Gốm nhà làm của Dũng và Văn

14/09/2020 - 07:15

PNO - Công việc của những người như Dũng và Văn hiện nay là bắc lại nhịp cầu quá khứ với hiện tại, là góp phần đổi mới truyền thống.

Cặp đôi họa sĩ Nguyễn Thị Dũng và Ngô Trọng Văn có một lò gốm nhỏ tại gia ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Họ “khăn gói” về Sài Gòn, mở triển lãm Lời thì thầm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ 12-21/9. Nguyễn Thị Dũng bày chín bình, tám bức tranh, mười bộ trà; Ngô Trọng Văn bày 13 tượng, ba bức tranh; tác phẩm chung của họ là hai bình lớn. 

Xét về mô hình, họ giống như rất nhiều gia đình gốm thủ công trước đây, nơi vọc đất và đốt lò là lẽ sống. Nhưng họ khác, vì biết kết hợp học thuật, các khái niệm gốm sứ hiện đại và cả tinh thần phi câu nệ để mang đến một diện mạo gốm mới hơn.

Cặp đôi họa sĩ Nguyễn Thị Dũng và Ngô Trọng Văn
Cặp đôi họa sĩ Nguyễn Thị Dũng và Ngô Trọng Văn

Nhiều năm qua, do suy nghĩ truyền thống là “khư khư gìn giữ theo quá khứ” mà nhiều ngành nghề, làng nghề ở Việt Nam đi vào chỗ khó khăn, có nguy cơ suy tàn, mai một. Nếu nhìn gốm Biên Hòa, Lái Thiêu theo lối khư giữ này thì “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.

Thực tế cho thấy, truyền thống thời nào cũng bao gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai, trong đó hiện tại là quan trọng nhất, chứ không phải quá khứ. Hiện tại của gốm Biên Hòa, Lái Thiêu là sự thu hẹp các quy mô rộng để đi vào hiện đại hóa, chuyên sâu, chuyển đổi mục đích, chắt lọc tinh hoa truyền thống. Nếu chấp nhận thực tế này, thì gốm Biên Hòa, Lái Thiêu vẫn đang tồn tại, phát triển và có thể hướng đến tương lai.

Về mặt tình tự, kỹ thuật, chất men, gốm của cặp đôi họa sĩ Nguyễn Thị Dũng và Ngô Trọng Văn vừa chuyên chở hồn cốt, thẩm mỹ của tinh thần gốm Biên Hòa, Lái Thiêu ngày trước, vừa kết hợp với các vật liệu gốm mới, trào lưu gốm lạ, trang trí nội thất, thời trang ngày nay. Gốm của họ theo thiên hướng học thuật và mỹ thuật, xa rời quan niệm “trăm hay không bằng tay quen” của nhiều làng nghề thủ công truyền thống.

Nhìn lại lịch sử gốm sứ Biên Hòa, Lái Thiêu, từ khoảng năm 1975 đến cuối thế kỷ XX là vẫn “xưa sau nay vậy”, còn trước và sau cột mốc này thì đã khác nhiều. Ngay khi Trường Mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một (École d’Art Indigène de Thủ Dầu Một) ra đời năm 1901 và Trường dạy nghề Biên Hòa (École Professionnelle de Biên Hòa) ra đời năm 1903, gốm sứ đã là một bộ môn được nghiên cứu, giảng dạy và đổi mới. Công việc của những người như Dũng và Văn hiện nay là bắc lại nhịp cầu quá khứ với hiện tại, là góp phần đổi mới truyền thống; hoặc nói khác đi, để cho truyền thống hiện diện trong một hình hài khác, mới mà không mất gốc.

Tác phẩm Nguyệt dạ (bộ 3) của Ngô Trọng Văn
Tác phẩm Nguyệt dạ (bộ 3) của Ngô Trọng Văn

Nếu gốm sứ trước đây hướng nhiều đến tính hiệu dụng, thì gốm của Dũng và Văn hướng nhiều đến tính vô dụng. Vì vô dụng mà tăng tính khả dụng, nơi họ muốn rời xa khái niệm “đồ dùng gốm” để tiệm cận “tác phẩm gốm” và “nghệ thuật gốm”. 

Trước năm 1954, Biên Hòa và Lái Thiêu đã tạo tác ra nhiều tác phẩm gốm như vậy, gần đây đã trở lại đầy hấp lực trên các sàn đấu giá nghệ thuật quốc tế. Nói nôm na, gốm của Dũng và Văn để bày biện chơi, để đẹp, hơn là để dùng vào một việc gì đó cụ thể trong sinh hoạt. Chính vì vậy, họ khá thoải mái trong sáng tạo, tác phẩm khá tự do về đề tài và tiêu chí tạo tác. Về mặt kỹ thuật, họ tích hợp truyền thống với đổi mới, để tạo nên những tác phẩm có độ khó về tạo tác, tinh tế về vật liệu.

Nguyễn Thị Dũng và Ngô Trọng Văn đều thuộc týp nghệ sĩ nói ít làm nhiều, đã tạo ra rất nhiều tác phẩm, tham gia rất nhiều triển lãm gốm, song, đây là triển lãm quy mô đầu tiên của riêng hai vợ chồng. Nguyễn Thị Dũng chỉ tâm niệm rằng, làm gốm giống như hành thiền vậy, cần hướng đến sự thư thái và tĩnh lặng. 

Lý Đợi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI