Gọi túi xách là "em bé": Sự thay đổi kỳ lạ trong cách gọi của người Hàn Quốc

23/02/2025 - 13:59

PNO - Thời gian gần đây, ở Hàn Quốc đã nổi lên một xu hướng lạ kỳ là sử dụng kính ngữ để gọi đồ vật, khiến nhiều người phải bối rối và cho rằng đó là xung hướng chuộng vật chất.

Nữ diễn viên Hàn Quốc Han Ye-seul gọi chiếc túi của mình là em bé này trong một video được tải lên kênh YouTube của cô. ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH TỪ HAN_YE_SEUL_/YOUTUBE
Nữ diễn viên Hàn Quốc Han Ye-seul gọi chiếc túi của mình là "em bé này" trong một video được tải lên kênh YouTube của cô. Ảnh chụp từ màn hình

Thường ở Hàn Quốc, kính ngữ được dùng để gọi với người lớn hơn, người được tôn trọng. Tuy nhiên, gần đây, kính ngữ được dùng để gọi cho một tách cà phê latte được phục vụ tại quán cà phê hay một loại thực phẩm bổ sung vitamin được bán qua kênh mua sắm cũng được sử dụng kính ngữ để gọi.

Nhân cách hóa, trước đây chủ yếu chỉ giới hạn trong phạm vi thơ ca trong văn học, đang lan sang cả lời nói hàng ngày ở Hàn Quốc, khiến cả những chuyên gia và người học tiếng Hàn đều bối rối.

Khi những vật vô tri được đánh giá như con người

Một trong những nơi mà sự thay đổi kỳ lạ, trong hệ thống kính ngữ của tiếng Hàn này thường được quan sát thấy nhất là ở những nơi mọi người cố gắng bán hàng cho khách hàng, chẳng hạn như kênh mua sắm tại nhà, cửa hàng, quán cà phê và nhà hàng.

Trên các kênh mua sắm tại nhà, túi xách hoặc đồ trang sức thường được nhân cách hóa và gọi là “em bé” (“agi” trong tiếng Hàn), “bạn bè” (“chingu”) hoặc “trẻ em” (“ayi”).

Trên YouTube và các nền tảng mạng xã hội khác, những người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng và thậm chí cả những người bình thường đều gọi tài sản của mình là “em bé”, điều này thực tế đã trở thành một xu hướng.

Một số người bán hàng trực tuyến mô tả các chất bổ sung sức khỏe như collagen và vitamin là “hyoja”, một thuật ngữ tiếng Hàn dùng để chỉ những đứa trẻ tận tụy chăm sóc cha mẹ, khuyến khích khách hàng mua chúng.

Việc "lạm dụng" kính ngữ đối với các vật vô tri cũng phổ biến tại các điểm dịch vụ khách hàng, chẳng hạn như quán cà phê, nhà hàng và chợ, nơi nhân viên sử dụng chúng khi phục vụ đơn hàng hoặc nói chuyện với khách hàng về sản phẩm hoặc dịch vụ. Ví dụ, khi thông báo cho khách hàng rằng cà phê họ gọi đã sẵn sàng, nhân viên sử dụng kính ngữ để chỉ cà phê.

Theo các chuyên gia ngôn ngữ Hàn Quốc, để dùng đúng ngữ pháp, nên sử dụng kính ngữ khi xưng hô với khách hàng, không phải khi nói đến đơn hàng của họ.

Cô Kim Rena, 22 tuổi, người Canada gốc Hàn, hiện đang theo học tiếng Hàn tại Viện ngôn ngữ Hàn Quốc của Đại học Nữ sinh Ewha, cảm thấy bối rối trước cách sử dụng kính ngữ này tại các quán cà phê.

“Tôi đã sử dụng kính ngữ khi nói chuyện với bà tôi, nhưng tôi không biết vì sao người Hàn Quốc sử dụng kính ngữ để gọi đồ vật”, cô nói.

Một số nhân viên trong ngành dịch vụ thừa nhận rằng có tình trạng sử dụng ngôn ngữ kỳ lạ tràn lan trong ngành, và cho rằng đó là do sự ám ảnh về phép lịch sự.

Cô Song Yeon-jeong, 27 tuổi, quản lý một nhà hàng nhượng quyền ở Yongin, tỉnh Gyeonggi, cho biết: “Tôi tin rằng nhiều khách hàng ở đây có xu hướng coi nhân viên là thấp kém hơn mình và mong đợi được phục vụ vô điều kiện. Tư duy phổ biến cho rằng khách hàng phải được đối xử như hoàng gia đã khiến việc sử dụng ngôn ngữ không chính xác này trở thành thói quen.”

Xu hướng chuộng vật chất

Các chuyên gia đã lo ngại về sự thay đổi gần đây trong hệ thống kính ngữ, một đặc điểm quan trọng của tiếng Hàn. Theo Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc, kính ngữ nên được sử dụng cho người được xưng hô, không phải cho đồ vật.

Họ chỉ ra rằng việc sử dụng kính ngữ một cách sai mục đích trong ngành dịch vụ có thể phản ánh ý định muốn tỏ ra lịch sự và tôn trọng, nhưng rõ ràng là sai về mặt ngữ pháp.

Giáo sư Jung Hee-chang, giáo sư ngôn ngữ và văn học Hàn Quốc tại Đại học Sungkyunkwan, cho biết: "Kính ngữ ở Hàn Quốc là một phần quan trọng trong văn hóa ngôn ngữ của đất nước này, truyền tải sự lịch sự, trang trọng và thứ bậc xã hội. Sử dụng kính ngữ cho các vật vô tri vô giác làm hỗn loạn ngôn ngữ Hàn Quốc".

Giáo sư kêu gọi một nền văn hóa tôn trọng và đề cao các quy tắc và nguyên tắc của tiếng Hàn, đặc biệt là khi tiếng Hàn đang thu hút nhiều người học mới trên toàn cầu nhờ ảnh hưởng của Làn sóng văn hóa giải trí Hàn Quốc.

Một số chuyên gia nhận thấy ảnh hưởng của chủ nghĩa duy vật trong xu hướng coi sản phẩm như con người.

Giáo sư Lim Kyu-gun, giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Hanyang, cho biết: “Nền văn hóa vật chất, nơi mọi người có xu hướng đánh giá lẫn nhau dựa trên tài sản của họ, coi trọng hàng hóa quá mức".

Trong khi mọi người thoải mái đặt biệt danh cho đồ đạc của mình, giáo sư Lim nói thêm rằng việc cá nhân hóa bừa bãi các sản phẩm, khi được những người đi đầu xu hướng và người của công chúng giới thiệu sẽ củng cố chủ nghĩa vật chất và không có lợi về mặt giáo dục.

Thảo Nguyễn (theo Korea Herald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI