Nhưng, nếu chịu lắng sâu vào bên trong cái ngoại cảnh mỗi ngày mỗi khác, người ta sẽ thấy tết vẫn cuồn cuộn, thậm chí mỗi năm một rộn ràng hơn trong chính nhịp sống con người - khi người ta tất bật chia sẻ, khi thấy từ công sở đến mạng xã hội những chuyến “mang tết đến trẻ em”, “chở tết đến với người nghèo” ở vùng đất bất kỳ nào đó...
“Xách” 2.000 đồng đi… phiên chợ tết
Suốt trưa một ngày cuối tuần, hơn 400 người lao động nghèo ở khu vực Nam Sài Gòn đã thỏa thích mua sắm tết trong phiên chợ Kỷ Hợi 2019 với các món hàng thiết yếu: quần áo, giày dép, đồng hồ đeo tay, gạo nếp, trà, dầu ăn, nước ngọt… đồng giá chỉ 2.000 đồng.
|
Chợ tết 2.000 đồng |
Phiên chợ do quán cơm xã hội Nụ cười 3 tổ chức tại 1276 Huỳnh Tấn Phát, P.Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM. Đây cũng là nơi mà Quỹ từ thiện Tình thương cùng các tình nguyện viên tổ chức phục vụ hàng ngàn bữa cơm trưa đầy đủ dinh dưỡng, ngon miệng vào thứ Hai, Tư, Sáu cũng với giá 2.000 đồng cho công nhân, người lao động nghèo, học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ hơn 5 năm qua.
Khoảng trống trong quán chừng 60m2 thường ngày vẫn bày bàn ăn cho người nghèo thì nay được xếp lại để dựng lên 20 gian hàng như chợ tết: quần áo mới dành mặc đi chơi xuân, nếp gói bánh tét cúng đêm giao thừa, trà bánh đãi đằng khách đến chơi…
Ngày 18/1, hơn 20 tình nguyện viên của quán đã có buổi trưa mệt nhoài vì đứng phục vụ cho bao anh công nhân, chị bán bánh dạo, cô bán vé số, chú xe ôm… đến mua sắm tết. Mệt nhoài vì ai cũng cười với nhau, liên tục hỏi thăm nhau, liên tục cảm ơn nhau, chẳng nề hà ai là “người mua”, “kẻ bán”.
Bà Lê Thị Mai (ngụ tại Q.7) mái tóc bạc phơ, là tình nguyện viên bếp ăn của quán, nay đứng quầy hướng dẫn mọi người lựa chọn kiểu giày, dép cho phù hợp, rồi quệt tay lau mồ hôi đang tươm đầy vầng trán. Miệng cười cảm ơn, tay này của bà vừa thu 2.000 đồng bỏ vào túi ni-lông đeo ở cổ tay, tay kia sắp xếp lại đống giày dép vừa bị mọi người xới tung lên để chọn lựa đôi ưng ý.
Ở gian hàng quần áo, nước mắm, dầu ăn, người mua hỏi han rồi mua bán náo nhiệt vì… quá đông khách. Được dự kiến trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, phiên chợ bắt đầu từ 10g sáng đến 12g trưa vẫn còn hai hàng dài người xếp hàng phía trước cửa chờ đến lượt vào mua sắm.
Ngồi dưới bóng râm trên vỉa hè, bà Nguyễn Thị Dẫy, 76 tuổi, đang tỉ mẩn xem lại từng món trong hàng chục món vừa mua được đựng trong hai bịch đầy. “Hồi hôm, đứa cháu bán vé số điện thoại về cho hay có phiên chợ này nên tôi rủ hàng xóm cùng đi”, bà Dẫy cho biết. Bà đã cùng ông Trần Văn Tưởng, 80 tuổi, sáng sớm đón hai chặng xe buýt từ ấp An Hòa (xã An Thới Đông, H.Cần Giờ) lên đây, tốn 10.000 đồng. “Mua quá trời quá đất mà tốn có 39.000 đồng”, đếm lại xấp tiền lẻ còn cầm trên tay, ông Tưởng cười hể hả.
|
Hai chị công nhân khoe chiếc đồng hồ mua cho con |
Quá 12g trưa, ở góc trước quán vẫn còn mâm bánh của ai đó để rất lâu do vội vàng vào chợ mua sắm. Mươi phút sau, có chị tay cầm chiếc túi chứa nhiều món hàng đến góc quán nhẹ nhàng đội mâm bánh lên đầu bước đi. “Chẳng có ai lấy đâu mà sợ mất bánh, người nghèo với nhau cả mà”, chị nói khi nhìn thấy vẻ mặt thắc mắc của vài người xung quanh. Chị cho biết, đi bán bánh dạo thấy mọi người xúm quanh nên nán lại hỏi han.
Biết phiên chợ giá rẻ nên chị xếp hàng chờ vào mua vài món cho con. Vài món chị mua là chiếc đồng hồ đeo tay trẻ em màu xanh và một chai nước ngọt cho con; gói trà thơm cho ông già ở nhà trọ, một dây bịch xà bông gội đầu cho cả nhà dùng vì “rẻ quá”. “Có bộ quần áo lựa rồi, đẹp lắm mà hông mua. Màu sáng mặc dễ dính bụi bẩn, uổng lắm”, chị nói rồi quày quả đội mâm bánh đi về hướng cầu Phú Mỹ, nắng chang chang.
Quán cơm xã hội Nụ cười 3 mỗi ngày cung cấp những bữa cơm chất lượng với giá 2.000 đồng cho người nghèo và cưu mang toàn bộ chuyện học hành của hơn 70 học sinh. Cái không gian thân thuộc và bận bịu với những cho - nhận quanh năm đó những ngày gần đây, lại tất bật gấp bội. Từ khâu vận động nguồn hỗ trợ, tìm kiếm nguồn hàng có chất lượng với giá cả phù hợp cho phiên chợ tết đều do tình nguyện viên của quán thực hiện.
Bạn bè thân hữu và những doanh nghiệp quen biết của quán lại gặp dịp đóng góp nhiều hơn ngày thường, dù công việc kinh doanh của họ chẳng hề liên quan đến những sản phẩm được bày bán.
Theo nhà báo Trần Trọng Thức - chủ nhiệm quán cơm Nụ cười 3, phiên chợ tết này có khoảng 400 suất gồm nhiều mặt hàng hướng tới những người già, lao động nghèo thường ngày vẫn tới quán dùng cơm. “Chúng tôi chọn giá bán 2.000 đồng để mọi người đến mua có cảm giác mình được đi chợ tết đúng nghĩa. Họ sẽ chọn được những mặt hàng mình cần. Giúp cho ai cũng có tết, tiêu chí của chợ là bán những mặt hàng tết khiêm tốn với giá khiêm tốn nhất” - ông Thức chia sẻ.
Theo chúng tôi biết, nhà báo Trần Trọng Thức và ê-kíp Nụ cười 3 của ông tưởng chừng đã “quá tải” với việc vận hành quán cơm từ thiện và… làm “phụ huynh” của hơn 70 em nhỏ. Mùa tết tưởng sẽ là mùa nghỉ ngơi khi không có giáo viên nào gọi báo “em A vắng học”, “em B hơi yếu môn toán”... Nhưng phiên chợ này đã được tổ chức đến lần thứ ba, giống như yêu thương thì không có... nghỉ tết.
Nhận mà cho
Vì tôi còn sống/ Vì tôi còn hát lên/ Vì tôi còn viết lên bao điều trong lòng tôi/ Vì tôi còn sống/ Vì tôi còn nhớ mình là ai... Giọng hát trẻ trung vang vang trong tiếng đàn ukulele giữa sân Trường THCS Độc Lập (Q.Phú Nhuận). Hầu hết phòng học đã đóng cửa im lìm. Dưới ánh đèn vàng và cái mát lạnh của đêm giáp tết, một nhóm học sinh ngồi xen kẽ giữa những người lớn và trẻ con thành hình tròn giữa sân trường. Tại “cuộc gặp đêm hôm” đó, lớp học phổ cập ban đêm của Trường THCS Độc Lập đang đón tiếp đoàn khách đến thăm.
|
Một đêm san sẻ yêu thương ở sân trường THCS Độc Lập |
Nhã Nam ngồi ôm đàn say sưa hát. Em vừa tan trường ở Q.Bình Thạnh, theo xe của gia đình cùng với những người anh chị em họ Chíp, Kiwi, Cà rốt… sang thăm, tặng quà cho lớp học. Phần chuyện trò là phần cuối của chuyến thăm. Trước đó, nhóm anh chị em họ tầm 10-14 tuổi của Nhã Nam còn tần ngần ôm từng phần quà xuống tặng các bạn trong vai “người đến thăm”.
Đều là anh em họ trong gia đình, các em vẫn được nghe câu chuyện về lớp học phổ cập này từ cha mẹ, cậu dì. Trong lớp học có “tuổi đời” hơn 40 năm này, các thế hệ học sinh hầu hết là những đứa trẻ phải bươn bả đến lớp ngay giữa cuộc mưu sinh. Có em mồ côi cả cha lẫn mẹ, có em là trụ cột gia đình, có em mang bệnh tật… Câu chuyện về từng cái tên Thành, Phương My, Thanh Vân, Ái Nhã… vẫn được nhắc trong những cuộc gặp gỡ gia đình, đến nay các em mới được gặp.
Ngồi xen kẽ trong vòng tròn là hơn 10 bạn nữ đại diện cho 60 học sinh các lớp phổ cập Độc Lập - những gương mặt ngày thường chỉ ngang qua sân trường trong vội vàng cho kịp giờ vào lớp, giờ đang thong dong trò chuyện. Hầu hết những người lớn vừa đưa “đoàn khách nhí” đến thăm lớp đều lặng lẽ lùi ra sau vòng tròn, để những đứa trẻ tự bày tỏ. Câu chuyện chung về chương trình lớp Năm, lớp Bảy là đề tài tự nhiên kết nối những đứa trẻ đang dè dặt trong buổi đầu gặp mặt.
Đến lượt Thanh Vân - học sinh đầu tiên trong lớp phổ cập nói về bản thân, lời tự giới thiệu chợt ngập ngừng sau phần nêu tên, tuổi. Cô giáo 81 tuổi Hoàng Ngọc Thương phải đi vòng qua bên kia vòng tròn, ngồi xuống sau lưng Vân, kể: “Vân học giỏi nhưng không phải ngày nào cũng được đi học vì bệnh tim của Vân nặng lắm. Ở lớp học được khen chứ đi tới bệnh viện, bác sĩ chê hoài đó”. Đám trẻ chợt bật cười với sự nhấn nhá của cô Thương. Thanh Vân nãy giờ mím chặt đôi môi hơi tím tái, cũng bật cười chừng như đã có thể cởi mở cùng chúng bạn.
Cô Thương lại dịch sang một chút, ôm vai Ái Nhã, kể về ngày thường của đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải cùng hai người em sống trong sự cưu mang của bà nội. Bé Linh nhỏ xíu ngồi bẽn lẽn cười nãy giờ, chính là đứa trẻ mới ba năm trước còn ngồi ngoài chợ bán vé số, níu áo cô Thương nhờ “mua giúp con một tờ”. Sau cuộc “mua bán” đó, Linh theo cô Thương về lớp phổ cập, rồi ba năm nay em đều đặn lên lớp, biết chữ và còn được thầy cô cho biết mình cũng là “một đứa trẻ thông minh”.
Hồ Minh Thành ghé lại vòng tròn trò chuyện khi đang khó nhọc ra sân… hít thở. Thành đã học ở lớp phổ cập 10 năm, nhưng càng về sau, biến chứng của căn bệnh tiểu đường giai đoạn cuối càng làm cho việc học của em thêm khó nhọc. Thành đứng đó với thân hình căng tròn vì chứng phù nề bệnh lý, đến thở cũng khó nhọc - nhưng giữa bạn bè cùng lớp, câu chuyện cơ cực của em được kể ra nhẹ hẫng. Ở đó, chuyện của Thành, Vân, My chỉ khác chuyện của bạn, chứ không ai bất hạnh hơn ai.
Bài hát Vì tôi còn sống của Tiên Tiên được Nhã Nam cất lên ngay lúc đó. Những đứa trẻ mặc đồng phục học sinh cũng lắc lư hát theo bài quen thuộc. Cứ đam mê dù nhiều người cười chê/ Và cứ vui lên, vì ta không cô đơn/ Vì tôi còn sống/ Vì tôi còn hát lên/ Vì tôi còn viết lên bao điều trong lòng tôi…
Lúc này, người ta chỉ còn thấy nhịp sống trẻ đang lan tỏa và kết nối những đứa trẻ mới đây còn xa lạ. Tôi chợt thấy mình như bị cuốn về những ngày giáp tết chừng 20 năm trước mà không nhớ nổi một “cảm giác tết” nào khác ngoài cái háo hức áo mới, kẹo mứt và... lì xì. Những cái tết ở xứ cơ cực hồi đó không có trải nghiệm rõ rệt của việc san sẻ, chỉ thấy má cứ cuối năm lại soạn những chiếc áo còn chắc nhưng không còn vừa vặn gửi về cho bà con quê nội.
Trưởng thành ở Sài Gòn, khi cái phong vị bánh mứt, áo mới và cả lì xì đã nhạt nhòa vì cuộc sống tạm no đủ - thì tết như chỉ cồn cào trong lòng thành phố những ý tưởng san sẻ, cho đi. Doanh nghiệp trích doanh thu của từng món hàng cho quỹ vì người nghèo ngày tết. Tiểu thương chung tay đóng góp quà tết cho người nghèo quanh khu chợ mình. Sôi nổi nhất vẫn là những nhóm từ thiện, người hảo tâm hay từng nhóm gia đình ngày thường vẫn tất bật mưu sinh, hễ đến tết là lại “lên ý tưởng” gì đó để giúp đỡ người nghèo. Tết từ đó tưng bừng khắp nơi.
Chị Dạ Thư, đại diện nhóm gia đình tổ chức cuộc thăm nom mà chúng tôi được chứng kiến ở lớp phổ cập Trường THCS Độc Lập chia sẻ: “Tôi biết lớp phổ cập này qua người cô dạy ở đây. Năm nay, khi các cháu trong nhà đều đã đủ lớn để hiểu chuyện, chúng tôi tổ chức cho các cháu trực tiếp đến thăm, phát quà và trò chuyện với các em. Món quà tết nhỏ thôi, nhưng tôi tin bọn trẻ sẽ học được nhiều điều khi gặp nhau ở không gian này”.
Lúc tôi ngồi nán lại để trò chuyện với cô Minh Nguyệt - dù đã hơn 70 tuổi, ngày ngày vẫn đón hai chuyến xe buýt đi từ Q.12 lên trạm dừng đường Thích Quảng Đức để tham gia dạy lớp phổ cập - một học sinh nữ lại gần lí nhí hỏi gì đó. Cô Nguyệt hơi nghiêm giọng trong vẻ hiền lành: “Em vào lớp đi rồi lát cô gặp sau. Giờ nào việc nấy nghe hông”.
Đứa trẻ ngoan ngoãn rời đi, cô mới quay sang tôi, kể: “Con bé đi làm nên đến trễ, không tham dự buổi gặp mặt với các bạn được nên giờ nó kiếm cô hỏi quà đó”. Nhìn theo đứa trẻ đi vô đến cửa lớp, tôi thấy thầy giám thị đứng tuổi đã chờ ở đó, cầm sẵn một phần quà đã để dành từ nãy đưa cho em.
Lúc này, hơi tết đã thực sự len trong từng cái mát lạnh thoảng qua trong những làn gió đêm. Tôi đang chuẩn bị rời Trường THCS Độc Lập sau khi đã “học được nhiều điều” từ không gian đó thì thấy cô Nguyệt đang loay hoay leo lên ngồi sau xe máy của cô Minh Tâm - một bà giáo về hưu cũng lớn tuổi không kém. Lúc ấy đã gần 21g, chuyến xe buýt số 3 cuối cùng đã về bến.
Cô Minh Tâm sẽ đưa đồng nghiệp kỳ cựu về tận nhà ở Q.12 rồi mới quay về nhà mình ở Q.Gò Vấp. Cô Minh, cô Dung cũng vừa tan lớp. Tất cả những giáo viên vẫn miệt mài dành buổi tối của mình để dạy lớp phổ cập đều không nhận một đồng lương nào. Vừa thoáng thấy chúng tôi trước cổng trường, các cô đồng loạt quay sang, nói với lại: “Cảm ơn mấy đứa ghé thăm học trò cô nghen!”. Gương mặt của những cô giáo rạng ngời phấn khởi, vui như tết.
Quang Thư - Minh Trâm