Dân chơi Facebook “có nghề” thường đùa: cứ thấy anh nào hay đăng ảnh vợ con hay cô nào suốt ngày khoe hình gia đình hạnh phúc thì chắc chắn gia đình ấy đang… có vấn đề. Nghe qua thì kiểu suy luận đó rất định kiến, nhưng đúng là thực tế có nhiều người mang tâm lý gồng mình chứng tỏ mình đang hạnh phúc.
Chị Hạnh - một nha sĩ có tiếng ở khu Tân Bình (TP.HCM) luôn tự hào về bản thân mình. Chị xinh đẹp, thông minh, thành đạt. Chị tin, với những phẩm chất đó, chị phải thành công về mọi mặt. Khi lấy chồng, chị cũng đặt một hình mẫu tuyệt vời về gia đình. Chị phải có người chồng tốt nhất, những đứa con thông minh nhất và chắc chắn là gia đình chị phải hạnh phúc nhất.
Nhưng ông trời chẳng cho ai hết mọi thứ. Chồng chị vô cùng ích kỷ, thích sống dựa dẫm, nhưng lại hay khoe khoang. Suốt cả chục năm, chị trở thành trụ cột kiếm tiền, nuôi con và phải giấu mọi ấm ức, uất nghẹn trước mặt mọi người. Chẳng những bạn bè, đồng nghiệp ở cơ quan không biết gì về những đau khổ, buồn tủi của chị mà cả người thân, hàng xóm cũng không biết.
Với uy quyền của người nắm kinh tế trong nhà, chị đủ sức buộc anh chồng phải diễn cho tròn vai người chồng tốt. Nghĩa là đi đâu có đồng nghiệp, bạn bè thì phải có đôi, phải nhẹ nhàng chăm sóc nhau, thỉnh thoảng phải ôm eo, vuốt má, nói lời yêu thương… dù ở nhà chị vẫn mắng chồng và có khi cả tuần họ không hề nói với nhau câu nào.
Mọi việc cứ thế diễn ra cho đến ngày anh “trúng quả” vài phi vụ làm ăn. Từ một diễn viên phụ, anh vùng lên chống đối, không muốn làm theo lời đạo diễn nữa. Anh muốn trở thành diễn viên chính, nghĩa là muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, “sống cho mình”, như anh tuyên bố. Anh cặp bồ với một phụ nữ trẻ hơn chị đến chục tuổi, biết dịu ngọt, lả lơi với anh. Vai diễn của anh đã hết. Anh đã xóa phấn son để bước ra. Thế nhưng, dù còn một mình trên sân khấu, chị vẫn cứ cố gắng gồng mình diễn vai hạnh phúc, vì không thể để ai biết mình đã thất bại ra sao trong việc “dạy chồng”.
Mỗi người có cách gồng mình hạnh phúc khác nhau. Bạn học, đồng nghiệp của Hoài dạo gần đây bỗng ngỡ ngàng về cô bạn vốn hiền lành, chân chất. Hoài là dân Mỹ Tho, lên thành phố học, rồi lấy chồng và ở lại thành phố, vẫn luôn được mọi người yêu quý vì tính tình giản dị. Hoài vốn tin tưởng chồng và hạnh phúc của mình, nên cứ sống hồn nhiên, mộc mạc, cho đến khi phát hiện chồng có bồ. Cuộc chiến đấu với tình địch để giữ chồng đã khiến cô thay đổi đến chóng mặt. “Vũ khí để bảo vệ gia đình trước tiên chính là hạnh phúc của mình” - một cô bạn có nhiều kinh nghiệm khuyên Hoài - “Hãy thể hiện với mọi người, nhất là với “kẻ thù”, rằng mình đang rất hạnh phúc”.
Nghe bạn, Hoài chớp mắt biến thành một nữ hoàng thời trang, nữ hoàng du lịch và nhất là nữ hoàng của… gia đình. Thời trước, để trưng bày những gì mình muốn khoe còn khó, chứ thời nay, với sự giúp sức của Facebook, chuyện ấy trở thành “nhỏ như con thỏ”. Mỗi ngày vài tấm hình, những lời có cánh, những câu chuyện ngọt ngào...
|
Ảnh minh họa |
Chỉ cần đầu tư một chút là Facebook của Hoài trở nên lung linh, khiến nhiều người phải ganh tỵ. Nhưng mục đích chính của Hoài đâu phải là những lời khen ngợi của ai mà cô đang nhắm thẳng vào “kẻ thù”. “Phải làm cho nó ghen tức, phải làm cho nó cấu véo chồng em những khi đọc được thông tin về những món quà, những nụ hôn buổi sáng, những bữa cơm đầm ấm bên chồng. Nó mà còn chút lương tâm thì nó sẽ tự rời xa chồng em. Còn nếu nó không có tí lương tâm nào thì chuyện nó dằn xóc chồng em cũng sẽ khiến chúng từ từ xa nhau”.
Bài học của cô bạn gái được Hoài thực hành triệt để, đến mức cô đã thành người khác tự bao giờ. Có người thương Hoài, nhiều người thấy tội nghiệp cô, còn Hoài thì chẳng biết gì nữa, vì còn mãi cuốn theo cuộc chiến giữ chồng.
Gồng mình thể hiện mình hạnh phúc với mọi người cũng là điều tốt, nếu đó là cách mình ám thị để vượt qua và tìm được lối thoát cho chính tâm lý của mình. Thế nhưng, nó sẽ xấu khi mọi chuyện đã đến mức tệ hại, nhưng vì lỡ gồng rồi, chẳng thể buông xuống, thoát ra.
Chán ngán cảnh cha mẹ diễn kịch với nhau trước mắt thiên hạ, thất vọng và mất niềm tin vào hạnh phúc của gia đình, con trai chị Hạnh từng nhiều lần nói với mẹ: “Bỏ đi mẹ! Mẹ ly hôn đi, để được sống cho mình, sống đơn giản và nhẹ nhàng”. Thế nhưng, chị vẫn cứ cố, vì không chịu được ý nghĩ người ta sẽ cười mình, sẽ thương hại mình, sẽ hả hê vì mình thất bại. Chị không nhận ra rằng, mình đang dần bị trầm cảm, luôn sống trong đau khổ, tức tối dồn nén, dưới lớp vỏ bóng bẩy của hạnh phúc giả.
Song Văn