Gọi nhầm người

02/03/2018 - 12:00

PNO - Vào lúc thập tử nhất sinh, tưởng mình không thể qua khỏi, chồng tôi đã nhờ gọi điện thoại báo tin cho một người phụ nữ. Chị ấy tới liền, không do dự.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Gia đình em đang rối quá. Chồng em bị tai biến, giờ đã qua cơn nguy hiểm nhưng vẫn đang phải nằm bệnh viện. Khi cơn đột quỵ ập tới tại nơi làm việc, mọi người đưa anh vào bệnh viện, ai cũng nghĩ chắc anh không qua khỏi. Có lẽ anh cũng nghĩ như vậy nên có nhờ người trong phòng gọi điện thoại báo tin cho một phụ nữ. Chị này đến bệnh viện thăm ngay.

Lúc đó em quá rối trí nên không để ý. Sau này khi anh ra phòng bệnh thường nằm, em mới hỏi lại người đó là ai, chồng em nói luôn đó là người mà anh ấy yêu suốt thời đại học, sau đó vì trắc trở không tiếp tục được, họ mới gặp lại nhau gần đây. Anh nói không có chuyện gì. Nhưng, không có chuyện gì mà sao trước cửa ngõ sinh tử anh lại gọi cho người đó? Chị ấy nghe là tới liền, không do dự. Lúc đó em còn chưa tới kịp, nghe nói chị kia đã khóc rất nhiều, đến nỗi ai cũng tưởng đó là vợ anh. Phải có tình cảm với nhau mới quan tâm đến nhau như vậy phải không chị? 

Goi nham nguoi
 

Những suy nghĩ đó dằn vặt em suốt. Em vừa đi làm vừa phải chăm chồng, mỗi lần đến bệnh viện là nhớ lại, là khó thở, vô tới cửa phòng bệnh phải hỏi ngược hỏi xuôi coi chị đó có vô nữa không. Em rất mệt mỏi. Bây giờ mà nói chuyện chia tay thì không phải lẽ, cằn nhằn tra hỏi cũng không được, vì anh còn yếu. Nhưng mỗi ngày, chuyện này cứ hiện ra trong đầu em. Sao không gọi vợ gọi con, lại gọi người phụ nữ khác? Thậm chí nhiều lúc uất ức, em đã tính không vô bệnh viện nữa, ừ thì cứ để anh ấy gọi chị kia đến mà chăm sóc, em mặc kệ, không cần con người bội bạc lừa dối vợ con như vậy nữa… 

Minh Xuyến (TP.HCM)

Em Minh Xuyến thân mến,

Thư em không nói bao lâu nữa thì chồng em ra viện. Hy vọng lúc này anh ấy đã xuất viện bình an về nhà. Một cuốn sách có nói ý rằng, con người ta phải bệnh nặng một lần trong đời, để hiểu mình, hiểu đời, để chiêm nghiệm, suy ngẫm về những thứ đang gắn bó quanh mình, về cuộc sống, gia đình, tình yêu, công danh, tiền bạc… Chắc chắn trong những ngày hậu tai biến ở bệnh viện, anh ấy cũng đã có những suy nghĩ. Việc đâu có đó, mình đợi đến khi lành bệnh, về nhà, chuyện trong nhà giải quyết trong nhà, không nên để nó xảy ra ồn ào nơi công cộng, trước mắt người dưng. Bản lĩnh của người vợ nằm ở đó em ạ. 

Thư em cho thấy, em vẫn còn rất yêu chồng, muốn giữ gìn gia đình, cái “mặc kệ” chỉ là chút bực bội hờn dỗi. Vậy nên, mình tính cách xử sự cho đáng mặt “chính chủ” nha em. Bỏ rơi, mặc kệ, buông tay… thì quá dễ, nhưng tình nghĩa vợ chồng, cha con sẽ không cho phép mình làm vậy. 

Khi những ngày bệnh nặng đã qua, vợ chồng có thể nói với nhau thẳng thắn về chuyện này. Nhưng nếu kết quả vẫn dừng lại ở chỗ “không có gì”, cũng không nên gặng hỏi, truy vấn cho tới khi từ không thành có.

Em nên hỏi thông tin của người phụ nữ kia, đàng hoàng trực tiếp đến thăm và cảm ơn chị ấy đã đến bệnh viện khi nhận được tin về chồng mình. Qua cuộc nói chuyện giữa em và chị ấy, em sẽ nắm được một phần của mối quan hệ này, nhưng điều quan trọng hơn là cuộc nói chuyện sẽ được xem như cách để em khẳng định “chủ quyền” của mình, khẳng định mình biết về mối quan hệ này và mình đủ bao dung để không cư xử một cách “ghen tuông thường tình”.

Tùy câu chuyện mà em có thể tuyên bố luôn là chồng mình nay sức khỏe đã ổn định, sự quan tâm của bạn bè cũ, người yêu cũ đi nữa, gia đình rất quý nhưng có lẽ chỉ nên dừng tại đây thôi. Cứ coi như đó cũng là một lần bệnh nặng của tình cảm vợ chồng, mình tìm cách chữa bệnh sao cho bệnh nhân khỏe lên, hạnh phúc gia đình cũng được gìn giữ. Chúc em thành công.   

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về
hanhdungorg@baophunu.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI