Gói tết của mẹ mang đi

01/02/2025 - 14:04

PNO - Hạnh ngồi trước hiên, ngó đám trẻ lăng xăng chơi đánh cầu, nhảy dây. Nghĩ cảnh sắp rời nhà lên thành phố là cô lại bịn rịn. Tết qua nhanh quá!

Năm nào mẹ cũng mong chờ Hạnh về ăn tết rồi lại gói ghém đủ thứ cho cô mang đi (Ảnh minh họa)

Năm nào mẹ cũng mong chờ Hạnh về ăn tết rồi lại gói ghém đủ thứ cho cô mang đi - Ảnh minh họa

Gần 40 tuổi, đã có 2 mặt con nhưng năm nào Hạnh cũng được mẹ gói ghém cho bao la quà mang vào thành phố mỗi khi tết nhất xong xuôi.

Lần nào Hạnh cũng nằng nặc từ chối, nhưng mẹ luôn bảo: “Thì cứ xem như mình “gói tết” lại, mang đi ăn tết tiếp thôi”.

Câu đó nghe sao mà thấy thương quá đỗi. Nhớ mới hôm 28 tháng Chạp, Hạnh còn rinh về nào là tôm khô, bánh trái, mứt tết, mấy chậu hoa xinh xinh chưng trước cổng nhà, thế mà nay lại tới công đoạn mẹ chuẩn bị đồ cho con gái rời quê, vẫn là những món quen thuộc đó, những món mà suốt mấy ngày mùng cô đã ăn.

Cầm đòn bánh tét, mẹ nói: “Nhà còn 4 đòn lận, chia đôi ra, con 2 đòn, mẹ 2 đòn, ăn không hết mình cắt ra chiên, ngon dữ lắm”.

Tới đoạn xếp giò chả, mẹ lại “quảng cáo”: Không phải giò mua ngoài chợ đâu, giò nhà thím Tư gói đó, ngon nhất xóm mình. Lên thành phố chắc gì có giò ngon như vầy, con cứ mang đi, cắt ra cho tụi nhỏ ăn chơi cũng ngon”.

Hạnh không có cách nào từ chối mẹ, trước kia cô còn giãy nảy vì trước tết mua gì là sau tết mẹ lại gói ghém y vậy cho mang đi hết. Đến ngày đi, ngó cái tủ lạnh của mẹ vơi hẳn mà cô vừa bực vừa thương. Được cái là năm nào mẹ cũng giữ lại mấy chậu bông trước hiên nhà, chăm tới khi nào bông thọ tàn hẳn thì mới thôi, dù trước tết mẹ đã khoe thật đã với họ hàng: “Mấy chậu bông nhỏ Hạnh mua đó, xinh ghê!”.

Năm ngoái, Hạnh nghiêm túc góp ý với mẹ, rằng cô không muốn mang đồ ăn, món nọ món kia theo nữa. Lúc căng thẳng vì mẹ liên tục phản đối, cô đã gắt: “Ở chỗ con không thiếu mấy thứ này, mang đi mang lại quá bất tiện, muốn gì thì cứ ra chợ, đặt hàng, người ta giao đến tận cửa. Việc gì mẹ cứ phải đùm đề thế nhỉ”.

Nói xong, Hạnh ngay lập tức cảm thấy hối hận bởi mắt mẹ buồn đi hẳn. Bà nhẹ nhàng nói: “Tại mẹ cũng nghĩ đơn giản, muốn tụi con có dư vị tết lâu hơn. Chứ ở nhà còn bao nhiêu là món mà chỉ có vợ chồng già, thấy như tết vẫn còn mà con cái thì đi hết trơn hết trọi”.

Rút kinh nghiệm, năm nay Hạnh để mẹ gói ghém tùy ý, bởi cô có bớt 1 đòn bánh tét, nửa con gà thì bằng một cách thần kỳ nào đó, khi lên tới thành phố mở ra cũng sẽ đúng y như những gì mẹ đã xếp đặt. Những món tết dù ăn no nê cỡ mấy thì Hạnh vẫn xúc động khi mở thùng đồ ra, thấy mẹ ghi chú trong từng tờ giấy nhỏ. Có lần Hạnh còn mở ra cái câu làm cô cay cay mắt: “Dưa chua con thích nhưng mẹ chỉ còn một ít, ăn đỡ nhé, vài hôm nữa mẹ lại gửi cho”.

Hạnh đã có những ngày bình yên thật sự khi về với mẹ (Ảnh minh họa)

Hạnh đã có những ngày bình yên thật sự khi về hiên nhà của mẹ - Ảnh minh họa

Hạnh đã có những dư vị tết kéo dài như thế, dẫu cho cuộc sống đang dần tấp nập trở lại, dẫu chỉ đôi hôm nữa là Hạnh quay lại công sở, gói theo chả ram mẹ làm, khúc bánh tét, ít củ kiệu ngâm chua…

Như thể mẹ còn thì tết vẫn còn mãi. Hạnh nhớ cái hôm giao thừa ngồi bóp vai cho mẹ, nghe bà chầm chậm kể: “Hồi mẹ còn trẻ như con, bà ngoại mỗi năm hết tết là lại cho hẳn 20kg gạo. Số gạo ấy rinh lên ăn tiếp qua hết tháng Giêng, xay bột cho con ăn dặm. Bà còn gửi cho mấy chục trứng gà. Tết về với bà ngoại xong là chẳng sợ thiếu thốn chi nữa”.

Đúng rồi, giờ Hạnh cũng chẳng thiếu thốn chi, nhưng dư vị tết này qua Giêng hẳn là sẽ hết. Hạnh sẽ tận hưởng và lấy cớ để mỗi khi gọi về cho mẹ lại kể lể: “Mấy đòn bánh mẹ cho, con ăn đã hết rồi nghe”.

Thanh Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI