PNO - Cách chiến thắng nỗi sợ hãi và tận hưởng quả ngọt nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ của nhiều phụ nữ đã tạo nên những câu chuyện truyền cảm hứng cho mọi người.
Đối với phần lớn phụ nữ, việc hiện thực hóa được ước mơ, nhất là những giấc mơ thời thơ ấu, không chỉ đem đến sự tự tin mà còn là động lực giúp họ vượt qua nghịch cảnh, hướng đến tương lai.
Hạnh phúc khi chiến thắng chính mình
Li Ling Yung-Hryniewiecki trở thành người phụ nữ Singapore đầu tiên bơi qua eo biển Manche, chinh phục giấc mơ thuở nhỏ của chính mình - Ảnh: CAN
Trong chúng ta, hầu như ai cũng có những ước mơ, đôi khi phi thực tế. Người ta thường cất giữ chúng ở góc riêng trong tim, xem như những kỷ niệm đẹp. Càng lớn, càng nặng gánh gia đình, công việc, mọi người, nhất là phụ nữ, càng lãng quên những gì mình từng vô cùng khao khát thực hiện. Tuy nhiên, khi gặp biến cố và có thời gian, họ lại nhớ về những giấc mộng ngày nhỏ. Một số người thậm chí còn vượt qua nhiều trở ngại để hiện thực hóa mộng ước.
Điển hình là Li Ling Yung-Hryniewiecki (37 tuổi, Singapore) được không ít người ngưỡng mộ khi hoàn thành chặng bơi 34km qua eo biển Manche trong vòng chưa đầy 13 giờ. Cô tâm sự rất hạnh phúc khi chinh phục được giấc mơ từ thuở bé, thời mà cô còn luyện tập trong đội bơi chuyên nghiệp và chỉ ao ước được một lần bơi qua eo biển: “Hồi đó, vượt qua eo biển luôn là ước mơ lớn nhất của tôi. Tôi đã nghe mọi người nói nhiều về những chặng bơi đường dài, thật tuyệt nếu có thể bơi được như thế. Tôi dường như đã bỏ quên giấc mộng đó cho đến khi tôi nhớ lại nó vào khoảng năm năm trước”.
Sự quyết tâm luôn rực cháy trong Li Ling Yung-Hryniewiecki. Vậy nhưng, để chinh phục giấc mơ này là việc không hề đơn giản. Trở ngại lớn nhất cô gặp phải khi bắt đầu hành trình chính là cái lạnh. Phải mất nhiều năm luyện tập, cô mới có thể thích ứng và có đủ kinh nghiệm để chống chọi với nó. Trong vài tháng trước khi thực hiện thử thách, cô liên tục bơi khoảng 30-35km mỗi tuần.
Dù Li Ling Yung-Hryniewiecki đã chuẩn bị kỹ lưỡng tới mức đến Anh trước mười ngày để thích nghi với thời tiết nhưng một lần nữa, thử thách lại đến với cô, khi thời tiết không cho phép cô xuống nước. Những khó khăn này càng làm cô quyết tâm và cho thấy giá trị của sự chiến thắng nỗi sợ của bản thân.
May mắn hơn Li Ling Yung-Hryniewiecki, Montana Brown (Mỹ) không bị gián đoạn trong việc thực hiện ước mơ. Thay vào đó, cô luôn biết rõ mục tiêu và hết mình để biến ước mơ trở thành sự thật. Ở tuổi 24, Montana Brown đã thành công khi là một y tá nhi khoa thực thụ. Được biết, mộng ước này được cô nuôi dưỡng từ khi gặp những y tá tuyệt vời trong thời thơ ấu, khi cô phải chiến đấu với căn bệnh ung thư đến hai lần (vào năm hai tuổi và khi 15 tuổi).
Ngày đầu làm việc với tư cách là y tá tại một đơn vị chăm sóc sức khỏe trẻ em của thành phố Atlanta (Mỹ), Montana Brown đã hạnh phúc chia sẻ trong một bài đăng trên Facebook: “Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng ở tuổi 24, tôi sẽ đạt được ước mơ lớn nhất của mình - được làm việc tại bệnh viện mà tôi đã được điều trị khi còn là một đứa trẻ. Thật tuyệt vời và khó tin, tôi rất vui khi được cống hiến ở nơi truyền cảm hứng như vậy”.
Anh Brad Ryan và bà Joy đã đến thăm 62/63 công viên quốc gia ở Mỹ. Nhờ chuyến đi này, hai bà cháu càng thêm gắn kết và hiểu nhau hơn - Ảnh: Daily Mail
Câu chuyện của Montana một lần nữa cho chúng ta thấy những giấc mơ đôi lúc không xuất phát từ bản thân mỗi người. Nó có thể đến từ những hành động tốt đẹp người khác dành cho chúng ta để rồi ước mơ của ta ra đời để đáp lại tình yêu, sự quan tâm chúng ta từng nhận được. Và, những lúc chạm đến ước mơ lại cho chúng ta thêm sức mạnh và niềm tin. Đó có thể là niềm tin vào bản thân, niềm tin vào những giá trị cuộc sống và niềm tin mình có thể vượt qua nỗi sợ hãi, chinh phục những “cơn sóng” dữ dội nhất trong lòng.
Sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình và cách truyền cảm hứng
Việc hiện thực hóa giấc mơ không chỉ giúp phái nữ có thêm sự tự tin mà đôi lúc còn trở thành sợi dây gắn kết đặc biệt giữa các thành viên trong gia đình mà câu chuyện thực tế đầy thú vị giữa cụ bà Joy (92 tuổi) và người cháu trai Brad Ryan là minh chứng. Cả hai đã cùng nhau tham quan hơn 62 công viên quốc gia tại Mỹ và sắp sửa hoàn thành thử thách “7 năm kỳ diệu” khi chinh phục thêm công viên cuối cùng - công viên ở Samoa - trong năm nay.
Kỳ tích của họ bắt đầu vào năm 2015, khi một lần bà Joy tâm sự với cháu trai rằng bà chưa bao giờ được tận mắt nhìn thấy các dãy núi hoặc được đi cắm trại trong suốt cuộc đời mình. Sau khi thấu được tâm sự ấy, Brad quyết định trở thành người đồng hành đáng tin cậy của bà, mời bà thực hiện một chuyến du hành đường bộ cùng anh đến công viên quốc gia Great Smoky Mountains. Kể từ đó, họ tiếp tục những cuộc phiêu lưu lớn, vượt hơn 80.000km thăm 62/63 công viên quốc gia của Mỹ.
Điều hai bà cháu trân trọng và hạnh phúc nhất là cả hai đã trở thành đôi bạn thân thực sự, gắn kết lại tình bà cháu sau khi không nói chuyện cùng nhau suốt mười năm kể từ lúc cha mẹ Brad ly hôn. Hành trình đầy vui vẻ và lý thú này cũng giúp bà Joy được tiếp thêm năng lượng để sống khỏe mạnh sau khi chống chọi căn bệnh bạch cầu và những đợt viêm phổi tái phát.
Trong khi đó, niềm vui của chuyến đi mang lại cho Brad nhiều bài học, giúp anh trở nên kiên cường hơn sau những biến cố trong đời.
Montana Brown hạnh phúc khi hiện thực hóa giấc mơ trở thành y tá nhi khoa ở tuổi 24 và làm việc tại chính nơi cô được điều trị thuở bé - Ảnh: Murielle Marie
Sức mạnh của tình thân cũng là bước ngoặt quan trọng nhất giúp vũ công Laavanya Ghosh (Ấn Độ) biến giấc mộng thời thơ bé của cô thành hiện thực. Cô chia sẻ, nếu không có cha mẹ luôn bên cạnh, có lẽ cô đã sụp đổ: "Cha mẹ tôi đã giúp đỡ tôi hằng ngày trong suốt khoảng thời gian đại dịch COVID-19. Tôi là người nhạy cảm và hay suy diễn quá mức, dẫn đến chứng rối loạn lo âu. Khi nhìn thấy nhiều cái chết xung quanh, các cơn hoảng loạn của tôi bắt đầu tăng…".
Chưa kể các buổi biểu diễn của cô bị tạm hoãn do đại dịch và các lớp đại học chuyển sang hình thức trực tuyến càng khiến tình trạng của cô thêm trầm trọng. “Tôi gần như đã quên cách tương tác xã hội. Nhìn thấy những cơn hoảng loạn của tôi trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ hai, cha mẹ đã đề nghị được giúp đỡ tôi. Nhờ sự giúp đỡ kịp thời đó, tôi mới có thể sống sót qua quãng thời gian đầy khó khăn” - Laavanya Ghosh bày tỏ.
Nhờ sự động viên tích cực của gia đình, Laavanya Ghosh liên tục lao vào luyện tập khiêu vũ bởi cô biết rõ đó là cách duy nhất giúp mình đủ tỉnh táo trong những ngày đen tối nhất. Cô nỗ lực chuyển hướng tâm trí mình vào những buổi tập và dần dần lấy lại trạng thái tốt nhất.
Vượt qua những chông gai tưởng chừng khiến cô đánh mất bản thân, hiện tại, Laavanya Ghosh đã trở thành một vũ công giỏi, vinh dự được biểu diễn ở nhiều nơi trên khắp Ấn Độ. Cô cũng giành được một số giải thưởng khiêu vũ như giải Doverlane và giải Sanjukta Panigrahi. Với mỗi danh hiệu nhận được, cô đều trân trọng và biết ơn sự hy sinh to lớn của cha mẹ.
Các nhà chức trách Nepal cho biết, sáng 15/11, một chiếc xe khách đã rơi khỏi đường cao tốc ở vùng cực tây khiến 8 người thiệt mạng, 5 người bị thương.
Tháng 8/2024, kết quả một số nghiên cứu cho thấy, gần một nửa thanh thiếu niên (15-21 tuổi) tại Singapore “có vấn đề về sử dụng điện thoại thông minh”.