Gom 20 loại giấy tờ vào số định danh cá nhân

13/08/2013 - 22:23

PNO - PN - Ngày 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật hộ tịch. Theo đề xuất của dự luật, mỗi công dân sẽ được cấp số định danh cá nhân, được coi như “chìa khóa” để tra cứu thông tin cá nhân.

Gom 20 loai giay to vao so dinh danh ca nhan

Mỗi cá nhân hiện có quá nhiều loại giấy tờ. Ảnh: Ngọc Thúy.

Dự thảo quy định số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên được lập trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được cấp cho mỗi cá nhân, nhằm mã hóa những thông tin cơ bản của cá nhân. Theo Bộ Tư pháp, hiện nay, mỗi công dân có thể sở hữu đến khoảng 20 loại giấy tờ cá nhân, mỗi loại giấy tờ đều có số khác nhau. Các giấy tờ đều có chung đặc điểm là chứa đựng những thông tin cơ bản về hộ tịch của cá nhân song các số - mã số trên mỗi loại giấy tờ cũng có tính độc lập và không thể chia sẻ, kết nối được với nhau, nên dẫn đến tình trạng khép kín thông tin cá nhân ở mỗi cơ quan quản lý, không phát huy được tính thống nhất trong quản lý.

Do đó, việc quy định số định danh cá nhân là hết sức cần thiết. Số định danh cá nhân chỉ được cấp một lần duy nhất cho cá nhân, được ghi vào sổ bộ hộ tịch, trích lục hộ tịch và giấy tờ khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, khi xây dựng thành công cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mỗi công dân có một số định danh sẽ tạo ra sự đột phá quan trọng trong quản lý nhà nước, quản lý dân cư, phục vụ tích cực cho việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến cho người dân, cũng như trong lĩnh vực hộ tịch.

Đồng ý với đề xuất về số định danh cá nhân song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, ông Nguyễn Văn Hiện nêu quan điểm: “Nhiều người đặt nhiều kỳ vọng số định danh sẽ thay thế nhiều loại giấy tờ công dân phải mang trong ví, nhưng ngoài hộ tịch, vẫn còn hộ khẩu, chứng minh thư, hộ chiếu... Sao chúng ta không đặt vấn đề gom những thứ này lại vào cùng một loại. Rõ ràng thêm thủ tục mà không thấy lợi ích gì”. Vẫn còn nhiều băn khoăn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi: “Một người phải mang hơn 20 loại giấy tờ. Vậy sau khi có số định danh thì còn bao nhiêu giấy? Cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã tính chưa? Trước và sau khi có luật, người dân phải đi qua mấy “cửa”? Chỉ cần bỏ được một nửa số giấy dân đang phải mang vác thì chắc chắn dân vỗ tay ầm ầm!”.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, nếu dự luật có hiệu lực từ 1/1/2016, đến năm 2020, tất cả công dân đều có số định danh. Khi đó, số định danh sẽ mang theo suốt đời, gắn trên các giấy tờ (nếu có) của người dân. Cuối cùng, sẽ còn duy nhất một cái thẻ công dân điện tử thay thế tất cả giấy tờ khác.

 PHƯƠNG MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI