Gỏi som tam Thái

05/08/2024 - 11:26

PNO - Som tam là tiếng Thái Lan, phát âm chuẩn là “sổm tầm”. Xổm nghĩa là chua, tầm là đâm, giã. Nghe sổm tầm hoặc som tam, thực khách sành ăn sẽ biết ngay là món gỏi đu đủ đâm chua cay.

Để có 1 dĩa gỏi som tam bắt mắt, hấp dẫn, nguyên liệu chính gồm đu đủ xanh bào sợi, ớt, chanh, tỏi, cà chua, cà pháo, đậu đũa, ngò gai, đậu phộng rang,  bột ngọt, đường
Để có 1 dĩa gỏi som tam bắt mắt, hấp dẫn, nguyên liệu chính gồm đu đủ xanh bào sợi, ớt, chanh, tỏi, cà chua, cà pháo, đậu đũa, ngò gai, đậu phộng rang, bột ngọt, đường

Trong văn hóa ẩm thực Thái Lan, nếu cay, chua là vị giác chính thì món gỏi đu đủ đâm chua cay đứng đầu trong thực đơn được du khách chọn thưởng thức khi đến xứ sở chùa vàng.

Tôi thưởng thức món gỏi đu đủ som tam tại TPHCM nhân chuyến công tác, do chính tay đầu bếp người Thái Lan chế biến. Sau đó, tôi về Buôn Ma Thuột, được ăn món gỏi đó do người dân bản địa “biến tấu”, ngon không kém gì người Thái Lan ở TPHCM từng làm.

Để có 1 dĩa gỏi som tam bắt mắt, hấp dẫn, nguyên liệu chính gồm đu đủ xanh bào sợi, ớt, chanh, tỏi, cà chua, cà pháo, đậu đũa, ngò gai, đậu phộng rang, bột ngọt, đường.

1 loại gia vị không thể thiếu là mắm trộn gỏi xuất xứ Thái Lan. Đây là loại mắm có mùi vị đặc trưng tạo nên sức hấp dẫn của món ăn. Dĩa gỏi som tam có ngon hay không là do loại mắm này quyết định. Có 2 vị: mắm sống và mắm chín. Tùy theo khẩu vị, có thể chọn mắm sống hoặc chín khi chế biến.

Dụng cụ chế biến món gỏi som tam là bộ cối chày bằng gỗ. Đầu tiên, cho tỏi đã bóc vỏ, ớt sừng, đường, bột ngọt, nước cốt chanh vào cối, dùng chày đâm nhuyễn hỗn hợp. Gia giảm lượng ớt cho phù hợp. Tuy nhiên, món gỏi này phải có vị chua cay thì mới “đúng bài”. Nếu không nêm ớt, món ăn không hấp dẫn, đậm đà. Tiếp theo, cho khoảng 1 dĩa đu đủ bào sợi, đậu đũa, cà chua, cà pháo xắt miếng, vài lá ngò gai bẻ đôi cùng lượng mắm Thái Lan vừa đủ vào cối có sẵn hỗn hợp trên. Trộn đều, sau đó lại dùng chày đâm, vừa đâm vừa trộn đều hỗn hợp.

Quá trình đâm đu đủ phải thật sự tinh ý, khéo léo và uyển chuyển, không nhẹ tay, cũng không mạnh tay quá. Lực đâm vừa phải, đều tay. Nếu đâm nhẹ quá, các loại gia vị sẽ không thấm vào sợi đu đủ và rau, dẫn đến ăn không ngon. Nếu mạnh tay, sợi đu đủ và các loại rau kèm theo bị nát, dĩa gỏi không còn hấp dẫn.

Nhịp điệu chày và cối vang lên thình thịch trong không gian quán hòa lẫn tiếng nhạc dân vũ Thái Lan vui nhộn được ví như “dàn hợp xướng của nhà bếp”, nghe thích tai và đầy tinh tế.

Cho gỏi ra dĩa, rắc đậu phộng rang. Mùi mắm đặc trưng sóng sánh thơm lừng, cà chua, cà pháo, ngò gai xanh đỏ; đu đủ giòn tan, thanh mát thật bắt mắt. Món ăn là tổng hòa vị giòn của đu đủ; vị đậm đà của mắm Thái; vị chua cay của chanh ớt; vị giòn ngọt của cà pháo, cà chua; vị béo bùi của đậu phộng rang giã sơ. Độ hấp dẫn của món ăn khó mà diễn tả.

Topping ăn kèm món gỏi som tam vô cùng phong phú, phù hợp nhất có lẽ là hải sản. Người miền Tây thường ăn gỏi som tam với ba khía còn người Sài Gòn thường ăn cùng bún tươi, tôm, râu bạch tuộc…

Tôi thích ăn gỏi som tam với bánh tráng nướng hoặc bánh phồng tôm cùng da heo chiên giòn. Bẻ 1 miếng bánh tráng xúc gỏi và đưa lên miệng. Vị giòn rụm của bánh tráng, thanh mát của các loại rau, giòn tan của da heo chấy tỏi thật tuyệt vời.

Có 1 loại thức uống rất hợp với món gỏi som tam: trà tắc. Thật ra có nhiều loại đồ uống phù hợp với món gỏi trên nhưng trà tắc vẫn là thức uống được lựa chọn nhiều vì vị chua dịu, thơm lừng của trái tắc có tác dụng “khử” mùi mắm và giảm vị cay trong khoang miệng.

Cứ thử gắp 1 miếng gỏi đậm đà vị mắm chua cay rồi nhấp 1 ngụm trà tắc chua dịu thanh mát, cảm giác thật… đã. Bữa ăn hôm đó trọn vị hẳn. Trà tắc chua ngọt làm dịu đi vị cay nồng, mặn mòi. Sự kết hợp đó rất hài hòa vị giác, được người sành ăn ví như 1 cặp “xứng đôi vừa lứa”.

Trong văn hóa ẩm thực Thái Lan, khẩu vị chính là chua cay. Hầu hết các món mặn đều dùng ớt làm gia vị. Trái ớt trong văn hóa ẩm thực Thái Lan được xem là gia vị chủ đạo, không thể thiếu trong quá trình chế biến món mặn. Tuy nhiên, người Thái Lan qua các quốc gia khác sinh sống, chẳng hạn như người Thái ở Việt Nam, thường gia giảm lượng ớt để phù hợp với khẩu vị của người Việt.

Ví dụ để có 1 dĩa gỏi som tam thực sự ngon, người Thái cho 20 trái ớt sừng vào cối là bình thường. Trong khi đó, với người Việt, khoảng 4 trái đã là cay. Thậm chí chỉ 1-2 trái ớt là đã hít hà vì cay. Vậy mới thấy văn hóa thưởng thức ẩm thực ở các quốc gia, ở mỗi con người đều đặc sắc, độc đáo, không thể so sánh.

Tôi là người có tâm hồn ăn uống, vô cùng yêu thích văn hóa ẩm thực ở các xứ sở, vùng miền. Mỗi năm, tranh thủ dịp nghỉ hè, lễ tết, ngoài đặt chân đến những vùng đất mới tham quan danh lam thắng cảnh, tôi còn khám phá văn hóa ẩm thực, thưởng thức các món ăn đặc trưng ở miền đất ấy. Với tôi, du lịch không chỉ đi bằng đôi chân, quan sát bằng đôi mắt mà còn phải nếm, thưởng thức những hương vị độc đáo của địa phương. Có vậy, chuyến đi mới thực sự ý nghĩa.

Lò Duy Bưu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI