệu. Còn bây giờ, chi phí đã đội lên khoảng 1,7 triệu đồng mà chưa tính gas và các thứ lặt vặt khác”.

Theo chị Tưởng, Trạm cơm nghĩa tình vẫn duy trì được 600 - 1.000 suất cơm miễn phí mỗi ngày trong “bão giá” là nhờ sự chung tay, đồng lòng của mọi người. Nhiều người dân lao động ở Q.5, Q.8 tranh thủ thời gian rảnh vào buổi tối ghé đến nhặt rau, rửa chén; các tài xế xe ba gác hằng ngày vẫn giúp trạm cơm chuyển các suất ăn đến bệnh viện; các tình nguyện viên giúp trạm chuẩn bị những suất ăn.

Chị Tưởng bộc bạch: “Trong thời buổi giá liên tục tăng, người nghèo sẽ càng gặp khó khăn hơn nên chúng tôi sẽ cố gắng giữ cho bằng được Trạm cơm nghĩa tình này để san sẻ một phần khó khăn với họ”.

Mấy tháng qua, anh Trần Phước Hòa (Q.11) cũng chật vật duy trì quán cơm chay Thiên Phước 5.000 đồng trên đường Nguyễn Chí Thanh. Với mong muốn hỗ trợ người có thu nhập thấp, nhiều năm trước, anh Hòa đã mở hệ thống cơm chay Thiên Phước với giá bán 5.000 đồng/suất. Sau nhiều năm hoạt động, hệ thống này chỉ còn một chi nhánh ở số 62 Nguyễn Chí Thanh. Để duy trì quán cơm cho đến nay, hằng tháng, anh phải bỏ tiền túi ra bù lỗ chi phí và được bạn bè giúp đỡ một phần. 

“Khoảng hai năm về trước, giá một bình dầu ăn chỉ hơn 400.000 đồng. Bây giờ, cũng với bình dầu 40 lít như trước, giá đã lên hơn 1,1 triệu đồng. Giá xăng tăng tác động rất rõ đến giá nguyên vật liệu cần cho bữa cơm. Nhưng tôi nghĩ, hơn lúc nào hết, bây giờ là lúc người nghèo đang rất cần mình. Do vậy, tôi chắc chắn sẽ giữ quán cơm 5.000 đồng để đồng hành cùng họ” - anh Hòa nói.

Hôm chúng tôi đến, tiệm cơm 0 đồng của vợ chồng cụ Hồng đón thêm bốn thành viên mới. Đó là các sinh viên của một trường đại học ở Q.Gò Vấp tình nguyện tới phục vụ cho tiệm cơm trong ngày cuối tuần. 

Cụ Hồng phấn khởi: “Ngày nào cũng có nhiều tình nguyện viên đến xin vào phụ vợ tôi nấu cơm. Năm ngoái, khi dịch giã hoành hành, những tiệm cơm 0 đồng như thế này đã giúp nhiều người nghèo vượt qua những ngày gian khó. Hiện tại, vật giá tăng tiếp tục gây khó khăn cho đời sống của người nghèo. Nhưng nếu đoàn kết, đùm bọc nhau thì khó khăn nào chúng ta cũng vượt qua được. Đó cũng là lý do mà vợ tôi dậy nhóm bếp từ 3g sáng để giữ bếp cơm 0 đồng này”. 

 Sơn Vinh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI