|
Cách xưng hô chỉ là giao tiếp xã giao thông thường, nhưng qua đó cần giáo dục học sinh ý thức tôn trọng người lớn (ảnh minh họa) |
Cách xưng hô trong tiếng Việt rất phong phú, cho phép người nói lựa chọn danh xưng phù hợp tùy vào tuổi tác, mức độ thân thiết, vị trí công việc… Một số danh xưng định vị ngôi thứ trong giao tiếp, thể hiện sự tôn trọng, lịch sự… nhưng đừng quá khắt khe, nhất thành bất biến. Cần hiểu đúng và vận dụng sao cho thích hợp, tạo không khí giao tiếp trang trọng, thoải mái và có hiệu quả tích cực.
Gần đây, xuất hiện một số ý kiến của học giả nghiên cứu văn học cho rằng: giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là “con”, gây những tranh cãi trái chiều. Với cách xưng hô theo hướng “gia đình hóa” như vậy, liệu rằng người trẻ có nghĩ mình là bậc con cháu mà mất đi sự tự tin không? Người xưa có câu “Thầy cô là mẹ là cha, là người dạy dỗ chúng ta nên người”, hay quan điểm “Tôn sư trọng đạo” có phải là quan niệm Nho giáo lỗi thời, là lối áp đặt gò bó cần được tháo bỏ?
Tôi cho rằng việc giáo viên xưng hô với học trò là “thầy, cô” với “con” để giáo dục sự tôn trọng ở học sinh chứ chẳng làm mất mát gì cả. Nếu có một học sinh nào xưng là “em” thì thầy cô vẫn chấp nhận và điều chỉnh danh xưng. Văn hóa cúi đầu của người Nhật không làm mất đi giá trị của bản thân, không phải là hạ mình thấp kém. Học sinh cúi đầu chào khi gặp thầy cô để thể hiện sự biết ơn, sự kính trọng, là cái cốt lõi của giáo dục, là cái còn sót lại trong một cơ chế thị trường đong đếm bằng những giá trị vật chất.
Không chỉ gọi học sinh bằng “con” hay “em” mà nên cho học sinh hoán vai để đặt mình vào nhiều vị trí khác nhau, từ đó đưa ra những cách xưng hô phù hợp. Nhà trường, thầy cô có thể tổ chức hoạt động “Một ngày làm giáo viên”, như cách làm của Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) cho phép học sinh hóa thân thành người thầy, người cô “uy quyền”, để học sinh có cơ hội trải nghiệm và học hỏi. Cách xưng hô chỉ là giao tiếp xã giao thông thường, nhưng qua đó cần giáo dục học sinh ý thức tôn trọng người lớn, biết ứng xử lịch sự, văn minh, hiểu rõ một số nguyên tắc nhất định trong cuộc sống.
Ở lứa tuổi mầm non, tiểu học, học sinh còn nhỏ, có cách sinh hoạt, xưng hô theo gần với gia đình. Do đó, thầy cô gọi học sinh là “con” thể hiện tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc. Khi học sinh bước vào các cấp học lớn hơn, các em định vị được bản thân, từng ngày khẳng định chính mình, từ đó sẽ dần điều chỉnh lối xưng hô với thầy cô và người xung quanh.
Theo tôi, cách xưng “tôi” không phù hợp với học sinh phổ thông. Nó tạo một cái nhìn thiếu gần gũi, ngang hàng phải lứa với giáo viên. Học sinh đến trường không chỉ để tiếp thu kiến thức mà còn được uốn nắn, rèn giũa hành vi, nhân cách và được chia sẻ, đồng cảm với những nhu cầu tâm sinh lý của lứa tuổi. Chúng ta rất cần ở thế hệ trẻ sự năng động, nhiệt huyết, tiếp thu cái mới nhưng vẫn gìn giữ nét đẹp của truyền thống. Đừng đánh đổi truyền thống qua con chữ, qua cách xưng hô.
Lâm Vũ Công Chính
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (Q.10)