Gojek rời thị trường, thất bại hay đổi chiến lược?

06/09/2024 - 10:08

PNO - Thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam vẫn được đánh giá đầy tiềm năng nhưng mới đây Gojek tuyên bố sẽ rút khỏi "cuộc chơi". Liệu có phải do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường hay do công ty này có bước đi chiến lược khác?

Trước khi Gojek dừng hoạt động, thị trường gọi xe qua ứng dụng có 4 tên tuổi lớn là Grab, Be, Xanh SM và Gojek. Theo dự báo của Mordor Intelligence, thị trường có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm (CAGR) đạt 22,1% trong giai đoạn 2024 - 2029. Năm 2024 dự kiến đạt 1,17 tỉ USD và đến năm 2029 có thể đạt 3,19 tỉ USD.

Gojek
Gojek sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam từ ngày 16/9/2024

Gojek đưa lý do rút lui khỏi thị trường là để tập trung nguồn lực cho công ty mẹ (Tập đoàn GoTo).

Theo nhìn nhận của chuyên gia kinh tế - tiến sĩ Đinh Thế Hiển, có vẻ Gojek không cạnh tranh được tại thị trường Việt Nam. “Khi thị trường đầy cạnh tranh thì không cần quá nhiều mà sẽ phải loại bỏ dần và còn khoảng 3 đơn vị là hợp lý” - ông nhận xét.

Ngoài ra, nếu so sánh với 3 đối thủ thì dễ dàng nhận thấy Gojek đang đuối sức. Theo số liệu khảo sát từ công ty nghiên cứu thị trường Q&M, Grab vẫn là thương hiệu dẫn đầu với 42% thị phần. Xếp thứ 2 là Be (32% người dùng), Xanh SM chiếm 19% và Gojek khoảng 7%.

Điều này có thể do Gojek chỉ tập trung nhiều vào vận chuyển xe 2 bánh (GoRide), ô tô (GoCar), giao thức ăn (GoFood) và giao hàng (GoSend) nên kém đa dạng. Trong khi Grab đầu tư theo chiến lược rộng và có cả hệ sinh thái từ gọi xe, giao hàng, giao đồ ăn, đi chợ… BE thì phát triển thành siêu ứng dụng di chuyển đa phương thức với các loại hình dịch vụ bổ sung như đi chợ hộ, đặt vé tàu và vé máy bay, thuê xe... Ngay như tân binh Xanh SM cũng khá nổi bật với định vị xe điện và hệ thống phương tiện khổng lồ từ Vinfast.

Theo quan sát, cả Grab, BE và Xanh SM đều sở hữu nguồn lực rất lớn. Còn với Gojek, công ty mẹ GoTo liên tiếp ghi nhận kinh doanh thua lỗ. Năm 2022 lỗ ròng 2,7 tỉ USD (cao gấp 3 lần so doanh thu). Năm 2023, số lỗ này tăng thêm 50% so với năm 2022. Việc thiếu đi nguồn lực tài chính của công ty mẹ đã tác động không nhỏ đến Gojek tại thị trường Việt Nam, khiến nền tảng này phải rút lui để tập trung vào các thị trường tiềm năng hơn như Indonesia và Singapore.

Liệu có phải thị trường gọi xe không còn hấp dẫn bởi trước Gojek, nhiều tên tuổi như Baemin, GoViet, Uber cũng đã rời cuộc chơi?

Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chúng ta có thể nhìn nhận ở góc độ khi một công ty rút lui thì thị trường không thất bại mà sẽ còn tiếp tục phát triển rất mạnh. Không chỉ ở lĩnh vực vận chuyển mà cả thương mại điện tử hay nhiều lĩnh vực khác đều như vậy. Khi thị trường cạnh tranh khốc liệt, cuối cùng chỉ còn tồn tại một vài công ty lớn. “Việc Gojek rút khỏi thị trường Việt Nam giống như nhiều lĩnh vực khác, không có gì bất ngờ. Thậm chí, Gojek đã tính trước điều này nên đây có thể là chiến lược đã được chuẩn bị từ trước” - ông nêu quan điểm.

Theo ông, trước đây, khi vào thị trường Việt Nam, Uber và Grab đã công phá, giúp thị trường phát triển. Tuy nhiên, khi thị trường phát triển đến mức độ nhất định thì Uber đã chuyển lại thị phần ở Đông Nam Á cho Grab, còn ứng dụng này thống trị ở Mỹ và châu Âu. Do đó, Uber rút lui không phải vì thất bại mà chỉ là chuyển giao phân khúc khách hàng.

Đến lượt Gojek rút lui thì các đối thủ như Grab, Be, và Xanh SM vẫn chiếm lĩnh thị trường và hứa hẹn giúp thị trường gọi xe phát triển hơn trong thời gian tới.

Mai Ca - Hà Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI