Gói hỗ trợ - thuốc chưa đủ liều

10/04/2020 - 08:27

PNO - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, cố vấn cao cấp Ngân hàng NCB - cho rằng, với “sức khỏe” của doanh nghiệp hiện nay, các gói hỗ trợ tài chính chưa thật sự “đủ liều” cho nền kinh tế. Dưới đây là ý kiến của ông.

Mỹ đã tung ra gói hỗ trợ khoảng 2.250 tỷ USD, tương đương khoảng 10% GDP của Mỹ. GDP của Việt Nam năm 2019 khoảng 300 tỷ USD, nên gói hỗ trợ kinh tế của chúng ta cũng nên tính đến mức tương đương 10% GDP, tức khoảng 30 tỷ USD. Số tiền này có thể vượt ra ngoài khả năng của Việt Nam, nhưng ít nhất vẫn phải có gói hỗ trợ khoảng 2% GDP, tức 6 tỷ USD, tương đương 150.000 tỷ đồng. Chính phủ đã tung ra các gói hỗ trợ kinh tế như gói gia hạn thuế và tiền thuê đất (180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ tiền tệ, an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng), nhưng tôi nghĩ vẫn chưa đủ. 

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, cố vấn cao cấp Ngân hàng NCB
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, cố vấn cao cấp Ngân hàng NCB

Đầu tháng 3/2020, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch COVID-19, trong đó có hai gói hỗ trợ quan trọng: gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng (còn gọi là gói gia hạn thuế và tiền thuê đất, hiện đã nâng lên thành 180.000 tỷ đồng). 

Gói 180.000 tỷ đồng được hiểu sẽ được dùng cho các khoản miễn, giảm, chi tiêu do dịch COVID-19, ví dụ như miễn, giảm thuế (thuế  VAT, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp), giảm tiền thuê đất, miễn giảm phí cầu đường, miễn phí nhập khẩu thiết bị vật tư y tế hoặc tăng chi ngân sách nhà nước để mua sắm thiết bị y tế, phục vụ cách ly liên quan đến dịch COVID-19… 

Đối tượng của gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng là người dân bị giảm sâu về thu nhập, mất việc làm, hộ nghèo, doanh nghiệp ngừng việc nhưng phải trả lương cho người lao động… Đây là gói “tiền tươi” đầu tiên từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ người dân trong đại dịch. Gói này vẫn chưa thể “đủ liều” khi mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp phá sản, hơn 150.000 lao động mất việc mà cần phải có thêm gói 150.000 tỷ đồng nữa từ ngân sách trung ương rót xuống. 

Dịch vụ ăn uống tại các thành phố lớn đóng cửa hàng loạt do hoạt động du lịch ngủ đông
Dịch vụ ăn uống tại các thành phố lớn đóng cửa hàng loạt do hoạt động du lịch "ngủ đông"

Cần lưu ý công tác giám sát việc giải ngân các gói này. Năm 2008, Chính phủ có gói kích cầu, theo đó, ngân hàng cho vay lãi suất thấp, Chính phủ bù trừ bằng cách đẩy tiền cho các ngân hàng. Một số ngân hàng đã lợi dụng chính sách đó. Không phải trong quá khứ bị lợi dụng chính sách mà mình không tung ra các gói hỗ trợ, vấn đề là phải có chỉ tiêu chặt chẽ hơn. 62.000 tỷ đồng này là tiền của Chính phủ rót trực tiếp cho người dân và các doanh nghiệp, nếu Chính phủ và Quốc hội không có bộ phận giám sát thanh tra thì số tiền đó vẫn bị lạm dụng, giống như “bò đi lạc vào nhà cán bộ”. 

Gói này có hai cấu phần, phần 36.000 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp thiệt hại do dịch COVID-19, phần còn lại là hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép doanh nghiệp tạm ngừng đóng quỹ hưu trí đối với lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Riêng trong phần hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng, ngân sách trung ương chi ra chỉ khoảng 22.000-23.000 tỷ đồng, Chính phủ yêu cầu địa phương phải có gói 13.000-14.000 tỷ đồng. Tôi không đồng tình chủ trương yêu cầu địa phương phải đóng góp ngân sách. Nên sử dụng ngân sách trung ương và phải cho địa phương có ngân sách của họ để giải quyết vấn đề tại địa phương. 

Ngoài ra, tôi đề xuất nâng thêm thời gian được hưởng trợ cấp từ gói này. Cụ thể, theo tôi, hộ nghèo cần hưởng trợ cấp sáu tháng thay cho đề xuất trước đó là ba tháng (mỗi tháng 1 triệu đồng). Doanh nghiệp trả lương cho người lao động nên được vay 12 tháng và ân hạn cả gốc lẫn lãi, sau đó có thể trả góp trong vòng ba năm cho Chính phủ. Nên hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương 1,8 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ ít nhất là sáu tháng; hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng 1 triệu đồng/tháng, thời hạn sáu tháng. 

Trong quý I/2020, bình quân có khoảng hơn 10.000 doanh nghiệp phá sản mỗi tháng
Trong quý I/2020, bình quân có khoảng hơn 10.000 doanh nghiệp phá sản mỗi tháng

Các doanh nghiệp cũng cần biết rằng mình có thể tiếp cận gói 250.000 tỷ đồng. Gói này tất cả đều là tiền của các ngân hàng, không có đồng nào của Chính phủ. Nói đúng hơn, đây là tổng các gói mà các tổ chức tín dụng cam kết cho vay mới với lãi suất thấp hơn, ưu đãi hơn mức lãi suất thông thường. Thành ra, các ngân hàng phải đặt một số tiêu chí để bảo đảm doanh nghiệp có khả năng trả nợ cho họ hay không, nếu đáp ứng được thì cũng chỉ giúp giảm lãi vay hay ân hạn nợ một cách giới hạn. Nhưng đa phần các doanh nghiệp không thể lọt qua được các tiêu chí đưa ra, nhất là trong giai đoạn phải đóng cửa, không có doanh thu, không chứng minh được tài chính. 

Các doanh nghiệp không thể kỳ vọng vào gói hỗ trợ tín dụng này mà Chính phủ phải có gói riêng từ ngân sách nhà nước là 150.000 tỷ đồng như tôi đề cập ở trên để rót vào doanh nghiệp và cả người dân. Chẳng hạn như ủy thác cho ngân hàng vay ra với lãi suất 0 đồng, thời gian ân hạn cả gốc và lãi là một năm chẳng hạn.

Tiêu chí gói này rất rộng rãi, không qua sự sàng lọc của ngân hàng, bất kể doanh nghiệp nào yếu kém hay không yếu kém, chỉ cần bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 đều được hưởng. Có như vậy thì không cần phải miễn thuế thu nhập doanh nghiệp mà vẫn duy trì sự sống của họ, giúp họ có tiền trang trải chi tiêu tối thiểu nhất, bởi nếu doanh nghiệp chết, khi dịch bệnh qua đi, kỳ vọng sự trở lại của doanh nghiệp là rất khó. 

Tôi cho rằng, thời điểm này, các doanh nghiệp nên tính toán giảm chi phí không cần thiết, cố gắng duy trì sự sống còn của mình và tạm thời gác lại kế hoạch kinh doanh. Doanh nghiệp chỉ nên tạm ngưng hoạt động chứ đừng giải thể và cố gắng duy trì lực lượng lao động tại doanh nghiệp; nếu không trả lương toàn phần thì trả lương từng phần, 50% hoặc thậm chí chỉ 20% rồi liên hệ với địa phương, các hiệp hội để nhận hỗ trợ từ Chính phủ, trả lương cho người lao động. Có như vậy, khi nền kinh tế phục hồi, doanh nghiệp mới có thể tiếp tục sản xuất. 

Thanh Hoa (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI